Nhật Bản - Bài học đắng về sự khó lường của COVID-19

Chiều 7/1, Chính phủ Nhật Bản đã tái ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận trong thời gian 1 tháng, từ ngày 8/1 đến ngày 7/2, nhằm kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Như vậy, sau nhiều ngày do dự, Thủ tướng Suga Yoshihide vẫn phải đưa ra quyết định khó khăn này cho dù biết rõ việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ gây ra những hậu quả lớn đối với nền kinh tế. Ông không còn lựa chọn nào khác khi mà dịch bệnh đang lây lan nhanh và có thể vượt tầm kiểm soát.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Thủ tướng Suga lên nắm quyền giữa tháng 9/2020 khi làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Nhật Bản đã tạm lắng, với số ca nhiễm mới vào ngày 30/9 là 557 ca, chỉ bằng gần 1/3 so với 1.998 ca ngày 3/8. Sau khi nhậm chức, ông chủ trương cân bằng giữa chống dịch COVID-19 và khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội. Do vậy, chính quyền của Thủ tướng Suga đã có nhiều bước đi quyết liệt nhằm vực dậy nền kinh tế như nới lỏng hạn chế về số lượng khán giả tham gia các sự kiện thể thao, giải trí; mở rộng chương trình kích cầu du lịch “Go To Travel”; khởi động chương trình kích cầu ăn uống “Go To Eat”; và đặc biệt là mở cửa biên giới đối với tất cả người nước ngoài có tư cách lưu trú trung và dài hạn, ngoại trừ khách du lịch, từ ngày 1/10.

Các biện pháp trên đã thổi một luồng sinh khí mới vào nền kinh tế Nhật Bản. Kết quả là trong quý III/2020, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của nước này tăng 22,9% so với cùng kỳ năm ngoái và 5,3% so với quý trước đó. Đây là lần đầu tiên trong vòng 4 quý qua, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã tăng trưởng trở lại. Đáng chú ý, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP, tăng 4,7% so với quý trước đó sau khi sụt giảm mạnh trong quý II do tác động của tình trạng khẩn cấp được ban bố trong các tháng 4 và 5/2020. 

Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 11/2020 đến nay, dịch COVID-19 đã tái bùng phát ở thủ đô Tokyo và nhiều thành phố lớn của Nhật Bản. Số ca nhiễm mới ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận như Saitama, Chiba và Kanagawa cùng với một số tỉnh ở miền Tây như Osaka và Hyogo đã liên tục lập các mức cao mới. Ngày 5/1 vừa qua, hai ngày trước khi Thủ tướng Suga ban bố tình trạng khẩn cấp, số ca nhiễm mới và số người tử vong vì COVID-19 ở Nhật Bản đều tăng lên mức cao chưa từng có, tương ứng là 4.913 và 76 người. 

Chỉ một ngày sau đó, ngày 6/1, số ca nhiễm mới ở Nhật Bản tiếp tục phá vỡ "kỷ lục" đó khi tăng lên 6.006 ca. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới ở nước này vượt ngưỡng 6.000 ca/ngày. Đáng chú ý, tổng số ca nhiễm mới ở Tokyo và 3 tỉnh lân cận chiếm tới hơn 50% số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc, cụ thể Tokyo ghi nhận 1.591 ca, Kanagawa (591 ca), Saitama (394 ca) và Chiba (311 ca). Bên cạnh đó, có tới 16 trong số 47 tỉnh, thành ở Nhật Bản ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, trong khi số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch cũng tăng lên 784 người.  

Điều đặc biệt là trong số những người được phát hiện dương tính với virus SARS-CoV-2 ở thủ đô Tokyo ngày 6/1, số người ở độ tuổi từ 20 - 29 đông nhất (439 người). Tiếp theo là nhóm tuổi 30 - 39 (với 326 người), 40 - 49 tuổi (với 278 người), 50 - 59 tuổi (với 196 người) và nhóm từ 65 tuổi trở lên (179 người). Các số liệu thống kê này phản ánh tâm lý chủ quan với dịch COVID-19 trong giới trẻ ở thủ đô Nhật Bản.

Tình trạng gia tăng liên tục số người mắc COVID-19 đã gây quá tải cho hệ thống y tế ở nhiều thành phố lớn và khiến các hoạt động khám chữa bệnh thông thường bị đình trệ. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), tính đến ngày 30/12, tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19 trên tổng số giường bệnh ở các bệnh viện tại 8 trong số 47 tỉnh, thành đã vượt ngưỡng 50%. Các tỉnh, thành này gồm thủ đô Tokyo, tỉnh Gunma và Saitama ở miền Đông, Aichi ở miền Trung; Shiga, Osaka, Hyogo và Hiroshima ở miền Tây Nhật Bản. Trong số này, Hyogo có tỷ lệ sử dụng giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 cao nhất (67,3%), tăng 5,4 điểm phần trăm so với tuần trước đó. Tiếp đó là Osaka (64,4%), Aichi (63,5%) và Tokyo (61,4%). 

Trong bối cảnh đó, sức ép đối với chính phủ của Thủ tướng Suga liên tục tăng. Ngày 2/1, những người đứng đầu của thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận đã kiến nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, cho rằng sự bùng phát của dịch COVID-19 trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống y tế và nguy cơ quá tải rình rập. Ba ngày sau đó, nhóm chuyên gia y tế tư vấn của chính phủ đã kêu gọi Thủ tướng Suga ban bố tình trạng khẩn cấp ở 4 tỉnh, thành trên càng sớm, càng tốt. Nhóm chuyên gia này cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể lây lan ra khắp cả nước nếu không kiểm soát được tình trạng lây nhiễm ở khu vực đô thị. 

Trên thực tế, việc phải ban bố tình trạng khẩn cấp được đánh giá là "vạn bất đắc dĩ", bởi Thủ tướng Suga lo ngại quyết định này có thể gây đình trệ các hoạt động kinh tế-xã hội và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái một lần nữa, trong lúc đà phục hồi vẫn còn khá mong manh. Còn nhớ, năm ngoái, sau khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp trong các tháng 4 và 5, GDP thực tế quý II của Nhật Bản đã giảm tới 28,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. 

Bên cạnh đó, chính quyền của Thủ tướng Suga vẫn nghi ngờ về tính hiệu quả của việc ban bố tình trạng khẩn cấp đối với công tác kiểm soát dịch COVID-19, bởi quy định hiện hành vẫn chưa có các hình phạt đối với các cá nhân, tổ chức không tuân thủ các yêu cầu của chính quyền. Do vậy, thay vì việc ban bố tình trạng khẩn cấp, Thủ tướng Suga muốn người dân thay đổi hành vi để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Chính phủ sẽ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Về các biện pháp đặc biệt để ứng phó với dịch COVID-19 nhằm tăng cường hiệu quả của các biện pháp phòng chống dịch bệnh. 

Tuy nhiên, do dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng và nhanh ra khắp cả nước, Thủ tướng Suga không thể do dự và chậm trễ hơn nữa trong cuộc chiến ứng phó với chủng virus khó lường như SARS-CoV-2. Quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp được đánh giá là cần thiết lúc này.

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, không có gì đảm bảo rằng việc ban bố tình trạng khẩn cấp sẽ giúp khống chế dịch COVID-19 vì dịch bệnh đã lan rộng trong cộng đồng, trong khi Nhật Bản không có các chế tài xử phạt đối với những cá nhân, tổ chức không tuân thủ các quy định của chính quyền. Do đó, điều mà giới chức Nhật Bản hy vọng hiện nay là ngoài các nỗ lực của chính quyền trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý và chống dịch, người dân cần nâng cao ý thức và triệt để thực hiện các biện pháp phòng dịch. Đây mới là nhân tố mang tính quyết định trong việc loại bỏ dịch bệnh nguy hiểm này tại Nhật Bản.

Đào Thanh Tùng (PV TTXVN tại Nhật Bản)
Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo vì COVID-19
Nhật Bản tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo vì COVID-19

Chiều 7/1 (theo giờ Việt Nam), Chính phủ Nhật Bản đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 3 tỉnh lân cận gồm Saitama, Chiba và Kanagawa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN