Một thoả thuận hạt nhân Iran là thắng lợi với Mỹ

Một thỏa thuận ban đầu về chương trình hạt nhân của Iran đang nằm trong tầm tay khi các cuộc đàm phán được nối lại tại Geneva ngày 20/11. Theo Reuters, thỏa thuận với Iran sẽ là một chiến thắng với Mỹ khi xét tới lợi ích an ninh của nước này và các đồng minh tại Trung Đông.

Nguồn tin trên khẳng định, việc chấp nhận thỏa thuận nói trên với Iran cũng là bước đột phá không chỉ giúp giải quyết chương trình hạt nhân của Iran mà còn mang lại giải pháp chính trị cho vấn đề Syria, cũng như các cuộc thảo luận rộng rãi hơn về vấn đề an ninh khu vực Trung Đông và cuối cùng Mỹ không cần phải tính đến một hành động quân sự tiềm năng đầy tốn kém và nguy hiểm.

Các đối tác tham gia cuộc đàm phán tại Geneva về vấn đề hạt nhân của Iran. Ảnh: AFP/TTXVN.


Theo đó, quá trình thảo luận sẽ diễn ra qua 2 giai đoạn: giai đoạn 1 xoay quanh thỏa thuận ban đầu theo dự thảo mà Nhóm P5+1 (gồm Đức và 5 nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc) đề xuất; tiếp theo là giai đoạn 2, kéo dài 6 tháng để thương lượng về thỏa thuận cuối cùng.

Nội dung của thỏa thuận ban đầu gồm tăng cường các cuộc thanh sát và giám sát các cơ sở hạt nhân của Iran, các hạn chế mới đối với việc làm giàu urani (trong đó có việc ngừng làm giàu urani ở cấp độ 20%, đóng băng các máy li tâm và dừng sản xuất các bó nhiên liệu tại nhà máy nước nặng Arak). Đổi lại, phương Tây chấp nhận cắt giảm các biện pháp trừng phạt có tổng trị giá dưới 10 tỷ USD.

Theo các nhà phân tích, dự thảo thỏa thuận ban đầu có khả năng tạo ra đột phá trong việc giải quyết chương trình hạt nhân Iran và làm thay đổi hơn ba thập kỷ thù địch trong khu vực. Mỹ cần đáp ứng mong muốn của Iran trong việc chấm dứt hoàn toàn các biện pháp trừng phạt. Để giảm nhẹ các lệnh trừng phạt có trong Đạo luật trừng phạt Iran, Tổng thống Mỹ Barack Obama cần xác nhận trước Quốc hội rằng Iran đã ngừng tìm kiếm các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngừng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và không còn đe dọa đến lợi ích của Mỹ và các nước đồng minh.

Mặc dù có một số tiến bộ đã đạt được tại Geneva, nhưng một số thành viên trong Quốc hội Mỹ lại đang kêu gọi áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với Iran như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham -  người cũng đã ám chỉ một dự luật cho phép thực hiện hành động quân sự chống lại Iran, Thượng nghị sĩ Robert Menendez và Bob Corker. Các nghị sĩ này cho rằng phải tăng cường trừng phạt kinh tế để khiến Iran phải nhượng bộ hơn nữa. Thực vậy, Quốc hội Mỹ tuyên bố rằng các điều khoản trong thỏa thuận ban đầu trên đã hạ thấp vị thế ngoại giao của Mỹ và đưa ra những lời đe dọa nhằm khiến Iran rời xa bàn đàm phán.

Ngoài ra còn có những trở ngại lớn khác nữa chính là Pháp, Israel và Saudi Arabia. Tại Pháp, có một số nhân vật chủ chốt đang kiểm soát ván bài chiến lược trong vấn đề hạt nhân của Iran như Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius và Nghị sĩ Meyer Habib. Hai ông này đang tìm cách làm chệch hướng các cuộc đàm phán tại Geneva vì những quan ngại an ninh của Israel bằng cách đưa ra những thông điệp mang tính chất đe dọa như phía Israel sẵn sàng tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran nếu các bên đạt được thỏa thuận tại Geneva.


Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã vận động chống lại thỏa thuận do P5+1 đề xuất với lý do văn bản này dỡ bỏ quá nhiều biện pháp trừng phạt và không giúp làm chậm chương trình hạt nhân của Iran. Trước những lo lắng của Israel, Saudi Arabia và các đồng minh khác, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers cho rằng hiện còn "quá sớm" để đi đến một thỏa thuận và "với một vòng trừng phạt mới, chúng ta sẽ nhận được một cái gì đó có ý nghĩa".

Tuy nhiên, nếu các cuộc đàm phán tại Geneva tiếp theo thất bại, điều đó không có nghĩa là ván bài đã chấm dứt. Nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn các cuộc đàm phán tại Geneva đạt được tiến bộ, họ nên kiềm chế những thế lực nhất định trong nhóm P5+1 để Pháp không có quyền ngăn chặn hay can thiệp vào đàm phán. Thế giới vẫn đang chờ dấu hiệu quyết định này từ Washington.


Công Thuận
Quốc tế lên án vụ đánh bom Đại sứ quán Iran tại Liban
Quốc tế lên án vụ đánh bom Đại sứ quán Iran tại Liban

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Tổng Thư ký Ban Ki-moon đã lên án mạnh mẽ vụ đánh bom kép vào Đại sứ quán Iran tại Beirut làm 23 người chết và gần 150 người bị thương, đồng thời kêu gọi Liban đứng ngoài cuộc xung đột ở Syria.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN