Sự cố trên Biển Đen
Theo hãng thông tấn Nga TASS, sáng 25/11, ba tàu Hải quân Ukraine đã vượt qua biên giới Nga bất hợp pháp ở khu vực Eo biển Kerch, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Theo Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), ba tàu xâm phạm lãnh hải Nga đã bị bắt giữ. Lực lượng vũ trang đã được sử dụng để buộc ba con tàu phải dừng lại.
Ba tàu bị bắt gồm tàu Berdiansk, Nikopol và Yany Kapu cùng toàn bộ thủy thủ đoàn. Ba thủy thủ Ukraine bị thương song được Nga cung cấp hỗ trợ y tế. Nga cho rằng ba tàu này đã phớt lờ yêu cầu dừng lại và có những hành động nguy hiểm.
Cụ thể, hành động nguy hiểm mà FBS ngày 26/11 đã cáo buộc là ba tàu Hải quân Ukraine ở trong tư thế sẵn sàng, chĩa pháo vào các tàu Nga và không xin phép trước khi đi qua eo biển Kerch. FBS cho biết đã thông báo với phía tàu Ukraine rằng đe dọa dùng vũ khí trong lãnh hải Nga sẽ bị coi là vi phạm luật quốc tế và luật pháp Nga. Khi phía Ukraine phớt lờ loạt bắn cảnh báo, một tàu Nga đã bắn vào tàu Berdyansk. Một cuộc điều tra hình sự đã tiến hành liên quan đến hành vi vi phạm biên giới Nga.
Tuy nhiên, đó là thông tin từ phía Moskva. Còn theo lời tường thuật của Ukraine, khi ba tàu nói trên của Ukraine tìm cách đi từ cảng Odessa ở Biển Đen tới Mariupol ở biển Azov thì bị tàu Nga ngăn lại, đâm vào tàu Yany Kapu. Các tàu tiếp tục hướng tới Eo biển Kerch nhưng vẫn bị tàu Nga chặn. Nga đã huy động hai máy bay chiến đấu và hai trực thăng tới khu vực. Sau đó, Hải quân Ukraine cho biết các tàu của mình đã bị đâm và vô hiệu hóa khi tìm cách rời khỏi khu vực.
Sau sự việc, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, đề nghị bà gây áp lực để lãnh đạo Ukraine không có những hành động thiếu cân nhắc nữa. Ông Putin cho biết phía Ukraine đã có hành động khiêu khích và lãnh đạo Ukraine phải chịu trách nhiệm về tình hình xung đột trên.
Bộ Ngoại giao Nga đã ra tuyên bố lấy làm tiếc rằng đường lối đối đầu của Kiev đã gây bất ổn cho các mối quan hệ Nga-Ukraine và có sự hỗ trợ của một số quốc gia, bao gồm cả các nước thành viên Liên minh châu Âu.
Xem video tàu Nga đuổi theo tàu Ukraine (nguồn: RT):
Về phía Ukraine, Chính phủ Ukraine bác bỏ cáo buộc này. Ngay sau sự cố, Quốc hội nước này cuối ngày 26/11 đã thông qua quyết định thiết quân luật trong vòng 30 ngày ở 10 khu dọc biên giới Nga. 276/330 nghị sĩ đã ủng hộ đề xuất thiết quân luật của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko để phản ứng với tình hình trên biển Azov. Thiết quân luật sẽ cho phép quân đội kiểm soát 10 khu vực trên và hạn chế quyền chính trị, dân sự của người dân.
Tổng thống Poroshenko cáo buộc Nga: “Sau khi tấn công các tàu quân sự Ukraine, Nga đã bước vào một giai đoạn gây hấn mới”. Ông cho rằng phía Moskva đã khiến xung đột với Ukraine nâng lên một mức thang mới sau vụ đụng độ ngày 25/11.
Sau khi kêu gọi các đồng minh và đối tác hỗ trợ quân sự để ngăn cản Nga, Tổng thống Ukraine khuyến khích các đối tác tăng cường trừng phạt nước này. Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 26/11 cũng yêu cầu Nga trả tự do các các thủy thủ tàu hải quân bị bắt giữ.
Đằng sau sự cố
Tờ Izvestia (Nga) dẫn lời các chuyên gia quân sự cho rằng trong trường hợp này, phía Nga có mọi lý do để phản ứng như vậy. Để ngăn chặn hành động khiêu khích lặp lại trong khu vực, các phương tiện trên không không người lái sẽ tuần tra biên giới. Thiết bị bay không người lái Orlan-10 và Outpost đã được triển khai để bảo vệ lãnh hải quanh Eo biển Kerch và giám sát tình hình.
Theo luật hàng hải quốc tế, các tàu Ukraine có thể đi qua hòa bình khu vực biển của Nga nhưng phải đi liên tục và nhanh. Ngoài ra, bất kỳ cuộc tập trận, diễn tập nào có vũ khí và liên quan tới thu thập thông tin đều không được phép. Theo nhà nghiên cứu Kamil Bekyashev thuộc Viện Nhà nước và Luật pháp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, hành động của Ukraine là vi phạm luật hàng hải quốc tế vì họ không thực hiện yêu cầu "đi qua hòa bình". Trong hoàn cảnh này, Nga có quyền dùng vũ lực. Trong trường hợp phía Ukraine nổ súng, thì phía Nga có thể ngay lập tức tiêu diệt người vi phạm.
Xung đột giữa Ukraine và Nga tại Eo biển Kerch khiến nhiều người Ukraine đặt dấu hỏi về tính thời điểm. Theo một bình luận trên tờ Kiev Post (Ukraine), các chuyên gia về bầu cử do tờ Kiev Post phỏng vấn đều nói rằng nếu thiết quân luật áp dụng trong hai tháng có thể sẽ khiến bầu cử tổng thống dự kiến vào tháng 3/2019 và bầu cử địa phương vào tháng 12/2018 bị hoãn. Bầu cử chỉ có thể diễn ra theo kế hoạch nếu tổng thống ra sắc lệnh yêu cầu như vậy hoặc quốc hội thông qua luật đặc biệt. Nếu thiết quân luật được gia hạn, ngày bầu cử quốc hội dự kiến vào tháng 10/2019 cũng sẽ có thể bị ảnh hưởng.
Khi mà căng thẳng Nga-Ukraine đã nóng suốt 5 năm nay và việc Crimea được sáp nhập trở lại Nga năm 2014, nhiều người Ukraine tự hỏi tại sao thiết quân luật tới giờ mới được áp dụng. Chuyên gia quân sự Vyacheslav Tseluiko nhận định: “Các đối thủ của Tổng thống Ukraine sẽ cáo buộc ông tìm cách chiếm quyền lực hoặc ít nhất là mở rộng quyền lực”. Theo chuyên gia này, trong tình hình hiện nay, hiệu quả hơn sẽ là tổ chức một đợt huy động quân đội, đưa nhiều binh sĩ ra phía Đông và Nam Ukraine hoặc tổ chức diễn tập quân sự khẩn cấp.
Những người chỉ trích ông Poroshenko tại Ukraine cho rằng ông muốn hoãn bầu cử vì hiện tỷ lệ ủng hộ ông ở mức thấp 10% theo khảo sát mới đây của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev. Theo khảo sát này, ông Poroshenko cũng có tỷ lệ phản đối cao nhất trong số các ứng cử viên tổng thống. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng ông sẽ thua cuộc trong vòng bỏ phiếu thứ hai.
Còn về dư luận tại Nga, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Grigory Karasin ngày 26/11 cho rằng Ukraine đã dàn dựng "hành động khiêu khích" trên Eo biển Kerch nhằm cố ý tạo ra một cuộc tranh cãi ngoại giao gây chú ý dư luận quốc tế và lấy đó làm cớ thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt Nga.
Ông nhấn mạnh thời điểm diễn ra sự việc là đáng chú ý vì nó có thể tạo cho Ukraine cơ hội thông qua tình trạng thiết quân luật, khuấy động phong trào chống Nga và thắt chặt các biện pháp trừng phạt Moskva.
Hơn nữa, vụ đụng độ cũng diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tổ chức tại Argentina cuối tuần này. Hội nghị thượng đỉnh G-20 dự kiến là nơi diễn ra cuộc gặp được mong chờ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.
Xét cho cùng, dù vụ việc là hành vi vô tình hay khiêu khích và là do xuất phát từ bên nào đi chăng nữa thì cả Ukraine và Nga cần phải kiềm chế theo lời kêu gọi của các lãnh đạo thế giới. Bởi nếu không, chỉ cần một tính toán sai lầm, một sự cố có thể bùng phát thành một cục diện nguy hiểm.