Trong bối cảnh tình hình ngày càng bế tắc ở Ukraine và độ tin tưởng giữa Mỹ và Nga đang giảm đi một cách nhanh chóng, hai bên đang thực hiện những bước nhằm ngưng các hoạt động hợp tác song phương ở tất cả các cấp. "Nạn nhân" mới nhất do bế tắc chính trị trên chính là một tổ chức phương tiện truyền thông do chính phủ Mỹ tài trợ và các tổ chức giáo dục của Mỹ hoạt động tại Nga. Hãy xem xem một số động thái gần đây của chính quyền Nga và Mỹ.Việc Nga từ chối gia hạn giấy phép phát sóng trên tần số AM cho VOA (Đài Tiếng nói Hoa Kỳ) do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ không chỉ là dấu hiệu của sự tái cơ cấu cơ quan truyền thông nhà nước của Nga, mà còn chỉ ra mối quan hệ căng thẳng giữa Moskva và Washington.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry (phải) và người đồng cấp Nga Lavrov. |
James Brooke, nguyên Trưởng phòng đại diện của VOA tại Moskva và hiện là một nhà báo Mỹ đang làm việc tại Campuchia cho rằng việc không cho phát sóng trên tần số AM của đài phát thanh Mỹ ở Nga là một hành động mang tính biểu tượng. "Trong thời gian gần 4 năm tôi là trưởng đại diện cho VOA ở Moskva, tôi chưa bao giờ bắt được kênh của đài trên sóng phát thanh. Tôi sẽ rất ngạc nhiên khi một người nào đó nghe được đài của chúng tôi ở Nga”, ông Brooke nói.
Ông Brooke cũng cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến một sự phản ứng cứng rắn từ Quốc hội Mỹ và đó có thể là việc đóng cửa hãng tin RT của Nga tại Mỹ.
"Điều đó không bao giờ được nói ra, nhưng nó có thể được hiểu. Trong khi có thể cho rằng đó là sự nóng vội của Moskva yêu cầu đóng cửa văn phòng của VOA, giới chính trị Mỹ hiểu rằng cần phải đáp trả tương ứng, nếu không họ cảm thấy bị thua cuộc”, ông Brooke lưu ý.
Thách thức mới với Hội đồng MỹNgoài ra, Hội đồng Mỹ tại Nga cũng đang đối mặt với tình thế tương tự. Một tổ chức giáo dục phi chính phủ Mỹ hoạt động trên cơ sở “trao đổi văn hóa và mang tính học thuật” bây giờ đang đối mặt với vấn đề với đăng ký. Theo tờ “Moscow Times” của Nga, Bộ Tư pháp nước này đã ra lệnh cho các chi nhánh của Hội đồng Mỹ tại Nga đình chỉ hoạt động. Không có gì đáng ngạc nhiên khi điều này đã dẫn đến phản ứng gây tranh cãi từ các chuyên gia và các nhà báo.
Hội đồng Mỹ đã triển khai thực hiện các chương trình trao đổi giáo dục khác nhau trong 40 năm qua và nó luôn luôn tuân theo quy luật và các quy định của Nga, Carter Johnson, Giám đốc của Hội đồng Giáo dục Quốc tế Mỹ tại Nga cho biết.
"Chúng tôi tôn trọng quyết định của Bộ Tư pháp Nga. Ngay khi biết Bộ trên yêu cầu Hội đồng Mỹ thay đổi cơ cấu tổ chức của chúng tôi ở Nga, chúng tôi bắt đầu xây dựng một kế hoạch hành động để thực hiện tất cả các thay đổi cần thiết", ông Carter Johnson nói.
Trong quan hệ Mỹ- Nga, tất cả điều này như một điềm xấu, đặc biệt là trong năm 2012, các chương trình của USAID đã bị đình chỉ. Hội đồng Mỹ đã tồn tại khá lâu trong cộng đồng giáo dục quốc tế, cả ở Mỹ và ở Nga, "chỉ riêng năm nay, 600 sinh viên và học giả Mỹ đang nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Nga tại các tổ chức hàng đầu trên toàn nước Nga cùng với các lĩnh vực học thuật khác, trong khi khoảng 1.200 sinh viên Nga và các chuyên gia trẻ đang hoàn thiện khả năng tiếng Anh của mình, đang nghiên cứu tại các viện nghiên cứu của Mỹ”, Chủ tịch Hội đồng Mỹ, Tiến sĩ Dan E Davidson nói.
Ông Davidson cho rằng các chương trình hợp tác trên chủ yếu tập trung vào những cá nhân tài năng của Nga và Mỹ mà không quan tâm đến tình hình tài chính và địa xã hội của họ, đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tăng cường việc bình thường hóa quan hệ giữa Nga và Mỹ trong những năm qua.
Đồng thời, động thái gần đây của chính phủ Mỹ cũng cho thấy rằng Washington đang mất dần sự quan tâm đối với các cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Nga, mặc dù cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho rằng quan hệ Mỹ- Nga nên được "nuôi dưỡng thông qua trao đổi giáo dục, và đối thoại mang tính đối đẳng".
Việc cắt giàm nguồn tài trợ trị giá 30 triệu USD cho Chương trình Fulbright và đóng cửa các văn phòng ở Moskva của Viện Kennan (Mỹ), cũng là một tín hiệu cho thấy mối quan hệ Nga – Mỹ đang suy giảm đáng kể.
Khủng hoảng Ukraine đã khiến quan hệ Nga-Mỹ xuống mức thấp nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Ảnh: AFP/TTXVn |
Bế tắc chính trị trầm trọng này được thể hiện thông qua các cuộc thăm dò dư luận mới đây, cho thấy sự gia tăng đáng kể số người chống Mỹ tại Nga và tình cảm chống Nga tại Mỹ.
Theo thăm dò mới nhất của tổ chức Gallup (Mỹ), số lượng người Mỹ xem Nga như kẻ thù tăng từ 60% trong tháng 2 lên đến 68% vào cuối tháng 3; trong khi số người ủng hộ Nga giảm từ 34 xuống 26%.
Đồng thời, cuộc thăm dò của Trung tâm Levada Center (Nga), được công bố vào cuối tháng 3, cho biết tình cảm chống Mỹ tại Nga đang tăng lên theo những sự kiện gần đây ở Ukraine. Ví dụ, số người Nga "ghét" Mỹ đã tăng từ 44 lên 61% kể từ tháng 1/2014. Đồng thời, số lượng những người vẫn coi Mỹ như một người bạn giảm từ 43 xuống 26%.
Victoria Zhuravleva, một thành viên tại Viện Kennan và là giáo sư lịch sử Mỹ tại Đại học Nhân văn Quốc gia Nga, cho rằng việc đóng cửa hoặc cắt giảm tài trợ trong các tổ chức và các quỹ của Mỹ ở Nga là kết quả của việc Washington đang mất dần sự quan tâm đối với Nga.
Theo bà Zhuravleva, sự thiếu quan tâm đã trở thành một xu hướng sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, "vì Mỹ không coi Nga là một cường quốc trên thế giới và đã dừng lĩnh vực hợp tác nghiên cứu. Kết quả là, chúng ta mất cả thế hệ các học giả Mỹ nghiên cứu về Nga, những người có thể trở thành các chuyên gia có trình độ cao và giúp chính quyền Obama hình thành một chính sách cân bằng hơn đối với Nga, dựa trên phương pháp tiếp cận đa chiều và sự hiểu biết về Nga cả về xã hội và chính sách đối ngoại thời hậu Xô Viết".
Thật vậy, ngày càng có nhiều chuyên gia, nhà bình luận ở Mỹ và Nga bày tỏ lo ngại về sự suy giảm các chuyên gia người Mỹ về Nga và Á-Âu, cùng với việc các nhà nghiên cứu Mỹ tại Nga và nghiên cứu Nga ở Mỹ đã thất bại trong việc bắt kịp những thay đổi nhanh chóng đã diễn ra kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh ở cả hai nước.
"Thế kỷ 21 đòi hỏi một sự hợp tác mới giữa công dân hai nước trên tất cả các cấp. Những công dân bình thường hiện nay cũng hiểu biết thế giới tốt hơn so với các thế hệ trước. Việc ngưng trệ sự trao đổi sinh viên và các chuyên gia chỉ khiến cho mối quan hệ 2 nước suy giảm hơn nữa. Chính phủ 2 nước nên làm mọi thứ có thể để bảo vệ các chương trình nghiên cứu, giáo dục và xem đó là dòng chảy trong mối quan hệ chính trị giữa Moskva và Washington", ông Davidson kết luận.
Vũ Thanh (R.B.H)