Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới với Nga: Bước chuyển dịch có chủ ý

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/3 lại áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga, trong đó có các cơ quan tình báo của Moskva, vì cái gọi là "can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và những vụ tấn công mạng".

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn dự luật tăng cường trừng phạt Nga. Ảnh: AP

Cũng trong ngày này, Washington cũng lần đầu tiên công khai cáo buộc Nga "thực hiện một chiến dịch kéo dài ít nhất 2 năm với các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống năng lượng của Mỹ", trong đó có cả các cơ sở hạt nhân. Gần như cùng lúc, Tổng thống Mỹ cùng các nhà lãnh đạo Anh, Pháp và Đức đã ra một tuyên bố chung, tỏ rõ lập trường ủng hộ quan điểm của Anh liên quan các cáo buộc Moskva đứng sau vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergey Skripal bị đầu độc tại Anh, điều mà Moskva kiên quyết bác bỏ.

Mặc dù các nhà phân tích cho rằng tác động của những biện pháp trừng phạt mới hầu như chỉ mang tính tượng trưng, song những bước đi mới nhất của Mỹ phần nào phản ánh sự dịch chuyển trong chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với Nga sau hơn 1 năm nhậm chức. Đặc biệt, những động thái này của Mỹ càng gây chú ý khi được đưa ra ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 18/3.

Câu chuyện liên quan cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 nhằm "nghiêng" cuộc đua theo hướng có lợi cho đương kim Tổng thống Donald Trump kéo dài hơn 1 năm qua không chỉ làm rối loạn chính trường Mỹ mà còn gây căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Moskva. Dù Nga khẳng định không can thiệp vào cuộc bầu cử trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu Washington cung cấp  bằng chứng thuyết phục liên quan những cáo buộc mà Moskva coi là "hoàn toàn lố bịch và vô lý" trên, Tổng thống Mỹ Trump cũng bác bỏ cáo buộc đội ngũ tranh cử của ông câu kết với Nga, song phía Mỹ vẫn liên tiếp áp đặt biện pháp trừng phạt Nga. Trong lần trừng phạt này, những đối tượng bị Mỹ đưa vào danh sách là các công dân và các thực thể Nga đã bị Công tố viên đặc biệt của Mỹ Robert Mueller hồi tháng 2 cáo buộc "tham gia vào các âm mưu gián điệp nhằm làm nhiễu loạn chiến dịch tranh cử", bao gồm cả các cơ quan tình báo Nga, Cơ quan An ninh liên bang (FSB) và Lực lượng đặc nhiệm (GRU) và 6 cá nhân làm việc thay mặt cho GRU.

Hàng loạt diễn biến trên đã khiến một số nhà phân tích người Nga nhìn nhận về khả năng chính quyền Washington đang chuyển hướng sang lập trường mang tính đối đầu hơn với Nga. Xuyên suốt quá trình vận động tranh cử và kể từ sau khi tiếp quản Nhà Trắng cho tới trước thời điểm hiện nay, Tổng thống Donald Trump không hề giấu giếm quan điểm cải thiện quan hệ với Moskva và có lúc công khai tán dương Tổng thống Nga Vladimir Putin. Còn nhớ vào tháng 8 năm ngoái, ông chủ Nhà Trắng đã phải miễn cưỡng ký ban hành Luật trừng phạt các đối thủ của Mỹ” (H.R-3364), gồm cả Nga, vốn được lưỡng viện Quốc hội nước này thông qua trước đó. Một nhà ngoại giao giấu tên nhận định đã có "một sự chuyển dịch cân bằng" trong cách tiếp cận của chính quyền Washington đối với Moskva.

Nhà ngoại giao này cho rằng nguyên nhân của sự chuyển dịch trong chính sách của Tổng thống Trump đối với Nga phần nào do sự xung đột và bất đồng ngày càng gia tăng giữa hai nước trong nhiều vấn đề nổi cộm, đặc biệt là hồ sơ Syria và Triều Tiên, khiến Washington đang phải tính toán lại. Mặt khác, việc Nga khôi phục vị thế cường quốc lớn và thiết lập tầm ảnh hưởng tại nhiều khu vực trên thế giới trong thời gian qua rõ ràng đang tác động tới những tính toán này của Washington. Sau việc Tổng thống Mỹ trong "Chiến lược an ninh quốc gia" đưa ra hồi tháng 12/2017 công khai đưa Nga vào danh sách "đối thủ chính trị có ý đồ thách thức sức mạnh, an ninh và thịnh vượng của Mỹ", những động thái mới này dường như là cách để Mỹ "cụ thể hóa" chính sách đối đầu với Nga.

Một số nhà phân tích cũng đánh giá việc Mỹ tăng cường trừng phạt Nga và công khai cáo buộc Moskva can thiệp cuộc bầu cử Mỹ và các vụ tấn công mạng vào đúng thời điểm các nhà chính trị phương Tây, đặc biệt là Anh, cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal, nằm trong toan tính của phương Tây nhằm mở màn cho một chiến dịch tuyên truyền mới chống lại Nga. Thực tế cho thấy cho đến thời điểm hiện tại, dù cáo buộc Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal song Anh vẫn chưa thể đưa ra được bất cứ bằng chứng nào, thậm chí là một động cơ hợp lý để gán cho Nga.

Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Nga -  "nút thắt" cực kỳ nhạy cảm trong nền chính trị thế giới - đang tới gần, hàng loạt động thái "đồng thời" của phương Tây được nhìn nhận là nhằm đánh lạc hướng dư luận, gây ảnh hưởng đến giới tinh hoa Nga và bôi xấu hình ảnh nước Nga trên trường quốc tế. Như nhận định của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova: "Đây là một màn kịch tại quốc hội Anh. Kết luận đã rõ ràng: một chiến dịch thông tin-chính trị mới dựa trên sự khiêu khích".

Việc Washington gia tăng trừng phạt Moskva ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Nga được xem là một bước đi có chủ ý tạo nguy cơ khiến quan hệ giữa hai cường quốc vốn không "xuôi chèo mát mái" nay lại càng u ám hơn. Hy vọng bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ cũng đang trở nên ngày càng xa vời. Thay vào đó, sự đối đầu giữa Moskva và Washington đang có xu hướng mở rộng và gia tăng.

Phương Oanh (TTXVN)
Mỹ tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga
Mỹ tiếp tục mở rộng các biện pháp trừng phạt Nga

Ngày 15/3, Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố nước này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 19 cá nhân và 5 tổ chức của Nga, trong đó có các cơ quan tình báo của Moskva, vì cái gọi là "can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 và những vụ tấn công mạng".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN