Những nước cờ kinh tế mới của Nga

Trong bối cảnh EU và Mỹ thiết lập một loạt các lệnh trừng phạt đối với Nga vì cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Ukraine, Moskva không những đã nhanh chóng có những biện pháp trả đũa “đúng huyệt”, mà còn khẩn trương xây dựng quan hệ kinh tế với các nhà xuất khẩu mới từ Mỹ Latinh cho đến châu Phi. Điều này mởa ra những cơ hội vô cùng to lớn dành cho các nhà xuất khẩu trên thế giới.


Argentina khấp khởi


Quyết định của Nga trong việc cấm nhập khẩu một lượng lớn mặt hàng nông nghiệp và thực phẩm của châu Âu tạo ra cơ hội để Argentina đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm thịt và sữa. Các mặt hàng thịt bò, sản phẩm sữa, thịt lợn, gia cầm, quả, rau và hải sản đều là những sản phẩm nằm trong danh mục sản phẩm mà người Nga sẵn sàng nhập khẩu từ Mỹ Latinh. Mario Ravettino, chủ tịch một tập đoàn xuất khẩu thịt Argentina nói: “Cơ hội tăng xuất khẩu nông nghiệp sang Nga là tin tốt với chúng tôi”.

 

Gian hàng bán sữa trong một siêu thị ở trung tâm thủ đô Moskva.


Trong năm 2013, nguồn cung thịt bò từ Argentina vào Nga tăng 18%. Mỗi năm, Argentina bán vào Nga khoảng 6.500 - 8.000 tấn thịt bò, với giá 3.600 USD/tấn. Dẫu vậy, nếu so với con số mà Argentina đã cung cấp vào thị trường Nga một thập kỉ trước, khi thịt xuất khẩu chiếm đến 150.000 tấn, con số trên vẫn còn nhạt nhòa.


Tuy nhiên, chủ tịch Ravettino cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào việc xuất khẩu thịt sang Nga bởi các nhà xuất khẩu mặt hàng này của Argentina sẽ bị kiểm soát do sự sụt giảm đàn gia súc cũng như những quy định về hạn chế xuất khẩu thịt chế biến đến 6%. Tại Argentina, gần như tất cả số thịt bò đã qua chế biến được tiêu thụ tại thị trường nội địa nhằm tránh làm tăng giá mặt hàng này trong nước.


Dẫu vậy, Argentina vẫn có thể tăng xuất khẩu các sản phẩm sữa vào thị trường Nga. Đầu tiên sẽ là mặt hàng pho mát, kế đến là bơ. Phần lớn trong số 4.000 tấn bơ mà Argentina xuất khẩu là tới thị trường Nga.


Như Argentina, Thổ Nhĩ Kì cũng nhìn thấy những tín hiệu vui trong quan hệ thương mại với Nga. Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, các mặt hàng xuất khẩu của nước này vào Nga trong năm 2013 chiếm 7 tỉ USD. 1,2 tỉ trong số đó đến từ những mặt hàng mà Nga vừa mới áp đặt các lệnh cấm vận lên các nước châu Âu.


Ecuador: Thích là bán


Trước việc tờ báo Tây Ban Nha El Pais đưa tin các quốc gia châu Âu không hài lòng với ý định bán thực phẩm cho Nga của các nước Mỹ Latinh, Tổng thống Ecuador Rafael Conrrea đã tuyên bố hùng hồn rằng quốc gia Nam Mỹ này sẽ không xin phép bất kì ai để bán thực phẩm vào Nga. “Tôi chỉ muốn nói rằng chúng tôi không cần sự cho phép của bất kì ai để bán thực phẩm vào các quốc gia thân thiện. Trong chừng mực mà tôi biết, Mỹ Latinh không thuộc Liên minh châu Âu”, ông nói.


Trước đó, Bộ trưởng Ngoại thương Ecuador, Francisco Rivadeneira, cũng cho hay chính phủ đang nghiên cứu khả năng tăng các mặt hàng xuất khẩu vào Nga. Đầu tháng 8, người đứng đầu Cục Quản lí nông nghiệp liên bang Nga (Rosselkhoznadzor), ông Sergey Dankvert và Đại sứ Ecuador tại Nga, Patricio Alberto Chavez Zavala đã thảo luận về việc tăng khối lượng hàng hóa Ecuador vào Nga.


Theo Đại sứ quán Ecuador tại Moskva, các mặt hàng xuất khẩu của nước này vào Nga chủ yếu là chuối và hoa hồng, mang về nguồn thu lớn thứ hai, sau dầu mỏ, cho Ecuador. Trong 5 tháng đầu năm 2014, Ecuador đã chuyển tới Nga 580.000 tấn chuối và 9,3 ngàn tấn hoa hồng.


Tăng cường hợp tác với Ai Cập


Trong khi đó, Nga và Ai Cập cũng nghiên cứu khả năng thiết lập một khu vực mậu dịch tự do.


Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga và Ai Cập đã đồng ý về việc giới thiệu một cơ chế đơn giản hóa về việc mở đường cho sản phẩm của Ai Cập vào thị trường Nga, cụ thể là tạo ra một trung tâm hậu cần trên bờ Biển Đen.


Theo ông Putin, các đại diện của Nga sẽ đến Ai Cập để đàm phán trong tương lai gần và phía Ai Cập đã sẵn sàng để tăng cung cấp sản phẩm nông nghiệp vào Nga đến 30%, đồng thời hai nước sẽ chủ động hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp.


Anh Minh (Theo Pravda)


 

Phương Tây trừng phạt và cô lập Nga: Lợi bất cập hại
Phương Tây trừng phạt và cô lập Nga: Lợi bất cập hại

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang phải đối mặt với những tổn thất lớn về kinh tế khi họ tham gia vào các nỗ lực mới nhất chống lại Nga. Quan trọng hơn, các lệnh trừng phạt mở rộng đang làm xói mòn các lợi ích và tổn hại đến các đồng minh cũng như đối tác của Mỹ ở châu Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN