Những ngã rẽ khó đoán

Với việc lần đầu tiên trong 15 năm qua, liên minh cầm quyền mất thế đa số trong khi phe đối lập lại tăng cường được sức mạnh, diễn biến chính trường Nhật Bản đang trở nên khó dự đoán.   

Chú thích ảnh
Cử tri bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử ở Tokyo, Nhật Bản ngày 27/10/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Sau cuộc bầu cử hạ viện, thủ tướng sẽ được bổ nhiệm trong phiên họp đặc biệt theo lịch trình của Quốc hội, thông qua cuộc bầu cử tại Hạ viện và Thượng viện. Khi đó, các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu cho các nhà lãnh đạo của đảng hoặc liên minh liên kết của họ. Thông thường, nếu đảng cầm quyền nắm giữ đa số, thủ tướng sẽ được quyết định ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên. Nếu không có ứng cử viên nào giành được đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu ban đầu, sẽ tiến hành vòng hai giữa hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất. Nếu kết quả bầu của Hạ viện và Thượng viện khác nhau, một ủy ban chung sẽ được triệu tập. Nếu hai viện vẫn không thể thống nhất, Hiến pháp quy định ưu tiên sự lựa chọn của Hạ viện.

Các nguồn thạo tin tiết lộ Chính phủ Nhật Bản và các quan chức liên minh cầm quyền đang có kế hoạch triệu tập một phiên họp quốc hội đặc biệt để bầu thủ tướng vào ngày 11/ 11. Trong tình thế tiềm lực của phe cầm quyền và phe đối lập hiện có thể nói là gần như tương đương nhau, giới chuyên gia dự đoán sẽ có một cuộc chiến về khuôn khổ của chính phủ, có khả năng thay đổi tình hình chính trị. Các nhà quan sát chính trị đã đưa ra một số kịch bản về việc duy trì liên minh cầm quyền, trong đó có hai khả năng đáng chú ý nhất. Đó là liên minh cầm quyền có thể hợp tác với một đảng hoặc nhiều đảng khác để tạo nên thế đa số. Kịch bản thứ hai là liên minh cầm quyền có thể tiếp tục nắm quyền với tư cách là chính phủ thiểu số nếu Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tái đắc cử tại phiên họp đặc biệt của Quốc hội được triệu tập trong vòng 30 ngày sau cuộc bầu cử. Hai kịch bản này dựa trên giả định ông Ishiba sẽ không từ chức. Cho đến thời điểm hiện nay, chính khách này vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục giữ chức thủ tướng. 

Liên minh một phần hay chính phủ thiểu số?

Theo kế hoạch, nội các hiện tại của Thủ tướng Ishiba sẽ từ chức. Nếu được bầu tại Quốc hội, ông sẽ thành lập một nội các thứ hai. Việc mất thế đa số có thể khiến Thủ tướng Ishiba tìm kiếm một đảng thứ ba tham gia liên minh để tiếp tục nắm quyền - một động thái đòi hỏi phải đàm phán hoặc thậm chí là nhượng bộ. Các nhà phân tích đánh giá ông Ishiba có 3 lựa chọn để tồn tại - thuyết phục một lực lượng đối lập tham gia chính phủ, đưa ra các thỏa thuận chính sách với một đảng khác bên ngoài nội các và công nhận các nghị sĩ được bầu độc lập. Nếu không có khả năng nào thành hiện thực, vị thế của ông Ishiba trong đảng Dân chủ tự do (LDP) sẽ suy yếu, khiến ông dễ bị mất tín nhiệm trong đảng và không duy trì được vị thế hiện nay. 

Trong khi đó, triển vọng rất ảm đạm vì các nhà lãnh đạo của các đảng đối lập lớn đã thẳng thừng tuyên bố không muốn hợp tác với LDP. Ông Yoshihiko Noda, Chủ tịch đảng Dân chủ lập hiến (CDPJ), tuyên bố rằng “không thể thành lập liên minh với LDP". Chủ tịch đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPP), Yuichiro Tamaki, cho biết không có ý định tham gia liên minh do LDP lãnh đạo. Chủ tịch đảng Đổi mới Nhật Bản (JIP), ông Nobuyuki Baba, cũng khẳng định "hoàn toàn không nghĩ đến" việc tham gia chính phủ liên minh. Rõ ràng, trong tình huống hiện nay, việc tìm kiếm một đối tác chính trị mới không phải là điều dễ dàng. Bản thân Thủ tướng Ishiba ngày 28/10 cũng đã bác bỏ ý tưởng mở rộng thành phần liên minh cầm quyền vào thời điểm hiện tại nhưng bày tỏ mong muốn kết hợp các ý tưởng chính sách từ phe đối lập. Ông dự kiến sẽ tìm kiếm một “liên minh một phần”, theo hình thức hợp tác trên cơ sở từng chính sách một.

Các nhà quan sát chính trị dự đoán LDP sẽ khởi xướng việc tái cơ cấu, bao gồm cả quan hệ đối tác có thể có với DPP. Ông Ishiba nêu rõ: "Có nhiều cách để hợp tác, thông qua liên minh hoặc hợp tác không liên minh", đề xuất khả năng hợp tác theo cách "hướng đến chính sách". Nếu ông Ishiba không thể bắt tay với lực lượng đối lập, ông có thể chấp nhận những nghị sĩ LDP đã đắc cử với tư cách độc lập trong cuộc bầu cử ngày 27/10. Tuy nhiên, những người này vẫn đang trong tình thế khó khăn vì đã dính líu vào vụ bê bối gây quỹ chính trị nên không được LDP công nhận tư cách đảng viên để tranh cử. Hiroshi Kamiwaki, Giáo sư về Hiến pháp tại Đại học Kobe Gakuin, nhận định các cử tri đang có cái nhìn nghiêm khắc đối với LDP vì đảng này "chưa công khai hết sự thật" về vụ bê bối gây quỹ chính trị. 

Yu Uchiyama, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tokyo, phân tích: "LDP có thể sẽ cố gắng đưa một số thành viên không liên kết trở lại hoặc chiêu mộ một số đảng đối lập. Tuy nhiên, vì DPP và JIP đều đã loại trừ khả năng liên minh với LDP, nên chúng ta có thể sẽ có một chính phủ thiểu số. Trong trường hợp đó, có thể sẽ xuất hiện một liên minh một phần, trong đó LDP sẽ cần đạt được sự hợp tác của phe đối lập cho từng dự luật”. Việc đàm phán với một đảng thứ ba để giành được sự ủng hộ của đảng này tại Quốc hội cho mọi dự luật có thể làm trầm trọng thêm tình hình bất ổn chính trị và làm giảm đáng kể thẩm quyền của LDP đối với liên minh, khiến chính quyền của ông Ishiba càng trở nên bấp bênh hơn. Quá trình hoạch định chính sách bị gián đoạn và tốn nhiều công sức hơn, đòi hỏi rất nhiều vốn chính trị từ phía chính phủ. 

Phe đối lập hình thành liên minh - Thay đổi hoàn toàn chính phủ

Giới phân tích giả định thêm tình huống xấu nhất đối với LDP - Công Minh. Đó là ông Ishiba không được tái bổ nhiệm làm thủ tướng và các đảng đối lập hợp tác thành lập chính phủ. Đề cập đến việc hợp tác với các đảng đối lập khác, lãnh đạo CDPJ, ông Yoshihiko Noda nhấn mạnh: "Nếu có những điểm đồng thuận, có thể có nhiều cách để hợp tác". Lãnh đạo DPP, ông Yuichiro Tamaki, bày tỏ mong muốn lắng nghe các đề xuất về khả năng hợp tác, nói rằng ông sẽ "hợp tác với các đảng khác bất kể họ có tham gia chính phủ hay phe đối lập".

Một trong hai lực lượng đối lập nhỏ hơn đạt được thành quả trong cuộc bầu cử - JIP hoặc DPP - hoàn toàn có thể trở thành yếu tố quyết định cho việc hình thành khối cầm quyền. DPP giành được 28 ghế, tăng gấp 4 lần so với 7 ghế trước cuộc bầu cử, trở thành đảng lớn thứ tư tại Hạ viện. JIP, đảng lớn thứ ba, giành được 38 ghế, giảm từ 43 ghế trước khi Hạ viện giải tán vào ngày 9/10. 

CDPJ đã họp để thảo luận về cách hợp tác với các đảng đối lập khác, chẳng hạn như bỏ phiếu đề cử thủ tướng trong phiên họp đặc biệt sắp diễn ra của Quốc hội. Ông Noda có kế hoạch tìm kiếm sự hợp tác từ JIP và DPP, những đảng đã cùng nhau đệ trình một động thái bất tín nhiệm đối với nội các ông Ishiba trong phiên họp bất thường của Quốc hội được tổ chức đầu tháng này. Tuy nhiên, ông Noda cũng thừa nhận các cuộc đàm phán với các đảng đối lập khác sẽ cần thời gian. Ông dường như muốn giải quyết vấn đề này trước cuộc bầu cử thượng viện vào mùa Hè năm sau và tuyên bố: “Nếu có thể thay đổi chính phủ ngay lập tức, đó sẽ là kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, tôi tin rằng cụm từ 'đêm trước khi thay đổi chính phủ' chắc chắn đang trở thành hiện thực. Đây chỉ là sự khởi đầu”.

Tuy nhiên, dù bị tổn thất tại Hạ viện, không thể phủ nhận LDP vẫn là đảng lớn nhất với 191 ghế. Trong khi đó, đảng đối lập lớn nhất là CDPJ, dù được đánh giá là gặt hái thắng lợi trong cuộc bầu cử lần này với 148 ghế nhưng vẫn chưa đủ để làm cú lội ngược dòng trước LDP. Các đảng đối lập cũng không thành lập được mặt trận thống nhất chống lại các ứng cử viên LDP - Công Minh trong cuộc bầu cử. Những sự ganh đua và khác biệt về ý thức hệ có thể tái diễn trong khối đối lập, làm trầm trọng thêm sự bất ổn trong bối cảnh chính trị mới của Nhật Bản.

Yu Uchiyama, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Tokyo, cho rằng khó có thể thay đổi hoàn toàn chính phủ vì việc thành lập liên minh gồm nhiều đảng sẽ rất khó khăn đối với phe đối lập. Bên cạnh đó, cho đến thời điểm hiện nay, các cuộc thăm dò ý kiến của giới truyền thông đều cho thấy ông Ishiba vẫn là một trong những ứng cử viên được công chúng yêu thích nhất cho vị trí thủ tướng. 

Những tiếng nói ủng hộ duy trì liên minh cầm quyền

Cộng đồng doanh nghiệp đã kêu gọi một chính phủ ổn định để tránh tình trạng "chân không chính trị" sau cuộc bầu cử hạ viện. Ông Masakazu Tokura, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren), kêu gọi tiếp tục duy trì chính phủ dựa trên khuôn khổ của các đảng cầm quyền hiện tại: “Chúng tôi hy vọng mạnh mẽ rằng một cơ cấu chính trị ổn định tập trung vào LDP và Công Minh sẽ được thiết lập và chính trị định hướng chính sách sẽ được thúc đẩy”. Ông Ken Kobayashi, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết: “Ngoài việc tăng cường tính minh bạch của các quỹ chính trị, chúng tôi muốn chính phủ lấy lại lòng tin của người dân thông qua việc thực hiện các chính sách”.

Quyết định vội vàng của ông Ishiba tổ chức bầu cử hạ viện sớm đã tước bỏ lợi thế của liên minh cầm quyền, đẩy tương lai chính trị của chính ông và liên minh rơi vào thế bấp bênh. Phe đối lập đã được mở một con đường tiềm năng để điều hướng chương trình nghị sự của Hạ viện nếu họ có thể hành động một cách thống nhất. Có thể nói, cuộc bầu cử vào ngày 27/10 được coi là một cuộc trưng cầu ý dân sớm về chính quyền mới thành lập của Thủ tướng Ishiba. Chính trường Nhật Bản sẽ còn xảy ra nhiều đợt sóng lớn và chưa rõ sẽ xoay chuyển theo chiều hướng nào trong thời gian tới.

Nguyễn Tuyến (Phóng viên TTXVN tại Nhật Bản)
Tác động chính trị với Nhật Bản khi liên minh cầm quyền mất đa số
Tác động chính trị với Nhật Bản khi liên minh cầm quyền mất đa số

Với kết quả hiện tại, LDP đang đối diện với ba lựa chọn khó khăn để duy trì quyền lực, trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế và bất ổn địa chính trị trên thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN