Nhiều 'nút thắt' trong đàm phán thành lập Chính phủ Đức

Các nhà đàm phán thuộc Liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) đang chạy đua với thời gian để có thể đạt được một thỏa thuận liên minh nhằm chấm dứt hơn 4 tháng bế tắc chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Hai tại Đức.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Lãnh đạo SPD Martin Schulz (trái) tại cuộc đàm phán ở Berlin ngày 2/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Tiến trình đàm phán vẫn phải tiếp tục sau khi hai bên không thể kết thúc các cuộc thương lượng vào ngày 4/2 như mục tiêu đề ra trước đó. Mặc dù còn một số khác biệt nhưng cả CDU/CSU và SPD đều lạc quan về cơ hội ra đời một chính phủ "đại liên minh" và cùng nhất trí đề ra thời hạn mới cho việc hoàn tất đàm phán là ngày 6/2.

Theo ông Volker Bouffier, Phó Chủ tịch CDU, hiện tại đã có thể lạc quan nhìn về kết quả đàm phán, song 2 bên cần thời gian để giải quyết những rắc rối cuối cùng. Trong khi đó, Chủ tịch SPD Martin Schulz tiết lộ 2 bên đàm phán đã đạt được thỏa thuận về các vấn đề chính sách Liên minh châu Âu (EU).

Cụ thể, CDU/CSU và SPD nhất trí tăng cường đầu tư vào Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ngừng thực thi các biện pháp kinh tế khắc khổ bắt buộc và chú trọng tạo việc làm cho giới trẻ trên toàn khối. Ngoài ra, các bên cũng mong muốn có một hệ thống thuế công bằng đối với các tập đoàn công nghệ khổng lồ như Google, Amazon, Facebook và Apple.

Truyền thông Đức dẫn các nguồn tin thân cận với các đảng cho biết vấn đề bảo hiểm y tế, luật lao động và các vấn đề tài chính, cụ thể là chi tiêu quốc phòng, là 3 "nút thắt" khó cởi bỏ nhất tại các cuộc đàm phán giữa CDU/CSU và SPD. Trong thông cáo gửi các thành viên của SPD, ông Schulz nhấn mạnh tương lai của nước Đức nằm ở một EU "mạnh mẽ và thống nhất".
 
Nhiều thành viên của CDU/CSU và SPD cũng có quan điểm tương tự về khả năng đạt được một thỏa thuận liên minh trong vòng đàm phán cuối cùng. Hai nghị sĩ của đảng CDU Julia Kloeckner và Daniel Guenther khi trả lời báo giới đều bày tỏ tự tin và lạc quan về triển vọng này.

Trong khi đó, nghị sĩ CSU Alexander Dobringt mặc dù cho rằng vẫn còn những rào cản lớn nhưng bày tỏ tin tưởng rằng "có một sự quyết tâm" giữa các bên nhằm kết thúc tiến trình đàm phán dai dẳng. Tương tự, nghị sĩ Katarina Barley thuộc đảng SPD cũng cho rằng các bên tham gia đều nỗ lực kết thúc các cuộc đàm phán, song cho rằng "không có gì đảm bảo" cho đến khi các bên đạt được một thỏa thuận cuối cùng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế Đức lại có cái nhìn ít tích cực hơn. Kết quả cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu Ifo phối hợp cùng báo "Frankfurter Allegemeime Zeitung" của Đức cho thấy phần lớn các nhà kinh tế nước này bày tỏ hoài nghi về triển vọng thành lập chính phủ "đại liên minh".

Cụ thể, chỉ có khoảng 30% trong tổng số 131 người ủng hộ việc thành lập chính phủ liên minh, trong khi 40% ủng hộ một chính phủ thiểu số dưới sự lãnh đạo của liên đảng CDU/CSU. Ngoài ra, có 25% chuyên gia bày tỏ ủng hộ việc tổ chức một cuộc bầu cử mới. Các chuyên gia chỉ trích CDU/CSU thiếu sự quyết tâm trong việc đưa ra một chính sách thuế và kế hoạch mở rộng mạng lưới Interner tốc độ cao.

Theo giới phân tích thuộc Ifo, các kế hoạch của liên đảng CDU/CSU còn cả chặng đường dài phía trước để đi đến thành công. Các chuyên gia kinh tế đều nhìn thấy cả những điểm nổi bật cũng như hạn chế của những chính sách này, đồng thời tỏ ra hoài nghi về việc liệu một chính phủ liên minh mới có phải là một sự chuẩn bị tốt cho tương lai của nước Đức.


Trong khi đó, kết quả của một cuộc khảo sát mới nhất do Insa thực hiện và công bố trên báo "Bild" cho thấy các cuộc đàm phán kéo dài mà không đạt được tiến triển đã khiến tỷ lệ ủng hộ của các đảng phái chính tại Đức sụt giảm. Theo đó, nếu các cuộc bầu cử được tổ chức ở thời điểm này, liên đảng CDU/CSU chỉ nhận được 30,5% số phiếu ủng hộ, thay vì 33% như trong khảo sát công bố trước đó.

Tỷ lệ ủng hộ SPD cũng giảm từ mức siêu thấp 20,5% trong tháng 9/2017 xuống còn 17% - mức thấp nhất kể từ năm 1949. Các kết quả này cho thấy 2 đảng này sẽ không thể cùng nhau chiếm đa số trong quốc hội.

Trước đó, trong tuyên bố đưa ra trước cuộc đàm phán ngày 4/2, Thủ tướng Angela Merkel nhận định liên đảng CDU/CSU của bà sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán khó khăn với đối tác là SPD, đồng thời nhấn mạnh cuộc đàm phán nhiều khả năng sẽ kéo dài do vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng cần phải được giải quyết.

Có thể CDU/ CSU và SPD cuối cùng cũng "bắt tay" đi đến thỏa thuận liên minh, những nhiệm kỳ thứ 4 của bà Merkel được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn, điều này sẽ làm suy yếu quyền lực của bà để đưa các ưu tiên của Đức vào cải cách EU và trong các vấn đề toàn cầu nói chung.

Phan An (TTXVN)
Khó khăn trong cuộc đàm phán cuối cùng thành lập chính phủ 'đại liên minh' mới tại Đức
Khó khăn trong cuộc đàm phán cuối cùng thành lập chính phủ 'đại liên minh' mới tại Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của bà sẽ phải đối mặt với các cuộc đàm phán cứng rắn và khó khăn với đối tác là đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) trong cuộc đàm phán mang tính quyết định trong ngày 4/2 nhằm thành lập một chính phủ "đại liên minh" mới ở Đức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN