Mối lo khủng bố hiện hữu đe dọa khu vực Đông Nam Á

Sau nhiều động thái đáng lo ngại của một số tổ chức Hồi giáo cực đoan, nguy cơ về khủng bố tại Indonesia nói riêng và ở khu vực Đông Nam Á đã bùng lên sau thời gian dài âm ỉ.


Cảnh sát Indonesia điều tra tại hiện trường vụ tấn công liên hoàn ngày 14/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Người ta đã nhìn thấy nhiều mối lo tiềm ẩn đằng sau những động thái có vẻ âm thầm của các tổ chức cực đoan tại một số quốc gia trong khu vực.

Tại Indonesia, hoạt động của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng lan rộng đã khiến giới chức nước này lo ngại. Thêm vào đó là mạng lưới của tổ chức cực đoan Jemaah Islamyiah (JI) đang trỗi dậy với những bằng chứng về việc tuyển mộ, đào tạo, lập mạng lưới và xây dựng tài chính. Giới chức nước này cho hay hiện số lượng các tay súng thuộc JI đã lên tới khoảng 2.000, ngang bằng thời điểm xảy ra vụ đánh bom đẫm máu ở khu nghỉ dưỡng Bali hồi năm 2002.

Tại các nước trong khu vực cũng có nhiều diễn biến đáng ngại: 4 nhóm cực đoan Philippines, trong đó có tổ chức khủng bố khét tiếng Abu Sayiaf, đã sáp nhập lại với nhau và tuyên bố sẽ trở thành một chi nhánh của IS ở khu vực này. Thái Lan đã nằm trong danh sách đáng chú ý của lực lượng khủng bố bởi đây là điểm đến tập trung nhiều khách du lịch phương Tây. Trong khi giới chức Malaysia thừa nhận nước này có hơn 130 công dân đang ở Syria và Iraq để tham chiến trong hàng ngũ của IS.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh các lực lượng IS bị suy yếu ở Syria và Iraq, thì Đông Nam Á, trung tâm Hồi giáo lớn thứ hai thế giới sau khu vực Trung Đông với hơn 250 triệu tín đồ, đang có xu hướng trở thành địa bàn hoạt động tiềm tàng của IS, đồng thời là một trong những nguồn tuyển mộ quân quan trọng của tổ chức này.

Sự cực đoan hóa của thanh niên

Chủ nghĩa cực đoan ở thanh niên, trong đó có thanh niên Hồi giáo là một xu hướng đã xuất hiện từ nhiều năm trước và ở nhiều khu vực thế giới. Hiện nay, chủ nghĩa cực đoan ở thanh niên đang ngày càng hiện hữu và trở thành một mối đe dọa đầy nguy cơ. Và tất nhiên, theo logic thì vấn nạn về tư tưởng này nếu không được kiểm soát sẽ  không chỉ là mối nguy trước mắt trong vài ba năm, mà sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cả một thế hệ hoặc nhiều thế hệ và gây nhiều hệ lụy khó lường.

Tại Indonesia, các thông tin tình báo cho thấy, hiện nay nhóm JI  đã không còn hoạt động theo phương cách xuyên quốc gia mà chuyển hướng tập trung hoạt động ở Indonesia  nhằm lôi kéo nhiều người ủng hộ hệ tư tưởng và tham vọng của lực lượng này. Về hệ tư tưởng, chúng áp dụng các nguyên lý Hồi giáo cổ xưa, sử dụng những yếu tố cực đoan nhất hoặc cố tình bóp méo, xuyên tạc các giáo lý theo hướng phục vụ ý đồ của mình. Nguy hiểm hơn là việc chúng tuyên bố đấu tranh cho đạo Hồi chỉ là cái cớ để biện minh cho các hoạt động tội phạm tàn ác đang gieo rắc nỗi kinh hoàng ở nhiều khu vực. Trong khi đó, thật khó khăn để Indonesia có thể kiểm soát việc sử dụng Internet và các tiếp xúc độc hại đối với những  người trẻ tuổi, mặc dù trong thời gian qua, nước này đã nỗ lực rà soát và chặn nhiều trang web cực đoan.

Cảnh sát Indonesia làm nhiệm vụ trong chiến dịch truy quét tại Malang, Đông Java ngày 20/1. Ảnh: AFP/TTXVN

Tìm giải pháp gốc rễ

 Kể từ sau vụ khủng bố ở Bali năm 2002, Indonesia đã tăng cường các biện pháp an ninh và siết chặt các quy định về chống khủng bố. Đặc biệt là từ giữa năm ngoái, nước này đã mở rộng các cuộc truy quét, bố ráp ở nhiều khu vực nhằm loại bỏ các nguy cơ khủng bố đã được cảnh báo. Lực lượng chống khủng bố đã bắt giữ hàng trăm đối tượng tình nghi theo phong trào Hồi giáo thánh chiến cực đoan, tịch thu nhiều vũ khí, tài liệu về thánh chiến Hồi giáo. Các chiến dịch diễn tập chống khủng bố cũng thường xuyên được tiến hành. Mới đây nhất, cuối tháng 2 vừa qua, cảnh sát và binh sĩ lục quân Indonesia đã tiến hành cuộc diễn tập chống khủng bố quy mô lớn ở thành phố Banda Aceh, thủ phủ của tỉnh Aceh.

Chính phủ Indonesia cũng đã trình dự thảo luật chống khủng bố mới lên quốc hội. Trong đó quy định một cá nhân bị tình nghi lên kế hoạch tiến hành một hành động khủng bố có thể bị tạm giam tới 6 tháng mà không cần buộc tội.

Ngoài ra, Indonesia xác định một trong những nguyên nhân sâu xa của tư tưởng cực đoan là xuất phát từ đói nghèo. Một số người có cuộc sống cùng quẫn và mang cảm giác bị gạt ra bên lề của xã hội, chính là những đối tượng dễ bị lôi kéo, bị tuyên truyền bởi những tư tưởng lệch lạc, cực đoan. Mới đây, Indonesia đã quyết định tăng ngân sách cho nhiều địa phương nhằm xóa đói, giảm nghèo thông qua việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Theo đó, nguồn ngân sách dành cho quỹ nông thôn trong năm nay đã được chính phủ Indonesia tăng gấp đôi so với năm trước, lên tới 47.000 tỷ Rupiah, tương đương khoảng 3,51 tỷ USD. Dự kiến chủ trương này sẽ được Indonesia tiếp tục theo đuổi trong những năm tiếp theo và ngân sách của quỹ nông thôn sẽ lên tới khoảng 26 tỷ USD sau 4 năm nữa. Chính phủ Indonesia tin rằng phương cách này sẽ phát huy hiệu quả chống khủng bố từ gốc rễ, trước hết là giúp người dân tránh xa các tư tưởng cực đoan.

Trước nguy cơ khủng bố gia tăng, hàng loạt biện pháp an ninh cũng được thắt chặt tại Philippine, Thái Lan, Singapore, Malaysia. Các giải pháp về xã hội cũng được các nước quan tâm như Singapore tập trung cho phát triển và giáo dục, đồng thời lên kế hoạch thực thi hàng loạt biện pháp nhằm bảo đảm sự hòa hợp giữa các sắc tộc và tôn giáo…

Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Jakarta)
Vụ tấn công ở Jakarta chứng thực mối lo ngại của Đông Nam Á về IS
Vụ tấn công ở Jakarta chứng thực mối lo ngại của Đông Nam Á về IS

Vụ tấn công liều chết "kiểu Paris" ở thủ đô Jakarta đã xác nhận mối lo ngại những công dân chiến đấu trong IS ở Trung Đông có thể trở về tiến hành các cuộc tấn công tại quê nhà Đông Nam Á.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN