Với việc phóng thành công vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu (BDS) vào quỹ đạo hôm 23/6 vừa qua, Trung Quốc đã tiến tới vị thế một cường quốc vũ trụ. Được giới thiệu từ năm 2015, BDS là một phần của “Con đường Tơ lụa Kĩ thuật số” (DSR), tức Hành lang Kĩ thuật số trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" (BRI) của Trung Quốc.
Hoàn tất vụ phóng trước sáu tháng so với kế hoạch, hệ thống vệ tinh của Trung Quốc là một lựa chọn thay thế trước hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu của Mỹ (GPS), của Nga (GLONASS) và của châu Âu (Galileo).
Tại Trung Đông, tám vệ tinh trong hệ thống Bắc Đẩu đang cung cấp các dịch vụ định vị cho các quốc gia Arab. Bắc Kinh đã mời chào cung cấp dịch vụ vệ tinh Bắc Đầu cho những bên tham gia vào đại dự án BRI và các thành viên khối Arab là một trong những người đầu tiên tham gia vào sáng kiến này.
Saudi Arabia là nước tiếp cận Trung Quốc từ rất sớm. Riyadh và Beijing đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về thực thi DSR và thiết lập các nền tảng trao đổi kĩ thuật tại ba thành phố ở mỗi nước. DSR cũng nằm trong định hướng mở rộng hợp tác đối với các dự án trong tương lai mà Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) theo đuổi.
Saudi Arabia, UAE, Ai Cập và một số nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cũng là những bên tham gia vào Sáng kiến DSR được khởi động vào năm ngoái. Đây là dự án có nhiều lĩnh vực hợp tác, từ trí tuệ nhân tạo (AI), thành phố thông minh, công nghệ nano và các ngành khác có liên quan, có tiềm năng thay đổi một cách cơ bản nền tảng kĩ thuật số của các quốc gia này. Mạng cáp quang không dây, các trung tâm dữ liệu là thành phần cơ bản trong hạ tầng DSR.
Tuy nhiên, DSR cũng có một số “vùng xám”, tạo ra nguy cơ không chỉ bó gọn trong các nước thành viên GCC. Nếu muốn, Trung Quốc có thể giám sát dòng trao đổi trên Internet hoặc các đường kết nối máy chủ với các khu vực khác, nhờ vào việc kiểm soát, can thiệp hệ thống cáp quang đặt ngầm dưới biển.
Theo một nghiên cứu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc, trong một đến hai thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ trở thành một trong những trung tâm thông tin cáp ngầm quan trọng nhất của thế giới.
Kế đến, việc sử dụng rộng rãi công nghệ kĩ thuật số có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể sẽ tạo cho Bắc Kinh ảnh hưởng, ưu thế lớn hơn. Lâu nay, tuy đã có được hiện diện kinh tế tại Trung Đông, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ can dự được vào các khía cạnh an ninh. Nhưng với hệ thống cáp quang trên bộ, đường kết nối Internet ngầm dưới biển và hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu trong không gian, Bắc Kinh đã có trong tay một khái niệm quyền lực mới.
Với mạng lưới kĩ thuật số đa chiều, Trung Quốc có nhiều lựa chọn hơn, có điều kiện để ràng buộc các đối tác tham gia BRI vào vùng ảnh hưởng độc quyền của mình. Sẽ có thêm nhiều cơ hội ngoại giao và Bắc Kinh sẽ có được uy tín, ảnh hưởng lớn hơn trong các tổ chức quốc tế.
Nguy cơ thứ ba là sự lệ thuộc. Dựa vào Trung Quốc trong dịch vụ Internet và định vị vệ tinh, nhiều nước sẽ phải nỗ lực điều hành thông qua DSR vì mục đích dân sự và quân sự. Tại thời điểm hiện nay, đa phần các nước sử dụng hệ thống Bắc Đẩu đều nằm trong BRI, nhưng nhiều dịch vụ liên quan khác như giám sát lưu lượng cổng thông tin, phòng tránh, giảm thiểu thiên tai đã được Bắc Kinh cung cấp tới gần 120 nước trên toàn cầu.
Báo cáo năm 2019 của Ủy ban Giám sát Quan hệ Mỹ-Trung (USCC) cho rằng việc sử dụng bất kỳ dịch vụ nào trong “Con đường tơ lụa trên không gian” cũng đều khiến các nước phụ thuộc nhiều hơn vào hạ tầng của Trung Quốc đặt trong vũ trũ, làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ.
Cuối cùng, do đa phần các thuộc tính trong hệ thống Bắc Đẩu đều mang đặc tính thâm nhập, nên Hành lang Kĩ thuật số có thể sẽ làm trầm trọng hơn những căng thẳng, đối đầu giữa Washington và Bắc Kinh. Đã xuất hiện những lo ngại rằng dự án dựa trên nền tảng công nghệ không gian của Trung Quốc sẽ có tác động đáng kể tới lợi ích về an ninh, kinh tế và ngoại giao đối với Mỹ.
Để tạo cân bằng trước Trung Quốc, Mỹ cần tăng chi tiêu cho lĩnh vực kĩ thuật số, nâng cao một bước độ chính xác của GSP. Quy định về hạn chế mua sắm công nghệ có thể giúp giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Thực tế, ngành công nghệ bán dẫn của Mỹ đã đưa ra đề xuất trị giá 37 tỉ USD để giúp Mỹ luôn vượt trước Trung Quốc trong lĩnh vực chế tạo chip, vốn là xương sống trong công nghệ quốc phòng, AI và mạng 5G.
Để chống lại các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong không gian, Bộ Chỉ huy Không gian (SpaceCom) cần duy trì răn đe phù hợp thông qua huấn luyện, diễn tập cùng với những chính sách mới, tích cực chủ động tham gia vào các thiết chế điều hành không gian quốc tế để bảo bảo vai trò lãnh đạo của Mỹ.