Lần gần đây nhất một bộ trưởng Ấn Độ tới thăm Triều Tiên là vào tháng 9/1998. Ở thời điểm đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Ấn Độ Mukhtar Abbas Naqvi đã đến Bình Nhưỡng dự liên hoan phim.
Nhưng ngày 17/5 vừa qua, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Vijay Kumar Singh đồng thời là cựu tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ đã đến Bình Nhưỡng và gặp gỡ nhiều quan chức chính quyền Triều Tiên. Các cuộc trao đổi chủ yếu tập trung vào hợp tác chính trị, tôn giáo, kinh tế, giáo dục và văn hóa giữa hai quốc gia.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Ấn Độ Vijay Kumar Singh. Ảnh: AFP |
Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Mỹ trong tháng 6. Trước đó, hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 đã được tổ chức ngày 27/4.
Vậy tại sao Ấn Độ lại chọn thời điểm này cử quan chức cấp bộ tới Triều Tiên? Có ý kiến cho rằng Ấn Độ không muốn bị bỏ lại trong biến động ngoại giao mới hoặc đang hỗ trợ cho Mỹ trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang “lung lay” khi Bình Nhưỡng lên tiếng cho biết có thể rút khỏi sự kiện này.
Nhà nghiên cứu Prashant Kumar Singh tại Viện nghiên cứu và phân tích Quốc phòng ở Delhi cho rằng có thể Mỹ đang tìm kiếm sự ủng hộ từ Ấn Độ để đảm bảo rằng hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên dự kiến tổ chức trong tháng 6 tới được bảo toàn.
Tuy nhiên, đài BBC (Anh) cho biết trên thực tế Ấn Độ và Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao được 45 năm. Cả hai quốc gia đều đặt đại sứ quán ở nước bạn. Ngoài ra, Bình Nhưỡng và Delhi cũng từng tổ chức chương trình trao đổi văn hóa, thống nhất về hợp tác khoa học và công nghệ. Ấn Độ cũng đã gửi lương thực tới Bình Nhưỡng theo một chương trình của Liên hợp quốc. Vào năm 2004, sau khi Ấn Độ phải hứng chịu trận sóng thần nhiều tổn thất, Triều Tiên còn quyên góp 30.000 USD cho Ấn Độ.
Mặc dù lần cuối một bộ trưởng Ấn Độ tới Triều Tiên là từ cách đây 20 năm nhưng các quan chức cấp cao Bình Nhưỡng vẫn duy trì các chuyến thăm tới Ấn Độ.
Tháng 4/2015, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên đã tới thăm Delhi và gặp người đồng cấp Ấn Độ nhằm tìm ủng hộ về vấn đề hỗ trợ nhân đạo. Đến tháng 9/2016, một quan chức cấp bộ của Ấn Độ đã đến thăm Đại sứ quán Triều Tiên tại Delhi để chúc mừng ngày Độc lập của quốc gia Đông Á này.
Năm 2013, Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ ba của Triều Tiên. Ấn Độ chủ yếu xuất khẩu chất hóa học công nghiệp, dầu thô và nông sản đến Triều Tiên. Đổi lại, Delhi nhập khẩu hoa quả khô, cây a ngủy từ Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, thương mại song phương đã giảm sau khi Ấn Độ ngưng trao đổi thương mại với Triều Tiên, tuân thủ theo các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc liên quan tới các vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng năm 2017.
Nhà nghiên cứu Prashant Kumar Singh tại Viện nghiên cứu và phân tích Quốc phòng ở Delhi nhận định: “Ấn Độ là một trong số ít những quốc gia mà Triều Tiên vẫn duy trì quan hệ ngoại giao. Ấn Độ là cánh cửa quan trọng đối với Triều Tiên để hướng ra thế giới. Hai quốc gia vốn có mối quan hệ lâu dài”.
Năm 2017, Ấn Độ thậm chí còn từ chối đề xuất của Ngoại trưởng Mỹ về việc dừng hiện diện ngoại giao tại Bình Nhưỡng. Ngoại trưởng Ấn Độ còn nói với người đồng cấp Mỹ rằng nên duy trì đại sứ quán của các quốc gia là “bạn bè” với Washington tại Triều Tiên để “duy trì những kênh ngoại giao mở còn lại”.
Về chuyến thăm lần này của quốc vụ khanh Singh, Ấn Độ cho biết Triều Tiên đã cung cấp thông tin về tiến triển gần đây tại Bán đảo Triều Tiên. Về phần mình, Quốc vụ khanh Singh khẳng định ủng hộ của Ấn Độ đối với hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.