Mỹ đã sẵn sàng đương đầu xung đột quân sự ở Biển Đông?

Bất kể phán quyết sắp tới của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) trong vụ Philippines kiện tính hợp pháp trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc như thế nào, các tranh chấp tại Biển Đông sẽ không biến mất trong một sớm một chiều.

Tàu sân bay Mỹ John C. Stennis thăm Phillipines hồi cuối tháng 5.

Đây là nhận định trong bài viết của hai tác giả Aaron Picozzi và Lincoln Davidson vừa đăng trên tờ “National Interest” tuần này. Theo bài viết, hoạt động quân sự ở Biển Đông đang ngày càng mở rộng, làm gia tăng nguy cơ "bên miệng hố chiến tranh" đầy nguy hiểm liên quan tới các đảo và bãi đá nằm rải rác ở vùng biển này. Dù hải quân Mỹ đã đi tiên phong trong việc phản ứng lại các hoạt động quân sự ở Biển Đông, song tác giả bài viết vẫn tin rằng các hoạt động hợp tác tuần duyên có thể góp phần làm giảm nguy cơ xung đột, trong khi vẫn đảm bảo với các đối tác của Mỹ ở khu vực này về cam kết của Washington. Mỹ cũng đã tích cực hoạt động ở Biển Đông, triển khai các chiến dịch "tự do hàng hải" gần những thực thể do Trung Quốc kiểm soát vào tháng 10/2015, tháng 1/2016 và tháng 5/2016.

Tháng 4 vừa qua, Không quân Mỹ đã bố trí 4 máy bay quân sự A-10 Warthog (loại máy bay được trang bị vũ khí hiện đại) tại Philippines, phát đi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Washington sẵn sàng đương đầu với xung đột quân sự ở Biển Đông. Ngoài ra, quân đội Mỹ cũng tăng cường đáng kể sự hiện diện của máy bay và tàu chiến nhằm trấn an các đối tác trong khu vực rằng Washington vẫn cam kết đảm bảo an ninh cho những nước này và sẵn sàng "ăn miếng trả miếng" với quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Trung Quốc tăng cường lực lượng tàu hải giám đánh dấu một bước ngoặt đối với vị thế của Mỹ. Lực lượng hải giám Trung Quốc, dù vũ trang không đủ để thách thức tàu chiến hải quân Mỹ trong một cuộc chiến trực diện nhưng vẫn có đủ khả năng tác động đáng kể đến tình thế tại Biển Đông.

Tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường USS Lassen của Mỹ tại Biển Đông. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Báo chí đã tốn nhiều giấy mực để làm rõ ràng các hoạt động bồi đắp đất đá của Trung Quốc “làm thay đổi nguyên trạng” ở Biển Đông. Tuy nhiên, các hoạt động của lực lượng hải giám Trung Quốc cũng tác động ảnh hưởng khá lớn tới tình hình ở vùng biển này. Khi các tàu hải giám đe dọa hoặc thực sự dùng vũ lực nhằm "thực thi" luật pháp Trung Quốc tại những khu vực mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đồng nghĩa với việc lực lượng này đang thực thi việc kiểm soát Biển Đông. Bên cạnh đó, tàu tuần duyên có thể giúp các chính phủ thực thi luật pháp cũng như khẳng định tuyên bố chủ quyền mà không cần tới sự xuất hiện của tàu chiến. Khả năng duy trì kiểm soát một khu vực mà không sợ bị tấn công trước mắt là chiến thuật khác hẳn với việc dùng tàu chiến của hải quân. Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất ở Biển Đông tăng cường các hoạt động của lực lượng tuần duyên. Hồi tháng 3/2016, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Indonesia đã bắt giữ một tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển của quốc gia "vạn đảo" này. Tuy nhiên, Lực lượng hải giám Trung Quốc đã kịp thời can thiệp để giải thoát cho chiếc tàu cá đó.

Việc Mỹ tiếp tục chiến thuật "phô trương sức mạnh" tại Biển Đông, giống như Trung Quốc, bằng cách triển khai các công cụ bảo vệ bờ biển sẽ là một sai lầm. Bởi khi triển khai các hành động thực thi pháp luật tại một số khu vực ở Biển Đông, nhân danh các đồng minh và đối tác khu vực, sẽ đồng nghĩa với việc thừa nhận những tuyên bố chủ quyền của các nước này. Do đó, đây là điều chính phủ Mỹ chưa muốn làm. Và dù quan hệ giữa hải quân Trung Quốc và hải quân Mỹ có căng thẳng thì hai lực lượng này vẫn tuân thủ một bộ qui định rất rõ ràng mà hải quân các nước đang dùng để xử lý các vụ chạm trán trên biển.

Chuẩn Đô đốc Mark Montgomery, Chỉ huy các chiến dịch của Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, mới đây cho rằng gần như không có khả năng những vụ chạm trán giữa các tàu quân sự sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột trên Biển Đông. Tuy nhiên, đối với các tàu dân sự lại là một câu chuyện khác. Ông Mark Montgomery nói: “Kinh nghiệm xương máu nhất của tôi là với các tàu đánh cá. Rủi ro lớn nhất chính là các tàu phi quân sự”. Theo lập luận này, bất kỳ hành động nào của hải quân Mỹ với tàu dân sự Trung Quốc sẽ là một thắng lợi về tuyên truyền của Chính quyền Bắc Kinh vì điều đó xác nhận rằng "Mỹ là bên gây hấn".

Theo tác giả bài viết, bằng việc huấn luyện và trang bị cho lực lượng biển của các đối tác trong khu vực, Mỹ có thể giúp những nước này đối phó với việc Trung Quốc kiểm soát hoạt động thương mại ở Biển Đông bằng cách tăng cường lực lượng thực thi luật pháp trên biển. Mỹ đã phối hợp với các đối tác Thái Bình Dương trong một số cuộc tập trận trước đây. Cụ thể, Mỹ đã tập trận chung với Philippines năm 2015, tham gia cuộc tập trận Balikatan năm 2016 và huấn luyện Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.
TTXVN/Tin Tức
Trung Quốc “phản đòn” về việc 2 tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông
Trung Quốc “phản đòn” về việc 2 tàu sân bay Mỹ vào Biển Đông

Ngay sau khi Mỹ tiết lộ kế hoạch đưa 2 tàu sân bay vào hoạt động ở Biển Đông, Truyền hình Trung ương Trung Quốc liền chiếu cảnh bộ đội huấn luyện sử dụng “sát thủ tàu sân bay”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN