Sau Pháp, đến lượt CH Cyprus thông báo phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Những diễn biến trong tuần đầu tiên của Năm mới 2022 cho thấy vẫn chưa thể có đáp án chính xác cho câu hỏi liệu đại dịch có thể kết thúc trong năm nay hay không.
Theo báo cáo mới nhất của WHO, số ca mắc mới ghi nhận trên toàn thế giới trong 7 ngày qua đã tăng 71% so với 1 tuần trước đó. Đây là mức tăng kỷ lục theo tuần kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trên toàn cầu vào đầu năm 2020. Đáng lưu ý, tuần đầu năm 2022 ghi dấu mốc trung bình hơn 2.000.000 ca mắc mới mỗi ngày, gấp đôi so với con số trung bình hằng ngày trong tuần cuối cùng của năm 2021. Mỹ và châu Âu là hai khu vực chứng kiến sự tăng vọt của số ca nhiễm mới khi Omicron thay thế Delta trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại đây. Trong tuần qua, số ca mắc mới tại hai khu vực này chiếm hơn 77% trong hơn 13 triệu ca mắc mới ghi nhận trên toàn thế giới. Đặc biệt, tại Mỹ, số ca mắc mới theo ngày đã vượt mốc 1 triệu ca ngay trong ngày đầu tiên của tuần mới (3/1), cao nhất từ trước đến nay và cao hơn bất kỳ quốc gia và vùng lãnh thổ nào trên thế giới.
Trong khi làn sóng dịch bệnh mới đang nổi lên ở nhiều nước Mỹ Latinh và Carribe, các quốc gia châu Á cũng được cảnh báo nguy cơ đối mặt với đợt bùng phát mới dù hiện tại chưa ghi nhận số ca nhiễm Omicron cao. Ấn Độ là một trong những nước đang chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca mắc COVID-19. Ngày 7/1, quốc gia châu Á này ghi nhận 117.100 ca mắc mới, tăng gấp 5 lần trong tuần qua. Omicron đang tiếp tục lây lan mạnh và đang lấn át Delta để trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo tại nước này. Hiện giới chức Ấn Độ đang chuẩn bị phương án ứng phó với kịch bản số ca nhiễm mới hằng ngày sẽ vượt con số kỷ lục 414.000 ca/ngày hồi tháng 5/2021, căn cứ trên tình hình dịch bệnh đang diễn ra tại Mỹ - quốc gia ghi nhận hơn 1 triệu ca nhiễm/ngày hôm 3/1.
Dù các nghiên cứu đã cho thấy Omicron không gây bệnh nặng như “người anh em” Delta, nhưng rõ ràng việc biến thể này lây lan nhanh chóng đặt ra sức ép khổng lồ đối với hệ thống y tế các nước. Đây là lý do khiến người đứng đầu WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus phải cảnh báo thế giới không được coi nhẹ Omicron. Theo ông Tedros, những con số báo cáo nêu trên chưa phải là con số thực tế do còn nhiều xét nghiệm tồn đọng sau dịp lễ Giáng sinh và năm mới, hay các xét nghiệm dương tính không được thống kê và những trường hợp bị bỏ sót do hệ thống giám sát quá tải. Ông cho rằng với đà lây lan của Omicron hiện nay, các bệnh viện sẽ phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 và “cơn sóng thần” Omicron sẽ “nhấn chìm” hệ thống y tế thế giới còn chưa kịp phục hồi sau sức tàn phá của Delta.
Thực tế cho thấy, không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng, các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội cũng bị đình trệ. Đơn cử như tại Mỹ, dù số ca mắc mới gia tăng chưa dẫn đến tình trạng số ca bệnh nặng và tử vong tăng mạnh, nhưng hệ quả có thể cảm nhận rõ. Nhiều chuyến bay bị hủy bỏ; các trường học, văn phòng, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa; các bệnh viện quá tải và các chuỗi cung ứng tắc nghẽn.
Những nguy cơ từ dịch COVID-19 còn chưa dừng ở đó. Văn phòng WHO tại châu Âu cảnh báo làn sóng ca nhiễm Omicron trên toàn cầu hiện nay có thể làm gia tăng nguy cơ xuất hiện thêm biến thể mới nguy hiểm hơn. Bà Catherine Smallwood - quan chức cấp cao xử lý tình huống khẩn cấp của WHO gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng khi Omicron càng lây lan, truyền nhiễm, biến thể này sẽ dần biến đổi dẫn tới sự xuất hiện của một biến thể mới. Bà nhấn mạnh không ai có thể biết được khả năng lây lan cũng như nguy cơ tiềm ẩn từ biến thể mới này. Theo bà, tình hình tại châu Âu đang rất nguy hiểm với số ca nhiễm mới gia tăng đột biến tại khu vực Tây Âu và những tác động toàn diện của tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn là điều khó đoán địn.
Những lo ngại về sự xuất hiện của biến thể mới là hoàn toàn có cơ sở. Mới nhất, ngày 8/1, Bộ trưởng Y tế CH Cyprus Michalis Hadjipantelas thông báo một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã được phát hiện ở nước này. Biến thể mới của SARS-CoV-2 có chung nền tảng di truyền của biến thể Delta cùng với một số đột biến của Omicron, do đó được đặt tên là Deltacron.
Trước đó, WHO đã lần đầu tiên lên tiếng về biến thể IHU hoặc B.1.640.2 có 46 đột biến, nhiều hơn Omicron 14 đột biến, được phát hiện đầu tiên tại Pháp vào cuối năm 2021. WHO cho biết biến thể này hiện chưa gây ra nhiều đe dọa, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm.
Chia sẻ quan điểm về khả năng xuất hiện của biến thể mới, Trưởng nhóm kỹ thuật COVID-19 của WHO, bà Maria Van Kerkhove cho rằng "rất khó xảy ra" khả năng Omicron là biến thể sau cùng đáng lo ngại trước khi đại dịch kết thúc. Do đó, bà kêu gọi mọi người tăng cường các biện pháp bảo vệ bản thân mà vaccine là công cụ hiệu quả nhất tại thời điểm hiện tại.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh cũng như bảo vệ người dân trước sự tấn công của Omicron, nhiều nước đã siết chặt các quy định phòng dịch, đồng thời tăng tốc chương trình tiêm chủng, cả tiêm cơ bản và tiêm bổ sung. Đây cũng là một thách thức trong cuộc chiến chống dịch dai dẳng tại nhiều nước, đặc biệt là những quốc gia có thu nhập thấp không thể tiếp cận vaccine.
Tổng Giám đốc WHO cho rằng sự bất bình đẳng vaccine là yếu tố làm gia tăng số ca tử vong do COVID-19 và làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ông Tedros kêu gọi thế giới chia sẻ vaccine công bằng hơn trong năm 2022 để chấm dứt "cái chết và sự hủy diệt" do COVID-19.
Người đứng đầu WHO từng đặt mục tiêu mỗi quốc gia có 10% dân số được tiêm chủng vào cuối tháng 9/2021 và 40% vào cuối tháng 12. Tuy nhiên, 92 trong số 194 quốc gia thành viên WHO đã bỏ lỡ mục tiêu, thậm chí có 36 quốc gia trong số đó không đạt mục tiêu 10% đầu tiên với lý do là phần lớn không thể tiếp cận vaccine. Với tốc độ triển khai hiện nay, 109 quốc gia sẽ không đạt mục tiêu 70% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng vào giữa năm nay.
Cùng chung quan điểm, ông Michael Ryan, Giám đốc xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh nếu không đảm bảo phân phối vaccine công bằng, tình hình dịch bệnh đến cuối năm 2022 sẽ không thay đổi và đây thực sự sẽ là bi kịch lớn. Một năm mới sẽ lại bắt đầu bằng những câu chuyện cũ xoay quanh COVID-19 và câu hỏi đến khi nào cuộc sống của người dân trên toàn thế giới mới thực sự được khôi phục trạng thái bình thường, trừ khi cộng đồng quốc tế cùng hành động.