Người Palextin sẽ giành chiến thắng với giá đắt tại LHQ?

Sau khi Palextin không được công nhận quy chế nhà nước tại Liên hợp quốc (LHQ) hồi năm 2011, Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas ngày 27/9 sẽ quay trở lại New York để đề nghị Đại hội đồng LHQ chấp thuận nâng vị thế của Palextin.


 

Người Palextin kiên trì đấu tranh để được công nhận quy chế nhà nước tại LHQ.

 

Lần này, có vẻ như ông Abbas sẽ đạt được điều mà ông mong muốn, nhưng để mang lại một nền độc lập cho Palextin thì có lẽ còn xa vời. Và có khả năng, ông sẽ phải đối mặt với sự giận dữ của Mỹ và Ixraen, những nước chắc chắn sẽ trả đũa bằng các biện áp trừng phạt kinh tế đầy đau đớn. Aaron David Miller, cựu cố vấn cao cấp về tiến trình hòa bình Trung Đông thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ và hiện làm việc tại Trung tâm Woodrow Wilson ở Oasinhtơn, nói: "Người Palextin không có chiến lược. Người Ixraen hay thậm chí người Mỹ cũng vậy".


Năm 2011, khi ông Abbas cố gắng giành sự công nhận quy chế nhà nước đầy đủ cho Palextin tại LHQ, những người dân ở Bờ Tây đã cảm thấy rất phấn khởi. Song, đúng như dự đoán, yêu cầu này của ông đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của Mỹ. 12 tháng sau đó, những người dân này không còn tỏ ra háo hức khi ông Abbas chuẩn bị thực hiện nỗ lực lần hai nhằm nâng cấp vị thế của Palextin tại LHQ, từ "thực thể quan sát viên" lên "nhà nước quan sát viên".


Phản ánh thái độ thờ ơ của đông đảo người dân ở Bờ Tây trước nỗ lực lần này của ông Abbas, Manal Hassan - giáo viên giảng dạy bán thời gian tại Ramallah - nói: "Palextin đáng được công nhận là một nhà nước chính thức, chứ không phải là sự thăng cấp nửa vời như vậy".


Việc được công nhận là nhà nước chứ không phải là một thực thể đồng nghĩa với việc Palextin có thể gia nhập các tổ chức như Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và đệ trình hàng loạt đơn kiện Ixraen vì nước này liên tục chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palextin. Trao đổi với phóng viên hãng tin Reuters hồi tuần trước, Saeb Erekat - nhà thương thuyết kỳ cựu của Palextin - nói: "Điều này sẽ giúp san bằng sân chơi". Ông cho rằng sự thay đổi này sẽ được đưa ra bỏ phiếu trước cuối năm nay. Mỹ không có quyền phủ quyết tại Đại hội đồng - nơi có khoảng 120/193 quốc gia thành viên đã công nhận nhà nước Palextin.


Trong khi đó, Ixraen đã tỏ dấu hiệu lo ngại. Các quan chức Ixraen đã kín đáo nói rằng Ixraen có thể sẽ trả đũa bằng cách giữ lại tiền thuế mà quốc gia Do Thái này thu hộ Palextin, chiếm khoảng 2/3 toàn bộ doanh thu của Palextin. Còn các chính trị gia ủng hộ Ixraen trong Quốc hội Mỹ đã tạm ngừng cung cấp khoản viện trợ trị giá khoảng 200 triệu USD cho Palextin nhằm trả đũa động thái của Palextin tại LHQ hồi năm ngoái, và họ có thể sẽ tiếp tục gia tăng áp lực này.


Cả Ixraen và Palextin sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng phản ứng của mình. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng này đã đưa ra các báo cáo đáng ngại về tình trạng kinh tế của Palextin, đồng thời cảnh báo khả năng xảy ra bất ổn xã hội nếu nước ngoài không tăng cường tài trợ cho Palextin và Ixraen không chấm dứt các hành động kiềm chế sự phát triển của Palextin.


Các nhà phân tích cho rằng các lựa chọn đang ngày càng thu hẹp đối với ông Abbas - người từ lâu đã đánh mất quyền kiểm soát Dải Gada vào tay phong trào Hồi giáo Hamas. Ghassan Khatib, cựu phát ngôn viên của Thủ tướng Salam Fayyad và hiện là giảng viên phụ trách các nghiên cứu Arập đương đại tại Đại học Birzeit, nói: "Giới lãnh đạo Palextin đã không thể thực hiện bất cứ cam kết nào với công chúng".


Các nhà ngoại giao phương Tây ở Ixraen đều cho rằng ông Abbas đang phải chịu áp lực lớn từ bên ngoài, đồng thời nói rằng những hy vọng về giải pháp "hai nhà nước" đang mờ dần trong khi thời gian đang sắp hết.


TTK (Theo Reuters)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN