Mỹ hy vọng hàn gắn rạn nứt với các nước Arập

Nước Mỹ sẽ bảo vệ bạn bè và đồng minh. Chúng tôi sẽ không để bạn bè và đồng minh bị tấn công từ bên ngoài. Chúng tôi sẽ sát cánh cùng họ”. Đó là tuyên bố chắc nịch của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi ở Ai Cập, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du 10 ngày qua 8 quốc gia ở Trung Đông, Bắc Phi và châu Âu.

Ngoại trưởng Saudi Arabia, Saud Al-Faisal (phải) và người đồng cấp Mỹ John Kerry trong cuộc gặp ngày 3/11. Ảnh: AFP/TTXVN


Trong chuyến công du, ông Kerry hy vọng có thể hàn gắn được mối quan hệ với các nước Arập vốn bị rạn nứt do các nước này không hài lòng với những hành động của Mỹ trong vấn đề về Syria, Iran và Ai Cập.


Tiếp tục hỗ trợ Ai Cập


Trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp Ngoại trưởng Ai Cập Nabil Fahmy, ông Kerry nhấn mạnh rằng Mỹ cam kết phối hợp với chính phủ lâm thời và ủng hộ người dân Ai Cập. Liên quan đến chuyện Mỹ ngừng khoản viện trợ 1,3 tỉ USD hàng năm cho Ai Cập, ông Kerry giải thích rằng quan hệ giữa hai nước không phải “được xác định bằng viện trợ”, rằng ngừng viện trợ không phải là đòn trừng phạt, mà là hành động phản ánh chính sách đối ngoại của Mỹ. Bản thân Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng nỗ lực hết sức để có thể đảm bảo rằng sự việc không làm gián đoạn quan hệ tốt đẹp với Ai Cập.


Bình luận về những khó khăn mà Ai Cập phải đối diện, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi một quá trình chuyển giao chính trị dân chủ và minh bạch, đồng thời nhấn mạnh “một chính phủ được bầu lại một cách dân chủ phải thông qua các cuộc bầu cử công bằng, tự do và có sự tham gia của các bên”.
Phân trần về Syria, Iran


Sau Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ đã tới Saudi Arabia, nơi mà nhiệm vụ hàn gắn quan hệ còn khó khăn hơn nhiều khi vết nứt giữa hai nước quanh vấn đề Syria, Iran bị coi là lớn nhất từ trước đến nay.


Các quan chức Saudi Arabia từ lâu không hài lòng khi Mỹ có lời nói và hành động “bất nhất”. Dù lớn tiếng đe dọa trừng phạt chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad bằng hành động quân sự nhưng thực tế Mỹ lại không hành động như vậy. Trong khi đó, các nước Arập còn lo lắng chứng kiến mối quan hệ “tan băng” giữa Mỹ và Iran - đối thủ đáng gờm của Saudi Arabia.


Trong cuộc gặp ngày 4/11 với Ngoại trưởng Saudi Arabia, Saud al-Faissal, Ngoại trưởng Mỹ Kerry đã coi Saudi Arabia là đồng minh “rất rất quan trọng” của Mỹ. Sau lời ca ngợi, ông Kerry đã thừa nhận rằng vấn đề Syria và Iran đã chia rẽ Mỹ và các nước Vùng Vịnh. Tuy nhiên, ông cho rằng những khác biệt này không “nhằm nhò” gì vì hai bên đều chung mục đích là chấm dứt xung đột và thành lập chính phủ lâm thời ở Syria. Về vấn đề Iran, Ngoại trưởng Kerry trấn an Saudi Arabia bằng lời hứa của Tổng thống Obama rằng Mỹ sẽ không bao giờ cho phép Iran có vũ khí hạt nhân.


Hối thúc hòa đàm Israel-Palestine


Một sứ mệnh không kém phần quan trọng trong chuyến thăm Israel ngày 5/11 của Ngoại trưởng Mỹ Kerry là tiếp tục thúc đẩy kế hoạch nối lại hòa đàm giữa Israel và Palestine. Các nhà phân tích nhận định rằng kế hoạch này đang tiến triển rất chậm chạp.


Đến nay, đoàn đàm phán của Israel và Palestine đã gặp 15 lần nhưng có rất ít thông tin được công bố vì báo chí bị “cấm cửa”. Chỉ biết rằng, hai bên đều tỏ thiện chí tiếp tục đàm phán.


Cách đây 3 tháng, khi ông Kerry thông báo rằng hòa đàm Israel-Palestine sẽ được nối lại, dư luận bắt đầu đồn đoán xem bằng cách nào hoặc liệu nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ có thể buộc hai bên từ bỏ điều kiện tiên quyết mà ngồi nói chuyện với nhau hay không. Theo kế hoạch của ông Kerry, hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình trong vòng 9 tháng.


Thùy Dương

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN