Những “bóng hồng” đằng sau thỏa thuận hạt nhân Iran

Bà Federica Mogherini, Cao ủy phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh Liên minh châu Âu, đã ghi được dấu ấn lớn. Nhưng cùng với đó là những phụ nữ khác - những người đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn tất thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tại thời điểm kết thúc đàm phán, bà Mogherini đứng vị trí giữa ở hàng đầu, trong lúc các nhà lãnh đạo chính trị châu Âu, Mỹ bắt tay chúc mừng thỏa thuận mới đạt được. Nhưng các nguồn tin ngoại giao nói rằng, có cả một “đội phụ nữ” khác đã đi hết chặng đường dài của tiến trình đàm phán: Đó là bà Helga Schmid – cấp phó của bà Mogherini; bà Wendy Sherman, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ và bà Catherine Ashton – người tiền nhiệm của bà Mogherini.

Cao ủy Liên minh châu Âu về Đối ngoại và An ninh là một cơ quan có chức năng trung gian kết nối giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm có Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) theo một nghị quyết được Liên hợp quốc thông qua hồi năm 2006. Trên cương vị là người đứng đầu, bà Mogherini đã hoàn thành tốt công việc này. Thành công của Cao ủy Mogherini nằm ở chỗ, bà đã nỗ lực duy trì quan hệ tốt đẹp với Iran đã được người tiền nhiệm Ashton tạo dựng từ trước.

Bà Catherine Ashton (phải) và bà Federica Mogherini. Ảnh: EPA


Cartherine Ray, phát ngôn viên của bà Mogherini, chia sẻ: Thông qua việc chủ trì các cuộc gặp, kêu gọi các phiên họp toàn thể với Iran, bà Moghenrini đã thành công trong việc xây dựng nghị trình và thúc đẩy tiến trình làm việc. Trong những ngày đàm phán căng thẳng cuối cùng liên quan đến tháo dỡ cấm vận, Cao ủy Mogherini đã là người “bôi trơn những bánh răng thỏa thuận” và đẩy các nhà đàm phán đạt tới những điều khoản bền vững, Ray chia sẻ.

Mogherini – 42 tuổi và từng là Ngoại trưởng Italy, chỉ mới đảm nhận cương vị người đứng đầu Cao ủy Liên minh châu Âu về Đối ngoại và An ninh hồi tháng 11 năm ngoái, khi mà tên tuổi lúc đó còn chưa được biết đến nhiều ngoài Italy. Thế nhưng bà đã giành được những lời tán dương sau thỏa thuận lịch sử vừa qua. Chính bà cùng với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif là những người đứng ra công bố kết thúc đàm phán hôm 13/7. Đích thân Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện chúc mừng bà Mogherini và các quan chức EU tham gia đàm phán.

Một nhà ngoại giao châu Âu đúc kết: Mogherini là một nhà đàm phán thực thụ, một nhân vật chủ chốt trong tiến trình thảo luận, cùng với bà Sherman và Abbas Araghchi (Thứ trưởng Ngoại giao Iran). Nếu như Schmid là một người giỏi kĩ thuật, thì Mogherini lại là một nhà chính trị thực thụ.

Những người “không bắt tay” khác

Bà Schmid và đội gồm 7-8 người chính là đầu mối đưa ra các dự thảo liên quan đến “những đề xuất bắc cầu kĩ thuật”. Trong tổng thể bức tranh, chiếc bút chì luôn nằm trong tay đội châu Âu - Nathalie Tocci, chuyên gia tư vấn đặc biệt của bà Mogherini, giải thích một cách hình ảnh khi nói về vai trò của Schmid.

Bà Schmid cũng tham gia vào các cuộc thảo luận song phương Mỹ - Iran. Chính bà là người có mặt tại cuộc gặp cuối cùng với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và bà Sherman ở Lausanne (Thụy Sĩ) trong vòng đàm phán về thỏa thuận sơ bộ. Sự có mặt của những chính khách nữ mạnh mẽ tại các cuộc gặp này đã tạo ra những bỡ ngỡ đối với đối tác Iran. Tại mọi cuộc tiếp xúc, phía Iran không bao giờ bắt tay bà Mogherini và những phụ nữ khác, nhưng họ khẽ gật đầu như là cách thức chào hỏi. Tuy nhiên, sự hiện diện này không phải là trở ngại quá lớn. Khác với bà Mogherini, bà Schmid là nhà ngoại giao giàu kinh nghiệm, đóng vai trò quan trọng trong nhiều năm đàm phán với Iran.

Trước khi đảm nhận cương vị cấp phó tại Cao ủy Liên minh châu Âu về Đối ngoại và An an ninh, Schmid từng là cố vấn chính trị cho cựu ngoại trưởng Đức Joschka Fischer. Một quan chức ngoại giao dự các cuộc đàm phán tiết lộ, Schmid là “chốt chính” tại các cuộc thảo luận này; chính bà đã bàn thảo về thỏa thuận và cả 5 phụ lục. Bà Schmid là sự tiếp nối giữa hai "bóng hồng" Ashton và Mogherini, là sợi dây liên kết tại bàn đàm phán. “Cô ấy là một nhà đàm phán khôn ngoan, mang cốt cách Đức – rất cẩn trọng, suy nghĩa sâu về vấn đề và biết đâu là giới hạn đỏ”, Stefano Stefanini, cựu cố vấn ngoại giao cho Tổng thống Italy Giorgio Napolitano bình luận.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và cấp phó phụ trách các vấn đề chính trị của ông, bà Wendy Sherman sau cuộc gặp song phương với ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tại Lausanne hồi tháng 3/2015.


Một người khác không thể không nhắc đến là bà Sherman. Trước khi đảm đương cương vị hiện tại  - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách các vấn đề chính trị Sherman từng làm việc tại Lầu Năm góc, là nhà chiến lược trưởng của Bộ Ngoại giao về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Bà tham gia đoàn đàm phán về Iran kể từ năm 2011. “Ông Kerry trông cậy vào bà Sherman thậm chí còn nhiều hơn cả bà Mogherini nhờ cậy bà Schmid”, Stefanini bày tỏ. Giới ngoại giao tiết lộ, trong nhóm P5+1, bà Sherman là người điều phối nghị quyết tại Hội đồng bảo an và đóng vai trò then chốt trong các cuộc đàm phán song phương Mỹ - Iran.

Người cuối cùng là bà Ashton. Dù không tham gia vào tiến trình thương lượng gần đây, thế nhưng trên cương vị là Cao ủy phụ trách chính sách Đối ngoại và An ninh của EU thời kì 2009 - 2014, bà Ashton đã tạo ra những nền móng quan trọng giúp mềm hóa bầu không khí đàm phán. Chính bà là người có công lớn trong việc vạch ra dự thảo “Kế hoạch hành động hỗn hợp” hồi năm 2013 về chương trình hạt nhân của Iran, đề ra các bước đi để Iran và P5+1 đạt tới thỏa thuận cuối cùng.
Hoài Thanh (Theo Politico)
Thỏa thuận hạt nhân Iran và vai trò không thể thiếu của Nga
Thỏa thuận hạt nhân Iran và vai trò không thể thiếu của Nga

Đó chính là những sáng kiến hết sức hiệu quả, mà phái đoàn Nga đưa ra, giúp tháo gỡ tình thế bế tắc của các vòng đàm phán đầy cam go, vốn kéo dài hàng thập kỷ qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN