Những rủi ro khi Trung Quốc đưa tàu ngầm hạt nhân ra Thái Bình Dương

Quyết định triển khai tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân tuần tra ở biển Thái Bình Dương là động thái mới nhất trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bảo vệ lực lượng quân sự hạt nhân tương đối khiêm tốn của mình, ước tính khoảng 260 đầu đạn hạt nhân, trong khi số đầu đạn hạt nhân của Mỹ là 7.000.

Một chiếc tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trang tin "Global Research" mới đây có bài phân tích với tựa đề "Trung Quốc chuẩn bị đưa tàu ngầm hạt nhân ra Thái Bình Dương" của tác giả Peter Symonds. Theo chuyên gia phân tích quốc tế này, mới đây nhật báo nổi tiếng "Guardian" (Người bảo vệ) của Anh đưa tin quân đội Trung Quốc "đã sẵn sàng đưa tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân ra Thái Bình Dương lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc cho rằng hệ thống vũ khí mới của Mỹ đã đe dọa lực lượng phòng thủ của Bắc Kinh, khiến họ không có sự lựa chọn nào khác".

Các quan chức Trung Quốc chưa tiết lộ thời gian cụ thể, nhưng động thái này sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc, làm tăng nguy cơ chiến tranh. Kể từ khi nhậm chức, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tăng cường xây dựng quân đội Mỹ và tăng cường các liên minh trên khắp châu Á để chuẩn bị cho cuộc chiến với Trung Quốc. Mỹ đã dự kiến chi khoảng 1.000 tỷ USD trong 30 năm để nâng cấp và mở rộng kho vũ khí hạt nhân và hệ thống phòng thủ của mình. Trong khi đó, Chính quyền Trung Quốc muốn duy trì khả năng khởi động một hoạt động trả đũa trong trường hợp Mỹ tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào căn cứ quân sự, thành phố và các cơ quan đầu não của mình. Một thập kỷ trước, tờ tạp chí uy tín "Foreign Affairs" có trụ sở tại Mỹ, đã đăng tải bài viết có tiêu đề "Sự trỗi dậy của quyền hạt nhân tối thượng của Mỹ" kích động Lầu Năm Góc và Nhà Trắng. Tuy nhiên, đằng sau chiến dịch giải trừ vũ khí hạt nhân "giả tạo", Mỹ đã và đang phấn đấu đạt được tính ưu việt hạt nhân hơn bất kỳ đối thủ tiềm năng nào khác, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Bài viết này tập trung chủ yếu vào Nga, cường quốc có lực lượng hạt nhân quy mô lớn hơn và tinh vi hơn.

Tuy nhiên, sự phân tích khả năng hạt nhân của Trung Quốc trong bài viết vẫn chưa thể làm rõ việc quốc gia châu Á này sẽ có động thái gì để đảm bảo vũ khí hạt nhân của mình sẽ không bị xóa sổ hoàn toàn trong một cuộc tấn công của Mỹ. Bài viết có đoạn: "Kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc thậm chí rất dễ bị tổn thương trước một cuộc tấn công của Mỹ. Cuộc tấn công của Mỹ có thể thành công dù được tiến hành một cách bất ngờ hay ngay giữa cuộc khủng hoảng. Trung Quốc có một kho vũ khí hạt nhân hạn chế. Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện tại chưa có tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân hiện đại hay máy bay ném bom tầm xa. Hải quân Trung Quốc đã từng có hai tàu ngầm tên lửa đạn đạo, nhưng một tàu đã bị chìm, và một tàu khác đã không còn hoạt động và chưa bao giờ ra khỏi vùng lãnh hải của Trung Quốc".

