Nguồn cung khí đốt từ Bắc Phi có thể đẩy lùi nỗi lo 'ngày tận thế' ở châu Âu?

Với mức dự trữ khí đốt đang dao động khoảng 91 đến 100% công suất, mùa đông sắp tới có thể sẽ không còn là “ngày tận thế” ở châu Âu. 

Chú thích ảnh
Nhà máy xử lý khí đốt Krechba, Algeria. Ảnh: Reuters

Theo trang Oil Price.com, trong nhiều tháng qua, các nước Nam Âu đã tích cực tìm nguồn cung khí đốt mới, trong bối cảnh lệnh trừng phạt của EU đối với dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga sắp có hiệu lực từ ngày 5/12. Nhiều phái đoàn EU đã được cử đến Ai Cập và Algeria để đặt hàng khối lượng bổ sung và ký kết các hợp đồng khí đốt dài hạn. 

Điều này đã thúc đẩy sản lượng xuất khẩu khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) của Ai Cập. Giới quan sát ước tính con số này còn tăng hơn nữa trong năm 2023. Cairo thậm chí còn lập kế hoạch giảm mức tiêu thụ năng lượng trong nước để thúc đẩy xuất khẩu LNG. 

Ngoài ra, Algeria - nhà xuất khẩu khí đốt Bắc Phi lớn nhất cho châu Âu - cũng đang tận dụng lợi thế này. Nhiều thỏa thuận khí đốt dài hạn giữa quốc gia này với Tây Ban Nha, Italy và thậm chí cả Slovenia, đã liên tục được ký kết.

Khí đốt từ các quốc gia Bắc Phi dường như đã khiến châu Âu lạc quan hơn về nguồn cung thay thế Nga, nhưng chính trị nội bộ của Algeria lại là trở ngại lớn. Hôm 17/11, trang tin tức năng lượng Arab Attaqa đưa tin thỏa thuận khí đốt dài hạn giữa Algeria và Pháp một lần nữa bị cản trở do vấn đề chính trị. Các nguồn tin cho biết Algeria đã thông báo cho Pháp rằng thỏa thuận hiện tại đã bị trì hoãn vô thời hạn. 

Trong khi Pháp hy vọng sẽ ký thỏa thuận này trước cuối năm 2022, nhằm đối phó với việc Nga cắt nguồn cung khí đốt, Algeria đã chính thức trì hoãn các cuộc đàm phán này cho tới năm 2023. Paris từng hy vọng thỏa thuận này sẽ tăng lượng nhập khẩu khí đốt hiện tại từ Algeria lên khoảng 50%.
Theo nguồn tin thân cận, một trong những lý do chính khiến thỏa thuận bị trì hoãn là do áp lực nội bộ từ phía Algeria buộc Pháp phải trả giá cho việc miễn cưỡng áp dụng chế độ thị thực linh hoạt hơn cho Algeria.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc khí hóa lỏng ở Arzew gần thành phố Oran, Algeria. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 8, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã ký “Tuyên bố Algiers về quan hệ đối tác mới giữa Algeria và Pháp”. Tuy nhiên, lễ kỷ niệm 60 năm độc lập của Algeria lại gây ra mâu thuẫn chính trị, khi cả hai bên đều nhấn mạnh lập trường riêng. Ảnh hưởng của Pháp ở Algeria đang suy yếu và đứng sau các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Italy. Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc - đối tác lớn nhất của Algeria - lại lớn hơn nhiều.

Đối với Pháp, mâu thuẫn với Algeria đến không đúng lúc. Nguồn cung khí đốt trong tương lai của châu Âu có nguy cơ không được đảm bảo, do đó, việc có thêm bất kỳ áp lực nào đối với lượng nhập khẩu thông thường đều được coi là rất quan trọng vào thời điểm này.

Hiện tại, Công ty năng lượng Engie của Pháp đang tiếp tục đàm phán với Công ty Sonatrach của Algeria về khối lượng nhập khẩu khí đốt và nguồn cung LNG bổ sung, như đã đưa ra hồi tháng 6/2022. Song các cuộc đàm phán hiện nay dường như gặp trở ngại do có phía Algeria từ chối gia hạn hợp đồng và hai bên vẫn chưa thống nhất về giá.

Các nước châu Âu khác cũng đang kỳ vọng vào nguồn cung khí đốt từ Algeria. Ngày 18/11, Eni – “gã khổng lồ” dầu khí của Italy – dự kiến dòng khí đốt từ Algeria sẽ tăng gấp đôi vào năm 2024. 

Chú thích ảnh
Công ty năng lượng  Eni của Italy. Ảnh: Reuters

Ông Lucia Calvosa, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty năng lượng Eni, tuyên bố khí đốt thay thế Nga phần lớn sẽ đến từ Algeria, nguồn cung cấp cho Eni sẽ tăng gấp đôi từ khoảng 9 tỷ m3/năm lên khoảng 18 tỷ m3 vào năm 2024. Trong số 9 tỷ m3 bổ sung này, một phần đã được chuyển đến Italy và phần còn lại sẽ đến dần trong năm 2023.

Công ty năng lượng Tây Ban Nha Enagas cho biết hiện tại Algeria cung cấp 21,2% khí đốt  cho nước này thông qua đường ống Medgaz - chiếm 20% tổng lượng tiêu thụ của Tây Ban Nha. Tuy nhiêm,  công ty vẫn chưa nhận được khối lượng khí đốt bổ sung nào.

Trong khi đó, một số nước châu Âu khác lại không mấy lạc quan khi kỳ vọng chưa thành hiện thực. Nếu không có nguồn cung bổ sung, châu Âu có thể gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ khí đốt vào năm 2023. 

Algeria có thể không mang lại sự ổn định cần thiết cho thị trường khí đốt của EU và thậm chí có thể không duy trì mức cung thông thường. Trong vài tháng qua, những cam kết và hợp đồng mới của Algeria không phải là cơ sở vững chắc để đảm bảo nguồn cung an toàn. Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu khí đốt của Algeria đã giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức chỉ 36,2 tỉ m3.

Một số nước thậm chí còn lo lắng hơn về những tháng tới, khi ảnh hưởng của Nga ở quốc gia Bắc Phi này vẫn đang gia tăng. Tuần trước, Nga và Algeria đã tổ chức cuộc tập trận quân sự chung ở Địa Trung Hải. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Algeria.

Trong diễn biến liên quan, hôm 23/11, Cao ủy phụ trách năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) Kadri Simson tuyên bố khối này đã thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga bằng khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) và khí đốt từ các nhà cung cấp khác đáng tin cậy. Cụ thể,  từ tháng 1 đến tháng 8, tổng khối lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga, bao gồm cả LNG, đã giảm 39 tỷ m3. Trong cùng thời gian, lượng nhập khẩu LNG từ Mỹ đã tăng gần 80% so với mức hàng năm.

Vân Khánh/Báo Tin tức (Theo Oil Price.com)
Lo ngại giá trần khí đốt làm gia tăng áp lực lạm phát, nhiều nước châu Âu lên tiếng chỉ trích
Lo ngại giá trần khí đốt làm gia tăng áp lực lạm phát, nhiều nước châu Âu lên tiếng chỉ trích

Trong khi châu Âu đang chật vật với giá năng lượng tăng cao do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và việc cắt giảm nguồn cung, Ủy viên châu Âu phụ trách năng lượng Kadri Simson lại đề xuất áp giá trần khí đốt ở mức mà nhiều nước cho rằng là quá cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN