Tờ "Chính trị thế giới" cho biết Mỹ đang lên kế hoạch triển khai lâu dài xe tăng, vũ khí hạng nặng và một lực lượng khoảng 5.000 quân tại các nước Baltic và Đông Âu thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Động thái này được dư luận coi là sự chuẩn bị công khai cho một cuộc chiến với Nga. Binh sĩ NATO tham gia cuộc tập trận Chiến dịch Baltic tại khu vực bờ biển Ustka, phía bắc Ba Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Các hành động này được tờ "Thời báo New York" tiết lộ hồi cuối tuần qua và được Bộ Quốc phòng Ba Lan xác nhận, cho thấy Mỹ đang thương lượng với Ba Lan về một kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng trên lãnh thổ nước này, và một quyết định từ Warsaw sẽ được đưa ra trong thời gian sớm nhất. Hành động đó đánh dấu một bước leo thang lớn mới của Mỹ để buộc Nga phải chấp nhận sự bá quyền của Mỹ ở khu vực Á - Âu này, đẩy ảnh hưởng của Nga xuống hàng dưới, thậm chí còn đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Các nhà lãnh đạo (yêu cầu giấu tên) của Mỹ đã tiết lộ với tạp chí "Times" rằng theo dự kiến, kế hoạch trên sẽ cung cấp các thiết bị đủ dùng cho một đại đội gồm 150 binh sĩ tại mỗi nước trong số 3 nước Baltic và thiết đủ dùng cho một tiểu đoàn (khoảng 750 quân) ở Ba Lan, Rumania, Bulgaria và có thể là ở Hungary, cộng với các thiết bị cho một lữ đoàn bao gồm khoảng 1.200 xe, trong đó có 250 xe tăng M1 - A2, xe chiến đấu Bradley và các súng cối. Bài báo đã so sánh kế hoạch này với những hành động của Mỹ vào thời kỳ căng thẳng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và trước khi diễn ra cuộc xâm lược Iraq (năm 2003), hay đợt bố trí quân Mỹ ở Kuwait chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Các hành động lần này của Mỹ được coi là nhằm “răn đe một cuộc xâm lược mà Nga có thể tiến hành ở châu Âu”. Kế hoạch này cũng nằm trong chiến lược của NATO tìm mọi cách để mở rộng sang phía Đông nhằm thâu tóm các nước trước đây thuộc Hiệp ước Warsaw và các nước Cộng hòa trước đây thuộc Liên Xô ở vùng Baltic.
Trong khi đó, theo báo chí Nga, Mỹ đã thông báo kế hoạch triển khai ở châu Âu các máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm F - 22 Raptor. Chúng là thế hệ tiêm kích mới nhất có các tính năng tác chiến vượt trội và có thể mang vũ khí hạt nhân. Theo tính toán của Mỹ, loại máy bay này trong vòng vài phút có thể tiếp cận bất cứ mục tiêu chiến lược nào trên lãnh thổ Nga.
Theo tuyên bố chính thức, số vũ khí hạng nặng mà Washington đang xem xét để đưa đến Đông Âu là nhằm phục vụ các cuộc tập trận thường kỳ của NATO chứ không nhằm gia tăng sự hiện diện quân sự của Mỹ. Đồng thời, Thư ký báo chí của Nhà Trắng nhấn mạnh các kế hoạch này đang ở giai đoạn nghiên cứu sơ bộ trước khi có một quyết định chính trị cuối cùng được đưa ra. Tuy nhiên, khả năng kế hoạch này được thông qua là rất cao, xuất phát từ các nguyên tắc sáng lập NATO, trong đó quy định Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các đồng minh khỏi các mối đe dọa quân sự từ bên ngoài.
Mặc dù Lầu Năm Góc và Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) còn đang thảo luận về cách thức thể hiện chính sách của Mỹ liên quan tới vấn đề này, song việc đưa vũ khí và binh sĩ ồ ạt tới các nước Baltic cũng như ở Ba Lan, Rumania, Bulgaria cũng làm gia tăng nguy cơ biến một vụ rắc rối tương đối nhỏ thành một cuộc chiến tranh với quy mô lớn. NATO đã tiến hành các cuộc tập trận ở sát biên giới phía Tây của Nga, từ Bắc Cực tới biển Đen và biển Baltic. NATO đang phát triển một lực lượng phản ứng nhanh được cho là có thể can thiệp vào Nga chỉ trong vòng vài ngày.
Giới quan sát Nga nhận định những thông tin rò rỉ trên báo chí phương Tây thời gian gần đây về kế hoạch của Mỹ là động thái phô trương sức mạnh của Washington, chứ không phải là một kế hoạch nghiêm túc có thể làm thay đổi cục diện diễn biến tình hình. Nga hy vọng với sự thông thái và khả năng thỏa hiệp, 28 quốc gia thành viên NATO sẽ đi đến quyết định sáng suốt nhất nhằm giữ ổn định chiến lược ở khu vực vành đai NATO tiếp giáp với Nga.