Trong thập kỷ qua, PLA đã rất vất vả mới có thể khắc phục những thiếu sót lớn. Trung Quốc đã chế tạo tên lửa nhiên liệu rắn, tàu ngầm tên lửa đạn đạo hạt nhân bốn lớp Jin, phát triển một bệ phóng tên lửa di động, cải tiến hệ thống cảnh báo sớm và các vũ khí tấn công khác. Tuy nhiên, kho vũ khí của Trung Quốc vẫn còn nhỏ và dễ bị tổn thương, đi sau nhiều so với các công nghệ của Mỹ. Ông Wu Riqiang, một học giả Trung Quốc của Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với tờ "Người bảo vệ" rằng tàu ngầm hạt nhân lớp Jin hay loại 094 của Trung Quốc quá ồn và dễ bị định vị bằng tàu ngầm tấn công của Mỹ, và sẽ không bao giờ đến được giữa Thái Bình Dương hay vươn tới lãnh thổ Mỹ. Theo tác giả Peter Symonds, nguyên nhân là do độ ồn cao của tàu loại 094 và do Trung Quốc thiếu kinh nghiệm vận hành tàu ngầm hạt nhân nên không thể và không nên triển khai tàu 094 vào việc tuần tra răn đe trong tương lai gần.

Mỹ quyết tâm duy trì quyền đi lại tự do hàng hải của mình ở Biển Đông.

Theo một số chuyên gia quân sự quốc tế, mối quan tâm thực sự của Lầu Năm Góc là tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc, được che đậy dưới lớp vỏ bọc "hoạt động tự do hàng hải" ở Biển Đông. Mỹ quyết tâm duy trì quyền đi lại tự do hàng hải của mình ở vùng biển nhạy cảm và tiềm năng này, nơi tiếp giáp trực tiếp với đảo Hải Nam, khu vực neo đậu của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc. Lầu Năm Góc muốn theo dõi các động thái của tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc và từ đó tiêu diệt chúng trước khi chúng đến được các vùng biển mở ở Thái Bình Dương. Uy thế hạt nhân của Mỹ đặt các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào tình huống khó xử, vì nước này trước đó đã gặp không ít khó khăn trong việc kiểm soát chặt chẽ kho vũ khí hạt nhân của mình, và do đó họ lưu trữ đầu đạn hạt nhân tách biệt với tên lửa. Nếu triển khai tàu ngầm hạt nhân, thì có nghĩa là đầu đạn hạt nhân và tên lửa sẽ phải cùng được lưu giữ trên tàu. Điều này đặt ra câu hỏi: Liệu người chỉ huy sẽ được ủy quyền để khởi động đầu đạn hạt nhân trong trường hợp Mỹ tung đòn tấn công phủ đầu vào cơ quan đầu não của Trung Quốc ở Bắc Kinh hay không?

Mặc dù số vũ khí hạt nhân của Trung Quốc hiện nay chủ yếu là để phòng thủ, nhưng việc chạy đua vũ khí hạt nhân vẫn là hoạt động nguy hiểm. Việc gia tăng chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt Trung Quốc tiếp tục tác động đối với cộng đồng quốc tế yêu chuộng hòa bình, trong khi chỉ có lực lượng xã hội này mới có khả năng ngăn chặn một lò lửa hạt nhân trong tương lai. Đặc biệt, cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân đang làm tình hình ngày càng trầm trọng thêm và biến động khó lường tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Học giả người Mỹ Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury (Mỹ) nói: "Điều này có thể dẫn tới những hậu quả khó lường. Do đó, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ vấp ngã một cách mù quáng trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đang ngày càng trầm trọng". Bình luận của Giáo sư Lewis là một cảnh báo về những rủi ro vô cùng lớn có thể phát sinh từ một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai cường quốc trong tương lai.

TTK
Chiến dịch “lấp liếm” sự thật của Trung Quốc
Chiến dịch “lấp liếm” sự thật của Trung Quốc

Guồng máy tuyên truyền của Bắc Kinh đang vận hành hết công suất để biện minh cho việc Trung Quốc phủ nhận thẩm quyền của định chế quốc tế tại La Haye, ngang ngược "tố cáo" Philippines là đã "hành động phi pháp" khi đưa Bắc Kinh ra trước cơ quan trọng tài quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN