Đúng là Triều Tiên cực kỳ nhạy cảm trước COVID-19, nếu biết rằng một đợt bùng phát trên diện rộng sẽ trở thành thách thức quá lớn đối với hệ thống y tế của nước này.
Tuy nhiên, Triều Tiên trước đây cũng đã sử dụng các sự kiện thể thao lớn để thiết lập ngoại giao với Mỹ nhằm đạt được những biện pháp nới lỏng trừng phạt cần thiết để đổi lấy cam kết giải trừ hạt nhân. Vì thế, một số nhà phân tích cho rằng việc Triều Tiên rút khỏi Thế vận hội là nhằm gửi tới Washington một thông điệp.
Nỗi sợ chính đáng trước COVID
Một trang web nhà nước của Triều Tiên ngày 6/4 cho biết Ủy ban Olympic Triều Tiên đã quyết định không tham gia Thế vận hội Tokyo dự kiến bắt đầu vào tháng 7 tới "để bảo vệ các vận động viên khỏi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng thế giới do COVID-19 gây ra”.
Triều Tiên trước đó đã từng tẩy chay Thế vận hội và các sự kiện thể thao quốc tế khác vì lý do chính trị hoặc không giành được quyền tham dự khi không có vận động viên hoặc đội tuyển nào của họ lọt vào Thế vận hội.
Nhưng đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng rút khỏi sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh, với lý do lo ngại đại dịch COVID-19.
Theo hãng tin AP, Bình Nhưỡng vốn nổi tiếng với việc rút khỏi các cuộc đàm phán với Seoul và Washington rồi quay lại vào phút cuối để thúc đẩy vị thế thương lượng của mình. Nhưng do quốc gia này đang cảnh giác cao độ với COVID-19, các chuyên gia cho rằng có rất ít khả năng họ sẽ đảo ngược quyết định rút khỏi Thế vận hội của mình vào giờ chót.
Park Won Gon, Giáo sư nghiên cứu về Triều Tiên tại Đại học Ewha Womans, Seoul/Hàn Quốc, cho rằng Triều Tiên đã thể hiện tâm lý cực kỳ đề phòng trước dịch COVID sau khi nước này tuyên bố áp dụng hệ thống chống dịch khẩn cấp từ tháng 1/2020.
Ông Park nhận định rất khó có khả năng Triều Tiên sẽ đảm bảo đủ vaccine cho 26 triệu dân hoặc đạt được tiến bộ lớn trong cuộc chiến chống COVID trước tháng 7, thời điểm diễn ra Olympics Tokyo.
Theo giới chuyên gia, các quan chức Triều Tiên hiểu rằng một đợt bùng phát dịch lớn sẽ thảm khốc như thế nào ở một quốc gia có cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe cộng đồng thiếu thốn trong nhiều thập kỷ. Cho đến nay, Triều Tiên đã thực hiện một số bước đi chống dịch hà khắc nhất thế giới, bao gồm cả việc đóng cửa tất cả các đường biên giới quốc tế kéo dài 15 tháng và cấm nhập cảnh với toàn bộ người nước ngoài.
Về mặt chính thức, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố chưa ghi nhận một ca COVID-19 nào, một khẳng định gây tranh cãi với nhiều chuyên gia nước ngoài.
Ông Seo Yu-Seok tại Viện Nghiên cứu Triều Tiên có trụ sở tại Seoul cho biết quyết định bỏ qua Thế vận hội của Triều Tiên cho thấy nước này “nghĩ rằng tiếp xúc với người nước ngoài là điều nguy hiểm nhất hiện nay".
Thông điệp với Washington
Thông báo của Triều Tiên, được đưa ra 3 tháng trước khi Thế vận hội bắt đầu, có thể báo hiệu rằng Bình Nhưỡng đang phản bác việc Seoul liên tục thúc đẩy sử dụng Thế vận hội để tạo tâm thế đối thoại. Nó cũng có thể cho thấy quyết tâm của Bình Nhưỡng trong tăng cường sức ép đối với chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Kwak Gil Sup, người đứng đầu One Korea Center, một trang web chuyên về các vấn đề Triều Tiên, nhận định Bình Nhưỡng đang gửi thông điệp rằng họ muốn đối phó trực tiếp với Mỹ ngay bây giờ thay vì sử dụng Thế vận hội như một địa điểm để tiếp cận với Washington trong đàm phán.
Các cuộc đàm phán hạt nhân - hiện đang bế tắc giữa Bình Nhưỡng và Washington - đã bắt đầu vào năm 2018 nhờ một cuộc hoà giải sau khi Triều Tiên tham gia Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang ở Hàn Quốc vào đầu năm đó.
Tại kỳ Thế vận hội đó, các vận động viên hai miền Triều Tiên đã cùng nhau diễu hành dưới một lá cờ thống nhất trong lễ khai mạc và thành lập đội tuyển chung đầu tiên của bán đảo Triều Tiên ở môn khúc côn cầu trên băng dành cho nữ.
Bà Kim Yo-jong, người em gái có ảnh hưởng lớn của nhà lãnh đạo Kim Jong Un, khi đó cũng đã trở thành thành viên cấp cao đầu tiên trong chính quyền Triều Tiên đến thăm Hàn Quốc kể từ khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53 kết thúc.
Tuy nhiên, đã có rất ít tiến bộ đạt được trong các cuộc đàm phán hạt nhân hai năm qua. Triều Tiên gần đây đã bắn hai quả tên lửa đạn đạo ra biển trong vụ thử vũ khí đầu tiên trong một năm. Cùng lúc, bà Kim Yo-jong đã cảnh báo Washington không nên “gây sự trước” và gọi Tổng thống Hàn Quốc là “một con vẹt được Mỹ nuôi”.
Các chuyên gia cho rằng Triều Tiên muốn đàm phán với chính quyền Tổng thống Biden để giành được nới lỏng trừng phạt và đi đến quan hệ tốt hơn vì nền kinh tế của nước này đã bị tàn phá bởi đại dịch, các lệnh trừng phạt và thảm họa thiên nhiên vào năm ngoái.
Nhà phân tích Seo cho biết Triều Tiên có thể không chắc chắn về lợi ích của việc tham dự Thế vận hội Tokyo vì Tổng thống Biden đã nói rõ rằng ông sẽ không tham gia các hội nghị thượng đỉnh “dành riêng cho truyền hình” với ông Kim Jong-un như người tiền nhiệm Donald Trump đã làm.
“Họ biết rằng họ sẽ trở về tay không từ Tokyo,”, ông Seo nói.
Tuy nhiên, những khó khăn trong nước của Triều Tiên có thể thúc đẩy nước này sớm theo đuổi các cuộc đàm phán với Mỹ. Ông Seo cho biết Bình Nhưỡng có thể thực hiện các vụ thử vũ khí lớn, chẳng hạn như phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, trong những tháng tới nếu họ không hài lòng với việc xem xét chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Biden.