Mạng tin "Debka" ngày 25/9 cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khởi động chính sách ngoại giao với Tehran sau khi lặng lẽ chấp nhận khả năng hạt nhân hiện nay của Iran. Sự vắng mặt của Tổng thống Iran Rouhani trong lễ đón tiếp các nguyên thủ thế giới tại Liên hợp quốc (LHQ) ngày 24/9 được xem như hành động rõ ràng nhằm tránh bắt tay người đồng cấp Mỹ Obama. Các nguồn tin Iran giải thích rằng ông Rouhani thể hiện thái độ này để nhấn mạnh giá trị mà Iran đặt ra, đó là được tôn trọng với tư cách là một bên bình đẳng trong các cuộc thương lượng sắp tới với Mỹ.
Mặc dù sử dụng ngôn từ tương đối mềm dẻo, song ông Rouhani đã không nhượng bộ về những nguyên tắc cơ bản mà Tehran đưa ra, đó là "các cường quốc chấp nhận và tôn trọng việc thực thi quyền làm giàu urani của Iran, và việc Iran được hưởng các quyền hạt nhân liên quan khác là con đường duy nhất dẫn đến khuôn khổ đàm phán để giải quyết bất đồng" giữa các bên.
Kỹ thuật viên Iran làm việc tại cơ sở nghiên cứu hạt nhân Isfahan, cách thủ đô Tehran 420km về phía nam. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tổng thống Mỹ Obama đã biết rằng "việc khước từ bắt tay" sẽ diễn ra, nhưng vẫn thông báo về cuộc hẹn trực tiếp với Iran ngày 24/9. Để tăng sức nặng cho bài phát biểu, ông Obama đã chỉ đạo Ngoại trưởng John Kerry lãnh trách nhiệm theo đuổi "các cuộc thương lượng trực tiếp" với Tehran. Trong bài phát biểu, ông Obama đã nhấn mạnh vấn đề Iran và Palestine là những trọng tâm trong chính sách Trung Đông của ông.
Tiến trình đàm phán với Iran đã được thực hiện bí mật và tích cực trong suốt hai tháng qua giữa ông Obama với nhà lãnh đạo tối cao Iran - Đại giáo chủ Ali Khamenei và ông Rouhani, trong đó Quốc vương Oman là người trung gian giữa hai bên. Ngoại trưởng Kerry đã có được sự khởi đầu chóng vánh từ bốn điểm trong thỏa thuận mà hai bên đã đạt được, gồm:
Một là, khả năng hạt nhân của Iran sẽ được duy trì trong tình trạng hiện nay. Tehran đã giữ được sự tôn trọng đối với quyền làm giàu urani và giữ lại trong nước toàn bộ kho urani, bao gồm số lượng đã được làm giàu lên cấp độ 20% (sát với cấp độ sản xuất vũ khí).
Hai là, Tehran chấp nhận mức tối đa về số lượng máy li tâm làm giàu urani tại cơ sở Natanz mà quốc tế đưa ra, mặc dù hiện nay chưa quyết định được số lượng chính xác.
Ba là, Iran sẽ ký Nghị định thư phụ về Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thực hiện các chuyến thăm không báo trước tới những điểm tình nghi bên ngoài các địa điểm hạt nhân công khai.
Nghị định thư phụ này cũng sẽ cho phép IAEA lắp đặt các camera tại các phòng đặt máy li tâm đang hoạt động, chứ không chỉ những nơi đặt urani được làm giàu. Hiện không rõ Tehran sẽ đặt điều kiện hay không về việc Israel phải ký điều khoản tương tự và cho phép thanh sát các địa điểm hạt nhân bị tình nghi của nước này.
Bốn là, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sẽ dỡ bỏ dần tất cả các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
TTK