“Mùa xuân Arập” có thể đã không thành công dù dẫn đến các thể chế cải cách ở Trung Đông nhưng lại làm bộc lộ một vấn đề khác là sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với các chính phủ mà một thời Mỹ coi là khách hàng của mình.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) thăm Arập Xêút ngày 25/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ví dụ trong trường hợp Ai Cập, trước năm 2011, cả hai chính phủ của các ông Bush và Obama đều tìm cách thuyết phục ông Hosni Mubarak hướng tới cải cách nhưng ông Mubarak đã phớt lờ lời khuyên này. Năm 2012, chính phủ Mỹ cũng cố gắng tác động ông Mohamed Morsi lập một chính phủ mang tính đại diện hơn nhưng cũng bị ông Morsi từ chối. Và hiện thời Mỹ đang kêu gọi vị tướng Abdel Fattah Sisi không tiến hành các biện pháp mạnh tay đối với các cuộc biểu tình nhưng không biết liệu ông Sisi làm như vậy không. Theo "Thời báo Los Angeles", hai yếu tố khiến ảnh hưởng của Mỹ đối với các chính phủ của thế giới Arập suy giảm là tiền viện trợ ít hơn trong khi lại bị cạnh tranh ảnh hưởng nhiều hơn.
Trước hết, 1,6 tỷ USD mà Mỹ viện trợ hàng năm cho Ai Cập không mua được điều mà Mỹ mong muốn như trước đây. Thực tế xét giá trị của con số này, rõ ràng viện trợ của Mỹ cho Ai Cập đã giảm mạnh. Nếu tính theo sự mất giá của đồng USD, 1,6 tỷ USD năm nay chỉ còn giá trị bằng 1/3 so với con số này Mỹ đã viện trợ năm 1986. Phần viện trợ quân sự hàng năm, khoảng 1,3 tỷ USD lại chi phần lớn cho việc mua máy bay, xe tăng sản xuất tại Mỹ; phần viện trợ phi quân sự còn lại, khoảng 300 triệu USD quá nhỏ bé trong bối cảnh kinh tế Ai Cập đang xuống dốc như hiện nay. Ông Sisi và người Ai Cập biết quá rõ điều này, nhưng những chính trị gia Mỹ lại tỏ ra không nhận ra điều đó.
1,6 tỷ USD viện trợ hàng năm cho Ai Cập không mua được điều mà Mỹ mong muốn như trước. Người Ai Cập biết quá rõ điều này, nhưng các chính trị gia Mỹ lại không nhận ra điều đó. |
Các đối thủ khác đang nhảy vào để lấp chỗ trống ảnh hưởng của Mỹ tại Ai Cập. Tháng trước, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Côoét thông báo có thể chi tới 12 tỷ USD viện trợ kinh tế cho Ai Cập để giúp nước này ổn định tình hình. Tất nhiên, lợi ích luôn đi kèm với các khoản viện trợ. Như vậy, nếu viện trợ nước ngoài tạo đòn bẩy, rõ ràng với số tiền viện trợ lớn hơn, 12 tỷ USD, chắc chắn sẽ có được đòn bẩy mạnh hơn so với 1,2 tỷ USD.
Bên cạnh đó, ảnh hưởng bên ngoài đến các quốc gia đang nỗ lực hướng tới cải cách là con dao hai lưỡi. Việc cảnh báo cắt viện trợ có thể là cách hữu hiệu thu hút sự chú ý của giới lãnh đạo Ai Cập, nhưng thực tế cho thấy việc cắt giảm hợp tác quân sự trước hết cũng sẽ làm tổn hại lợi ích của Mỹ, chưa kể đến điều kiện giữ hòa bình với Israel và cuộc chiến chống khủng bố trong thế giới Arập. Đây là lý do tại sao Nhà Trắng đã nhanh chóng cam kết tiếp tục viện trợ cho Ai Cập.
Đối với người dân Ai Cập, thông điệp này cũng như vậy: Suốt hai thập niên qua, các chính trị gia Mỹ đã nhiều lần cảnh báo cắt viện trợ nếu mọi thứ không thay đổi nhưng thực tế Mỹ đã không làm như vậy. Lần này cũng không ngoại lệ. Những hạn chế này, ở mức độ nào đó, cũng xảy ra tương tự trong chính sách của Mỹ đối với một số quốc gia khác trong thế giới Hồi giáo. Năm 2012, ông Obama đã đề xuất gói viện trợ mới để hỗ trợ các chính phủ non trẻ của thế giới Arập nhưng phần lớn số tiền trong gói đề xuất này đều bị quốc hội Mỹ phủ quyết.
Tuy vậy, điều này không có nghĩa là Mỹ không có chút ảnh hưởng nào đối với các sự kiện trong thế giới Hồi giáo. Tamara Cofman Wittes, học giả thuộc Viện nghiên cứu Brookings, nói: "Điều mà các chính phủ Arập cần là sự công nhận của quốc tế và Mỹ đã giúp được điều này. Đây có thể là đòn bẩy hữu hiệu nhất đối với các chính phủ non trẻ của thế giới Arập."
Quang Tuyến (P/v TTXVN tại Mỹ)