Mỹ mất đồng minh quan trọng ở Trung Đông?

Cuộc điện đàm lịch sử giữa Tổng thống Barack Obama và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani có thể khiến Mỹ mất đi một đồng minh quan trọng ở Trung Đông.

Mỹ và Saudi Arabia đã là đồng minh của nhau trong khoảng 80 năm cùng với việc Washington bảo trợ quân sự cho quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới này. Tuy nhiên, vì mối quan hệ đang ấm dần lên giữa Tehran và Washington, Saudi Arabia gần đây cho thấy họ sẽ "rời xa” Mỹ, khiến Ngoại trưởng John Kerry phải vội vã bay sang Riyadh thảo luận với Quốc vương Abdullah để làm dịu căng thẳng.

Quốc vương Saudi Arabia, Abdullah (phải) gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) đang trong chuyến thăm Saudi Arabia ngày 4/11, tại Riyadh. Ảnh: Reuters


Với Saudi Arabia, nước này luôn hoài nghi sâu sắc về “cuộc tấn công quyến rũ” của Iran và thất vọng về việc những tham vấn của mình đã không thay đổi được lập trường của Mỹ đối với một thành viên trong cái gọi là "trục ma quỷ".

Chỉ 5 năm trước, Riyadh đã hối thúc Washington tấn công Iran – quốc gia nằm đối diện Vịnh Ba Tư - vì lo sợ rằng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran có thể đe dọa nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của mình.

Mức độ thất vọng và lạnh nhạt của Saudi Arabia đối với Mỹ trở nên rõ ràng khi nước này từ chối một ghế ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Lần đầu tiên một quốc gia trên thế giới hành động như vậy và động thái này thậm chí còn gây ngạc nhiên với ngay cả những nhà ngoại giao trong nước bởi Saudi Arabia đã chuẩn bị nhiều năm cho vai trò này.

Nhìn bên ngoài , Saudi Arabia thể hiện sự tức giận của mình đối với Liên Hợp Quốc, chỉ trích “tiêu chuẩn kép" của tổ chức này không để giải quyết được cuộc khủng hoảng ở Syria và căng thẳng kéo dài giữa Israel và Palestine. Nhưng người đứng đầu cơ quan tình báo của Riyadh - thái tử Bandar bin Sultan cho rằng, bằng cách từ chối chiếc ghế tại HĐBA, Saudi Arabia muốn bày tỏ bất bình trước các chính sách của Mỹ trong khu vực và khẳng định đó là "thông điệp dành cho Mỹ, chứ không phải LHQ".

Lý do ở đây là quá rõ ràng: Saudi Arabia cảm thấy mình là một đối tác bị bỏ quên trong trò chơi chính trị ở Syria. "Nước Mỹ đã phá hủy hình ảnh của mình rất nhiều vì đã thất bại trong việc không tấn công Syria", một nhà ngoại giao Israel ở Jerusalem nói.

Mặc dù hai nước đã là đồng minh từ những năm 1930, động thái “đe dọa” thay đổi quan hệ với Mỹ đến từ áp lực của công chúng Saudi Arabia sau nhiều thập kỷ yêu cầu chính quyền tránh xa Mỹ.

Riyadh cảm thấy thất vọng về thất bại của Nhà Trắng trong giải quyết cuộc xung đột Palestine-Israel và chính sách đối ngoại của Mỹ trong khu vực, đặc biệt là khi nói đến hành động can thiệp tại Iraq năm 1990 và năm 2003 mà nhiều người coi đó là thảm họa.

Ngoài ra, thỏa thuận với Nga - Mỹ không tấn công Tổng thống Bashar Assad với cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học hồi tháng 8 mà thay vào đó là giải pháp loại bỏ kho vũ khí hóa học của Syria cũng khiến Riyadh tức giận bởi vì Iran có truyền thống ủng hộ chế độ Assad trong khi Saudi Arabia tài trợ chủ yếu cho người Sunni đối lập Syria.

"Điều quan trọng nhất giữa các đồng minh là họ cùng xây dựng chiến lược chung trước khi tuyên bố bất kỳ quyết định nào. Thỏa thuận Kerry - Lavrov đã chỉ ra rõ ràng rằng người Mỹ muốn định hình lại Trung Đông mà không cần tham khảo ý kiến của chúng tôi. Bạn không thể lờ đi một đồng minh chiến lược mà không có bất kỳ hình thức tham vấn nào”, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Saudi Arabia xin được giấu tên nói với NBC News.

Chính quyền Saudi cảm thấy tiếp tục bị xa lánh khi Mỹ quyết định tiếp cận với Iran sau cuộc bầu cử tổng thống nước này. Tân tổng thống Rouhani dường như đã thông qua một chương trình nghị sự ôn hòa hơn so với người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad . Mặc dù khẳng định của Tehran rằng chương trình hạt nhân của họ cho mục đích hòa bình, Saudi Arabia từ lâu vẫn có những quan ngại . Theo một nguồn tin ngoại giao do Wikileaks khai thác được, Quốc vương Abdullah đã kêu gọi Mỹ "cắt bỏ đầu của con rắn" và tấn công Tehran năm 2008.

Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney mới đây cũng thừa nhận có "bất đồng về một số vấn đề" với Saudi Arabia và Mỹ đã nhanh chóng tìm cách giải quyết sự suy giảm đột ngột trong mối quan hệ này.

Phát biểu tại Đại sứ quán Mỹ ở Riyadh trước khi gặp Quốc vương Abdullah ngày 4/11, Ngoại trưởng Mỹ Kerry mô tả Saudi Arabia là "quốc gia lớn trong thế giới Ảrập" và nói thêm: "Ai Cập đang trong quá trình chuyển đổi, vì vậy vai trò của Saudi Arabia là rất quan trọng và ảnh hưởng rất nhiều đến mối quan tâm của chúng tôi.... Chúng tôi đang làm việc cùng nhau vì hòa bình ở Trung Đông, Syria và Iran".

Và những điểm bất đồng trên có lẽ vẫn chưa đủ để chính phủ Saudi Arabia hành động chống lại đồng minh của mình. Khi được hỏi những rạn nứt có thể có tác động nghiêm trọng lâu dài trong quan hệ hai nước, Tom Phillips, một chuyên gia về vấn đề Trung Đông nói: "Tôi không nghĩ vậy. Saudi Arabia sẽ chuyển sang quan hệ với nước nào? Trung Quốc và châu Á là một thị trường lớn của họ, nhưng phải xem phản ứng của Mỹ. Riyadh có lẽ sẽ không có được điều đó".

Shashank Joshi, một nhà nghiên cứu tại Royal United Services Institute có trụ sở ở London, cũng nhận xét: "Người Saudi Arabia không có đủ đòn bẩy để ngăn chặn tất cả những điều họ sợ , vì vậy họ phải nhận những gì người Mỹ cung cấp cho họ” và lợi ích song phương trong việc bảo hộ quân sự cũng như sản xuất dầu mỏ là quá lớn nên không thể bị đe dọa bởi những khác biệt ngoại giao.


Vũ Thanh (Theo NBC News)

Mỹ và Saudi Arabia cam kết giải quyết bất đồng
Mỹ và Saudi Arabia cam kết giải quyết bất đồng

Bất chấp thực trạng căng thẳng chưa từng có giữa Washington và Riyadh do hai bên bất đồng trong vấn đề Syria, Iran và một loạt vấn đề quốc tế và khu vực, ngày 4/11, Mỹ và Arập Xêút đã cam kết cùng nỗ lực giải quyết các bất đồng, duy trì và củng cố mối quan hệ chiến lược, bền vững giữa hai nước.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN