Ngày 17/5, báo chí Mỹ Latinh đã bình luận về chuyến thăm từ ngày ngày 18 đến 26/5 của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới 4 quốc gia Nam Mỹ, trong đó nhấn mạnh những yếu tố khiến Bắc Kinh trở thành sự cám dỗ đối với Tây bán cầu. Nếu so sánh sự hiện diện của Trung Quốc trong giai đoạn 2001-2002 với lúc này, rõ ràng ai cũng thấy có sự gia tăng đáng kể. Thương mại tăng theo cấp số nhân và Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của một số quốc gia trong khu vực. Ngày 15/5, Hội nghị lần thứ năm giữa Ngân hàng Phát triển Mỹ Latinh (CAF) và Viện Nghiên cứu Mỹ Latinh của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (ILAS) đã được tổ chức tại Bắc Kinh. Lần này sự kiện được tổ chức với chủ đề "An ninh công dân và điều hành: Thách thức đối với Trung Quốc và Mỹ Latinh". Tại hội nghị mặc dù mối quan hệ giữa Mỹ Latinh và Bắc Kinh không được đề cập trực tiếp, nhưng nó luôn hiện diện trong tất cả các phiên họp và thảo luận.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã rời Bắc Kinh, bắt đầu chuyến công du Tây Bán Cầu từ ngày 18-26/5. Ảnh: ibtimes.com |
Hội nghị này được tổ chức ngay trước thềm chuyến thăm Nam Mỹ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Người đứng đầu chính phủ Trung Quốc sẽ tới thăm Brazil, Colombia, Peru và Chile. Chuyến thăm của ông Lý Khắc Cường tới khu vực không phải là điều mới mẻ bởi các lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã liên tục tới thăm khu vực trong những năm gần đây. Riêng Chủ tịch Tập Cận Bình đã tới Mỹ Latinh hai lần liên tiếp. Chuyến thăm thứ nhất diễn ra vào tháng 6/2013, bao gồm các nước Trinidad và Tobago, Costa Rica và Mexico. Chuyến thăm thứ hai diễn ra vào tháng 7/2014, bao gồm Brazil, Argentina, Venezuela và Cuba.
Ngoài ra, tháng 1 năm nay, Diễn đàn Trung Quốc-Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã được tổ chức lần đầu tiên tại Bắc Kinh. Các chuyên gia đều cho rằng diễn đàn đã thành công ngoài mong đợi. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào khu vực cũng tăng lên, mặc dù với tốc độ không nhanh như tăng trưởng thương mại và không hề vượt Mỹ hay Liên minh châu Âu (EU). Trung Quốc đồng thời cũng trở thành nhà cung cấp tín dụng quan trọng cho khu vực, chủ yếu cho các nước Venezuela, Argentina, Brazil và Ecuador. Các quan chức Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về trường hợp của Venezuela cũng như Argentina trong vấn đề vay tín dụng.
Rõ ràng Trung Quốc đã cám dỗ Mỹ Latinh. Nhiều người dường như coi Trung Quốc là phao cứu sinh để có thể giải quyết mọi vấn đề quốc gia cũng như khu vực trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Thật vậy, sự cám dỗ lớn đầu tiên đó là việc nghĩ rằng Trung Quốc có thể là thuốc giải độc để Mỹ Latinh có thể giải thoát hoàn toàn khỏi Mỹ. Một thực tế mà nhiều nhà hoạch định chính sách cao cấp của Mỹ Latinh khăng khăng theo đuổi và được nhắc lại thường xuyên trong các tuyên bố của mình. Đây là một cách tiếp cận ngắn hạn và nông cạn, bỏ qua cơ hội hội nhập quốc tế của Mỹ Latinh và những lợi thế có được từ sự phối hợp tốt hơn giữa Washington và Bắc Kinh trong các vấn đề quan trọng đối với tương lai của khu vực, chẳng hạn như biến đổi khí hậu hay thương mại quốc tế.
Sự cám dỗ thứ hai là triển vọng trong quan hệ giữa hai khu vực. Mối quan hệ này sẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu nó được định nghĩa là chiến lược. Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-CELAC được coi là một cơ hội tuyệt vời cho cả hai bên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược. Nhưng cả EU và Trung Quốc đều phải đối mặt với một Mỹ Latinh bị chia rẽ, không thể đạt được sự đồng thuận trong mọi vấn đề của chương trình nghị sự khu vực, đó là còn chưa đề cập đến các vấn đề quốc tế. Điều này khiến tất cả các thỏa thuận được đưa ra trong các tuyên bố cuối cùng của các hội nghị thượng đỉnh khu vực trở nên chẳng còn giá trị và ý nghĩa. Thay vì phải thiết lập quan hệ giữa EU và Mỹ Latinh, hay Trung Quốc và Mỹ Latinh, mỗi nước trong khu vực lại có mối quan hệ song phương khác nhau.
Không có bất cứ liên kết khối nào ví dụ như Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), Cộng đồng các quốc gia vùng Andes (CAN), Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA) hoặc Liên minh Thái Bình Dương phối hợp đàm phán với Trung Quốc. Trong khuôn khổ Hệ thống hội nhập Trung Mỹ (SICA) chỉ Costa Rica có quan hệ với Bắc Kinh, các nước thành viên còn lại trong khu vực, bao gồm cả Panama, lại có quan hệ chính thức với Đài Loan. Tuy nhiên, điều này không cản trở các doanh nghiệp tăng cường trao đổi thương mại và làm ăn với Trung Quốc.
Sự cám dỗ thứ ba là để nắm bắt nhu cầu khổng lồ của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, ai cũng nhận thấy hệ lụy của sự suy giảm trong nền kinh tế Trung Quốc gây áp lực về giá cả đối với các sản phẩm xuất khẩu của Mỹ Latinh và tác động tiêu cực đối với kinh tế khu vực. Khi Mỹ và EU là những thị trường chính cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ Latinh, người ta đã đề cập đến những rủi ro cũng như sự cần thiết phải đa dạng hóa thị trường. Giờ đây, điều tương tự cũng cần phải đề cập đến khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.
Sự cám dỗ cuối cùng của Trung Quốc đối với Mỹ Latinh đó là thị trường lương thực khổng lồ. Người ta thường nói ai cũng cần phải ăn, do đó việc Mỹ Latinh, khu vực sản xuất lương thực quan trọng của thế giới, sẽ là thị trường cung cấp thực phẩm hàng đầu cho Trung Quốc.
Rõ ràng Trung Quốc là một cơ hội lớn cho Mỹ Latinh, nhưng nếu không biết tận dụng, khu vực này có thể để lỡ cơ hội. Để điều này không xảy ra, Mỹ Latinh nên tiếp cận mối quan hệ với Trung Quốc một cách thực dụng hơn giống như cách mà Bắc Kinh đang làm, tránh để rơi vào những cám dỗ mà trong tương lai dài hạn có thể tác động tiêu cực tới việc thực hiện các mục tiêu đề ra. Mỹ Latinh cần có quan điểm chung và sự đồng thuận trong mối quan hệ với Trung Quốc, cần thương lượng với Bắc Kinh theo các khối liên kết chứ không thể thương lượng một cách đơn phương từng quốc gia như hiện nay. Mỹ Latinh cần tăng cường đoàn kết nội khối để cùng hợp tác với Trung Quốc.
TTK