Mục đích chuyến thăm Ấn Độ của ông Tập Cận Bình

Ngày 17/9, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm Ấn Độ trong ba ngày. Khác với thông lệ, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình không bắt đầu tại thủ đô New Delhi, mà là bang Gujarat, quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

 

Việc ông Tập Cận Bình thăm bang Gujarat trước khi tới New Delhi và đúng vào dịp sinh nhật lần thứ 64 của Thủ tướng Modi, được các học giả và giới phân tích Ấn Độ chú ý. Họ cho rằng đây có thể là một nước cờ chiến thuật của Trung Quốc nhằm tranh thủ tình cảm của Thủ tướng Modi, đồng thời thể hiện ý định tăng cường hợp tác kinh tế và đầu tư với bang phát triển đầu tàu của Ấn Độ.

 

Trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ Syed Akbaruddin cho biết, tất cả những vấn đề tồn tại giữa hai nước, kể cả vấn đề biên giới, sẽ được đưa ra thảo luận. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Liu Jianchao cũng nói với báo giới tại Bắc Kinh rằng chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ đánh dấu sự bắt đầu “một thời kỳ mới trong quan hệ Ấn-Trung”, được gắn kết bằng “sự cộng hưởng chiến lược” mạnh mẽ.

 

Thủ tướng Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình.


Tuy nhiên, theo giới quan sát tại New Delhi, hợp tác kinh tế là trọng tâm trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Chính vì vậy, tháp tùng ông, ngoài giới quan chức, còn có một phái đoàn hùng hậu hơn 100 nhân vật đứng đầu các doanh nghiệp, trong đó có những công ty lớn như China Harbour, China Railway Construction Group, Huawei và bốn ngân hàng lớn gồm Ngân hàng Trung Quốc (BoC), Ngân hàng thương mại và công nghiệp Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng xây dựng Trung Quốc (CCB) và ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc (ABC).

 

Theo báo “the Hindu”, trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, hai bên dự kiến sẽ ký khoảng 20 thỏa thuận và văn bản ghi nhớ (MoU), trong đó có các thỏa thuận liên quan đến phát triển hạ tầng, thành lập các “thành phố công nghiệp”, phát triển tàu cao tốc, hợp tác văn hóa… Báo này dẫn lời Tổng lãnh sự Trung Quốc tại thành phố Mumbai Liu Youfa cho biết, dự kiến trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc sẽ công bố khoản đầu tư 100 tỷ vào Ấn Độ, chủ yếu tập trung vào các dự án phát triển hạ tầng, thành lập khu công nghiệp, phát triển đường sắt cao tốc, đường bộ, hải cảng, phát điện, phân phối và truyền tải điện, ô tô, chế tạo, chế biến thực phẩm và công nghiệp dệt…


Theo dự kiến, ban đầu Trung Quốc sẽ đầu tư 7 tỷ USD vào các khu công nghiệp tại thành phố Pune và Gandhinagar. Khu công nghiệp Pune rộng 5 km2, với vốn đầu tư 5 tỷ USD, sẽ là nơi chế tạo xe máy, sử dụng khoảng 100.000 nhân công. Khu công nghiệp Gandhinagar thuộc bang Gujarat sẽ sản xuất thiết bị điện. Trung Quốc cũng đang hướng tới thành lập một khu công nghiệp tại bang Tamil Nadu cho lĩnh vực dệt và một khu công nghiệp khác để chế biến thực phẩm.

 

Cảnh sát Ấn  Độ thắt chặt an ninh trước một khu vực tại  Ahmadabad trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Ảnh: AP


Ngay sau khi lên cầm quyền tháng 5/2014, Chính phủ do Thủ tướng Modi đứng đầu, đã tập trung nỗ lực phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Phát triển hạ tầng, trong đó có kế hoạch xây dựng các hành lang công nghiệp, xây dựng 100 “thành phố thông minh”, nâng cấp hệ thống đường sắt - đã được phép thu hút 100% đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) - phát triển đường bộ, hải cảng…là những ưu tiên trong chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ mới.

 

Ngày 12/9, Thủ tướng Modi đã rà soát, đánh giá lại các lĩnh vực hạ tầng lớn và kêu gọi cả nước tập trung nỗ lực tiến khai các dự án phát triển hạ tầng tầm cỡ thế giới. Với các dự án đồ sộ như vậy, Ấn Độ rất cần vốn đầu tư và công nghệ của nước ngoài. Bên cạnh khoản đầu tư 35 tỷ USD mà Nhật Bản vừa cam kết sẽ đầu tư vào Ấn Độ trong vòng 5 năm tới, khoản đầu tư lớn mà Trung Quốc dự định công bố trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình sẽ giúp Ấn Độ triển khai các dự án đang khát vốn. Có thể ông Tập Cận Bình cũng sẽ thuyết phục Thủ tướng Modi đưa Ấn Độ tham gia “sáng kiến” phục hồi “con đường tơ lụa” cổ xưa trên biển nhằm tăng cường thương mại.

 

Tuy nhiên, theo nhận định của ông  Jayadeva Ranade, thành viên Ban cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, Chủ tịch Trung tâm phân tích và chiến lược Trung Quốc (CCAS), các mục tiêu trong chuyến thăm Ấn Độ lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc là làm quen với ban lãnh đạo mới của Ấn Độ; “quản lý” mối quan hệ Trung-Ấn và ngăn chặn Ấn Độ liên kết với Mỹ và Nhật Bản để kiềm chế Trung Quốc. Kinh tế sẽ là vấn đề chính trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, đặc biệt vấn đề bất cân bằng thương mại hiên đang nghiêng về phía có lợi cho Trung Quốc.  

 

Sự liên kết kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc với Ấn Độ sẽ vì lợi ích của hai bên, đồng thời tạo nên một “hành lang” thân Trung Quốc trong giới doanh nghiệp Ấn Độ. Song quan hệ kinh tế phát triển mạnh chưa hẳn sẽ chuyển thành những mối quan hệ song phương tốt. Theo ông Ranade, cam kết vừa qua của Nhật Bản đầu tư 35 tỷ USD vào Ấn Độ trong 5 năm tới được coi là nghiêm túc hơn cam kết của Trung Quốc. Do đó, Ấn Độ cần xác định nhanh chóng và rõ ràng các dự án hạ tầng và những dự án khác cho đầu tư của Trung Quốc, trong khi phải cẩn thận cách li công ty Trung Quốc khỏi những khu vực “nhạy cảm”.

 

Các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ ở khu vực biên giới dọc Ranh giới kiểm soát thực tế (LAC), yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ tiếp tục là rào cản trong quan hệ song phương. Dù là người khâm phục những thành công kinh tế của Trung Quốc ngay từ khi còn làm Thủ hiến bang Gujarat, Thủ tướng Modi không thể xem nhẹ chủ quyền quốc gia. Về mặt chiến thuật, Trung Quốc và Ấn Độ có thể khai thác tiềm năng và bổ trợ cho nhau trong phát triển kinh tế, song hai nước khó lòng gạt bỏ những nghi kị lẫn nhau, cho dù hai bên đã có những nỗ lực lớn để xây dựng lòng tin.



Minh Lý (P/V TTXVN tại Ấn Độ)

Ấn Độ hy vọng giải quyết các tồn tại với Trung Quốc
Ấn Độ hy vọng giải quyết các tồn tại với Trung Quốc

Ấn Độ hy vọng trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hai bên sẽ thảo luận “tất cả những vấn đề tồn tại” trong quan hệ song phương, trong đó có bất đồng biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN