Trong chuyến công tác tới Hong Kong tháng 11 năm ngoái, ông đã trực tiếp được nghe người đứng đầu chính quyền Hong Kong Lương Chấn Anh nói rằng Đặc khu hành chính này hoàn toàn có thể trở thành “trạm siêu kết nối” trong sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc. Tuy nhiên theo tác giả, Thổ Nhĩ Kỳ mới là một mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cả trên biển và đất liền của Trung Quốc. Ông đưa ra một loạt dẫn chứng thuyết phục trong bài viết đăng trên trang mạng www.asiapacific.ca gần đây của Canada.
Theo bài viết, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố chiến lược thương mại Con đường Tơ lụa Mới năm 2013, luật sư Rod Kirkham và nhiều nhà quan sát nước ngoài khác liên tưởng ngay đến các tuyến đường thương mại cũ nối Trung Quốc với châu Âu và những câu chuyện xung quanh chúng. Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc bao gồm hai tuyến: Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa Mới (nối Trung Quốc với châu Âu) và Con đường Tơ lụa trên Biển (nối Trung Quốc với Đông Nam Á, châu Phi và châu Âu). Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang trong quá trình hoàn thiện Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm lần thứ 13 đề ra lộ trình rõ ràng cho các ưu tiên và sáng kiến chính sách của nước này trong 5 năm tới. Nhưng dù kế hoạch đó như thế nào thì một điều chắc chắn là tất cả các nước nằm dọc hai tuyến vành đai đều có vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa sáng kiến liên kết kinh tế đầy tham vọng của Bắc Kinh. Tất nhiên, trong đó sẽ có những nước nắm vai trò chính và Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số đó.
Tác giả Rod Kirkham cho rằng ngoài việc có vị trí địa lý đắc địa là vùng đất nối liền châu Á với châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ còn có nhiều lợi thế khác trong việc thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.
Thứ nhất, Thổ Nhĩ Kỳ có ảnh hưởng khá nhiều với các quốc gia ở Trung Á vốn cũng nằm trên cung đường “Một vành đai, Một con đường” đi qua. Khi đưa ra sáng kiến này, điều đầu tiên Trung Quốc phải tính đến là các quốc gia Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan. Cả 5 nước cộng hòa này, đặc biệt là Kazakhstan, vẫn đang chịu ảnh hưởng lớn cả về kinh tế và chính trị từ Nga thông các công cụ như Liên minh Kinh tế Á – Âu và các hoạt động của 4 tập đoàn dầu khí lớn là Gazprom, Lukoil, Transneft và Rosneft. Do vậy, “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa mới” của Trung Quốc chắc chắn sẽ bị Nga coi là mối đe dọa đối với ảnh hưởng của nước này ở Trung Á và Bắc Kinh cần phải lường trước kịch bản có thể bị Moskva ngăn cản. Ngoài ra, dù các nước Trung Á có nhận các khoản hỗ trợ tài chính và đầu tư của Trung Quốc cho phát triển cơ sở hạ tầng, họ vẫn luôn nghi ngại việc hội nhập và đây sẽ trở thành bài toán khó cho Trung Quốc nếu nước này quá nóng vội thúc đẩy sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”.
Trong một bình luận mới đây cho Trung tâm Ngiên cứu phương Đông, chuyên gia chính sách đối ngoại của Nga Marcin Kaczmarski đã chỉ ra rằng: “Ý tưởng Con đường Tơ lụa Mới là một công thức được Trung Quốc sử dụng linh hoạt trong các cuộc đối thoại với nhiều nước khác nhau. Khái niệm rất rộng của ý tưởng này giúp Trung Quốc xoa dịu những quan ngại của các quốc gia về tốc độ mở rộng kinh tế và sự quyết đoán trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, đặc biệt với các nước láng giềng”. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ phải mất rất lâu mới thuyết phục và chỉ ra được cho các quốc gia Trung Á về những lợi ích do sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” đem lại, cho dù Bắc Kinh có viện đến cơ sở tham chiếu là mối quan hệ song phương mạnh mẽ với Thổ Nhĩ Kỳ thông qua các hoạt động kết nối trong “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa Mới”.
Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ chung về lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo và văn hóa với các quốc gia Trung Á. Thổ Nhĩ Kỳ cũng nước đầu tiên công nhận độc lập, thiết lập quan hệ ngoại giao và mở đại sứ quán ở 5 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vào đầu những năm 1990s. Đến nay, Ankara đã ký hàng loạt thỏa thuận và nghị định thư hợp tác với từng nước và các tổ chức trong khu vực để tập hợp sự ủng hộ thông qua thúc đẩy “quyền lực mềm”. Những thỏa thuận đa phương giữa Thổ Nhĩ Kỳ với 5 quốc gia Trung Á và sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy an ninh và phát triển kinh tế ở Trung Á trong tương lai. |
Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ là một thị trường lớn cho hàng hóa và đầu tư của Trung Quốc. Để đối phó với các vấn đề trong nước hiện nay như dư thừa năng lực sản xuất, Trung Quốc phải tìm cách thông qua sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” để tiếp cận các thị trường Tây Âu, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong thời điểm hiện tại và trước mắt, Thổ Nhĩ Kỳ có đặc điểm nhân khẩu học lý tưởng để có thể trở thành thị trường hấp dẫn cho hàng hóa Trung Quốc một khi các tuyền đường thương mại được hình thành. Dân số Thổ Nhĩ Kỳ trên 75 triệu người với một nửa dưới 30 tuổi. Mỗi năm nước này tăng xấp xỉ 1 triệu người và là quốc gia có tốc độ tăng dân số nhanh nhất châu Âu. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những chỉ số kinh tế vàng như có khoảng 27 triệu người lao động, thu nhập bình quân đầu người trên 19.000 USD, GDP tăng 4%/năm và kinh tế chiếm 1,29% kinh tế thế giới.
Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ còn có ngành công nghiệp xây dựng lớn thứ hai thế giới với các tập đoàn gia đình hoạt động mạnh không chỉ trong ngành này mà còn trên nhiều lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, năng lượng, khai mỏ và truyền thông. Môi trường kinh doanh tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng rất thuận lợi cho việc thiết lập hợp tác kinh tế giữa hai nước và góp phần viết lên những câu chuyện thành công của sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Một ví dụ gần đây là dự án liên doanh đầu tư 940 triệu USD của tập đoàn Cosco Pacific (Trung Quốc) vào Khu liên hợp Cảng Ambarli ở biển Marmara. Đối tác liên doanh của Cosco Pacific là Fina Liman Holding, một tập đoàn gia đình ở Thổ Nhĩ Kỳ có thâm niên hoạt động trong lĩnh vực cảng biển.
Tuy nhiên, cơ hội cho các bên tham gia khác cũng còn rất nhiều. Tác giả Rod Kirkham dẫn ra ví dụ Hong Kong. Ông cho rằng đặc khu hành chính sẽ được tiếp cận với các cơ hội kinh doanh lớn từ sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” và trở thành “bên xúc tác” trong hoạt động gọi vốn và đầu tư từ phương Tây. Hong Kong có thế mạnh là một trong những trung tâm tài chính - thương mại lớn của thế giới, hoạt động trên nền tảng hệ thống pháp lý giống phương Tây, nhưng cũng hiểu rất rõ các cách thức hoạt động và hệ thống pháp lý khác biệt của Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà đầu tư phương Tây thường gặp nhiều khó khăn với cách thức kinh doanh và hệ thống pháp lý của Trung Quốc, mà đảm bảo an toàn đầu tư luôn là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Hong Kong được xem như cầu nối quan trọng giúp Trung Quốc gọi vốn và xây dựng cấu trúc pháp lý thu hút đầu tư nước ngoài cho sáng kiến đầy tham vọng hiện nay.
Cũng theo Rod Kirkham, trong tương lai các nhà đầu tư phương Tây sẽ tìm thấy nhiều cơ hội khi tham gia sáng kiến “Một vành đai, Một con đường”. Việc tập đoàn Bombardier Inc. của Canada ký hợp đồng sản xuất 80 tàu tốc hành cho Thổ Nhĩ Kỳ và hợp đồng đầu tư chuyển giao công nghệ trị giá 100 triệu CAD cho dự án đường sắt cao tốc giúp Ankara mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc lên 4.000 km vào năm 2023 (nhân 100 năm ngày thành lập nước) là một ví dụ minh họa cho những cơ hội như vậy.
Tất nhiên, để nắm bắt được các cơ hội từ sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc, điều quan trọng nhất là phải hiểu rằng đây là “chất xúc tác” để thúc đẩy liên kết kinh tế và kết nối cơ sở hạ tầng giữa các nước. Yêu cầu đặt ra chỉ là cần nguồn lực đầu tư lớn. Điều này trái ngược với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu, vốn đòi hỏi các nước thành viên phải thông qua các điều luật mới cho thương mại toàn cầu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời tuân thủ một loạt tiêu chuẩn do Mỹ đặt ra để có thể mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường châu Á. Trong năm 2014, Trung Quốc đã hình thành khuôn khổ tài chính cho sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” với việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) và Quỹ Con đường Tơ lụa kiểu mới 40 tỷ USD. Các thể chế tài chính của Trung Quốc sẽ đi đầu trong việc cấp tiền cho các dự án thuộc sáng kiến và đến nay, Ngân hàng Trung Quốc và CITIC đã lần lượt cam kết đầu tư 100 tỷ USD và 113 tỷ USD. Các ngân hàng thương mại khác cũng đang muốn theo chân. Có thể thấy Trung Quốc đang quyết tâm đổ một lượng tiền lớn vào sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” - một sáng kiến được ví như Kế hoạch Marshall của Mỹ sau Thế chiến II.