Cuộc xung đột Nga - Ukraine tác động tới nhiều lĩnh vực của "Lục địa Già", từ kinh tế, an ninh tới năng lượng, nguồn cung lương thực và di cư... Duy trì sự thống nhất trong EU cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu, kể cả trong các hoạt động của Liên hợp quốc (LHQ), đòi hỏi “người chèo lái” phải có lập trường và tiếng nói rõ ràng.
Với Thụy Điển, việc tiếp nhận “ghế nóng” từ CH Séc, quốc gia được đánh giá khá thành công về khả năng điều phối trong thời gian đảm nhận chức chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2022, phải nói là một lợi thế. Kết quả tích cực của Séc và trước đó là Pháp, qua việc tăng cường sự hiện diện của EU với tư cách là một tổ chức có chủ quyền trên trường quốc tế, được coi là “bàn đạp” giúp Thụy Điển tiếp tục thực hiện lộ trình do chính nhóm “bộ ba” này soạn thảo cũng như hoàn thành chương trình nghị sự 18 tháng chủ trì và điều hành các cuộc họp trong hội đồng của Pháp, Séc và Thụy Điển.
Chương trình nghị sự của Stockholm trong nhiệm kỳ 6 tháng đầu năm 2023 cũng được coi là tham vọng khi đặt mục tiêu “Một châu Âu xanh hơn, an toàn hơn và tự do hơn” làm nền tảng. 4 ưu tiên mà Thủ tướng Ulf Kristersson đặt ra trong chính sách nhiệm kỳ, gồm An ninh - đoàn kết; Phục hồi - cạnh tranh; Thịnh vượng - chuyển đổi xanh và năng lượng; Các giá trị dân chủ và pháp quyền, cũng phản ánh các lập trường mà Thụy Điển ủng hộ tại EU lâu nay. Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ này, Thụy Điển phải tiếp tục triển khai Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” được các nhà lãnh đạo Brussels công bố cuối năm 2021 nhằm thúc đẩy các liên kết thông minh, an toàn trong lĩnh vực kỹ thuật số, năng lượng, giao thông, y tế, giáo dục trên toàn thế giới.
Đây cũng là một bước đi quan trọng của EU giúp tăng cường kết nối, củng cố chuỗi cung ứng toàn cầu, nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19, hỗ trợ các đối tác cùng phát triển bền vững. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đã ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, thương mại, thị trường năng lượng, làm gián đoạn các chuỗi cung ứng. Sáng kiến "Cửa ngõ toàn cầu" cũng là cơ hội chiến lược với EU trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, giúp EU cân bằng quyền lực, tăng quyền tự chủ chiến lược và kết nối thế giới.
Thụy Điển coi sự đoàn kết và sẵn sàng hành động vẫn là chìa khóa cho an ninh, khả năng phục hồi và thịnh vượng của EU. Trong bối cảnh tình hình châu Âu ngày một phức tạp, vấn đề an ninh, quốc phòng càng trở nên quan trọng. Thụy Điển hoan nghênh những nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ và hành động của châu Âu, đặc biệt là việc triển khai đinh hướng chiến lược “La bàn chiến lược” về an ninh, quốc phòng, một dự án quân sự tạo ra khuôn khổ cho sự phát triển của chính sách an ninh và quốc phòng EU trong những năm tới.
Sáng kiến này được EU xây dựng và phát triển từ tháng 6/2020, xuất phát từ ý tưởng ban đầu do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nêu ra cuối năm 2018 là thành lập lực lượng quân đội chung mới tại khu vực, hoạt động độc lập với Mỹ và chịu trách nhiệm về an ninh của chính mình. Đây là định hướng nâng cao quyền tự chủ chiến lược của EU và khả năng làm việc với các đối tác để bảo vệ giá trị và lợi ích của EU.
Thụy Điển cho rằng một châu Âu mạnh về kinh tế và cạnh tranh là rất quan trọng đối với vị thế toàn cầu của EU. Khả năng cạnh tranh cũng có nghĩa là khả năng phục hồi. Với vai trò là người “cầm lái”, Thụy Điển sẽ tiếp tục đàm phán về các hiệp định thương mại tự do đầy tham vọng với các nước thứ ba để tăng cường khả năng cạnh tranh của EU.
Thụy Điển cũng nhận định một chương trình nghị sự thương mại hiện đại và hướng tới tương lai của EU phải bao gồm cả quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững, độc lập với nhiên liệu hóa thạch, trung hòa khí thải carbon và tiết kiệm tài nguyên. Với mục tiêu giảm ít nhất 55% lượng khí thải ròng gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030 và trung hòa khí thải vào năm 2050, dưới sự dẫn dắt của Thụy Điển, EU không chỉ đóng vai trò quan trọng trong quá trình “chuyển đổi xanh” mà còn góp phần lớn vào việc ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Đối với ưu tiên giá trị dân chủ và pháp quyền, Thụy Điển khẳng định sự gắn kết, không phân biệt đối xử, tăng sản lượng kinh tế và ảnh hưởng toàn cầu là nền tảng. Do đó, việc duy trì các nguyên tắc dựa trên các giá trị cơ bản như cởi mở, cạnh tranh hiệu quả, khuôn khổ pháp lý thống nhất là yếu tố thiết yếu trong nhiệm kỳ chủ tịch EU của Thụy Điển.
Với khoảng 2.000 cuộc họp tại Brussels (Bỉ) và Luxembourg, 150 cuộc họp không chính thức ở Stockholm, Thụy Điển được kỳ vọng sẽ là một đối tác đàm phán mang tính xây dựng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng những vấn đề chính trị - kinh tế hiện tại ở Thụy Điển được cho sẽ tạo rào cản lớn. Cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến Thụy Điển phải vật lộn với khó khăn, khi giá năng lượng leo thang, thị trường bất động sản đóng băng, đẩy quốc gia này đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong số 27 quốc gia thành viên EU.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thụy Điển cũng tăng từ mức 10,9% trong tháng 10 lên 11,5% vào tháng 11/2022, mức cao nhất trong vòng 30 năm qua. Lạm phát được điều chỉnh theo lãi suất cố định, con số mà Ngân hàng trung ương nước này dựa vào để xác định chính sách tiền tệ, cũng tăng từ mức 9,3% trong tháng 10 lên 9,5% trong tháng 11.
Nếu không có những quyết sách phù hợp để kiểm soát tình hình, chính phủ thiểu số của Thủ tướng Ulf Kristersson (gồm 3 đảng cánh hữu là đảng Ôn hòa, đảng Dân chủ Cơ Đốc giáo và đảng Tự do) sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến kế hoạch chi tiêu năm 2023, thời điểm các hộ gia đình đang gặp khó khăn bởi giá cả và lạm phát tăng cao.
Cùng với dự báo của Ngân hàng Trung ương (Riksbank), Thụy Điển có nguy cơ suy thoái kinh tế khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm 0,7% trong năm 2023, những khó khăn trên càng làm suy yếu chính phủ thiểu số trong thời gian đảm nhiệm cương vị chủ tịch EU.
Bên cạnh những khó khăn trong nước, mâu thuẫn của EU cũng là thách thức không nhỏ khi mà 27 quốc gia thành viên vẫn đang tranh cãi về vấn đề người di cư, tiến trình chuyển đổi năng lượng xanh, trong đó có quan điểm về khí đốt và năng lượng hạt nhân, thậm chí quan điểm về xung đột Ukraine và quan hệ với Nga.
Mặc dù đã thể hiện sự chủ động, tích cực và có quá trình chuẩn bị, song những vấn đề nội tại của EU và diễn biến địa chính trị phức tạp vẫn có thể là những yếu tố gây sóng gió ở lần thứ ba tiếp quản “ghế nóng” của Thụy Điển.
Trong thời điểm địa chính trị đầy biến động này, sự hợp tác của EU với các đối tác quốc tế vẫn là chìa khóa và Sáng kiến “Cửa ngõ toàn cầu” có được thực hiện hiệu quả hay không vẫn trông chờ vào sự điều hành của nước chủ tịch EU.