Theo trang Guardian (Anh), một số nhà phân tích và phương tiện truyền thông nước ngoài đã đặt câu hỏi rằng liệu New Zealand có nên duy trì chiến lược “xoá sổ COVID-19” khi đối phó với làn sóng Delta hay không. Tuy nhiên, ông Chris Hipkins, Bộ trưởng phụ trách phụ trách ứng phó với COVID-19 của nước này, khẳng định đất nước đang đi đúng hướng.
“Đối với người dân New Zealand, họ tin tưởng đây vẫn là chiến lược đúng đắn, còn quá sớm để chấp nhận ‘đầu hàng’ giữa cuộc chiến. Chúng ta đã tiến xa đến mức này, sẽ vô cùng lãng phí nếu chúng ta bỏ cuộc ngay lúc này. Chúng tôi vẫn muốn ngăn chặn sự bùng phát của virus SARS-CoV-2 ra khỏi cộng đồng và khôi phục cuộc sống bình thường cho người dân”, ông nói.
Tuyên bố của ông Hipkins cũng tương tự ý kiến của Thủ tướng Jacinda Ardern : “Hiện tại, tất cả mọi người đều nhất trí với chiến lược ‘xoá sổ COVID-19’. Không có cuộc thảo luận hay tranh luận giữa bất kỳ ai trong chúng ta về điều đó, bởi vì đó là lựa chọn an toàn nhất cho chúng ta trong bối cảnh chúng ta đang triển khai tiêm chủng cho người dân của mình”.
Tại New Zealand, tỉ lệ người dân ủng hộ cách tiếp cận của chính phủ đối trong vấn đề đối phó với dịch COVID-19 là rất cao. Theo một cuộc khảo sát của The Spinoff được công bố hôm 25/8, chỉ 10% người New Zealand nghĩ rằng “xoá sổ COVID-19” không phải là chiến lược đúng đắn. 69% người dân ủng hộ cách tiếp cận này và 21% nói rằng họ không chắc chắn. Một cuộc thăm dò khác cũng cho thấy 84% người dân New Zealand ủng hộ quyết định phong toả toàn quốc vào tuần trước.
Trong khi các ca bệnh vẫn gia tăng đều đặn, các chuyên gia nhấn mạnh số ca mắc hàng ngày tại New Zealand có thể tiếp tục tăng trong vài ngày tới. Do thời gian ủ bệnh của virus và thời gian xử lý kết quả xét nghiệm, nên vẫn còn quá sớm để biết liệu biện pháp phong toả cấp độ 4 có chứng minh được hiệu quả trong việc đối phó với biến thể Delta hay không.
Tổng Giám đốc cơ quan y tế New Zealand Ashley Bloomfield cho rằng dù số ca mắc mới vẫn tăng đều, nhưng nó không tăng theo cấp số nhân. Phần lớn ca nhiễm được truy vết và có liên quan theo hộ gia đình hoặc nơi làm việc. Mọi trường hợp tiếp xúc gần đều được đưa đến cơ sở cách ly do chính phủ quản lý, tuân thủ nghiêm ngặt quy định phòng dịch.
"Thực tế các ca mắc không gia tăng theo cấp số nhân rõ ràng bởi vì chúng ta đã áp dụng biện pháp phong toả cấp độ bốn", ông nói.
Trong cuộc phỏng vấn ngày 25/8, Thủ tướng Ardern bày tỏ tự tin rằng chiến lược dập dịch của quốc gia này vẫn khả thi. Bà nhấn mạnh số ca nhiễm hiện tại không nằm ngoài dự đoán, lưu ý New Zealand mới trải qua 7 ngày phong tỏa và đợt bùng phát hiện nay vẫn chưa đến đỉnh điểm.
"Chiến lược xóa sổ virus đã chứng tỏ hiệu quả trong những làn sóng dịch trước tại New Zealand. Với hướng đi này, chúng ta đã tận hưởng nhiều ngày không bị áp hạn chế, không có nhiều ca bệnh nặng, nhập viện hay tử vong đáng tiếc", bà nhấn mạnh.
Giống như các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương khác như Australia, Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Đài Loan (Trung Quốc), New Zealand đã áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát biên giới cứng rắn để ngăn chặn đại dịch. Nước này đã áp lệnh phong tỏa nghiêm ngặt dù chỉ phát hiện một ca nhiễm, hiếm có quốc gia nào khác trên thế giới hành động quyết liệt và nhanh chóng như vậy. Quốc gia 5 triệu dân này cũng được biết đến là một trong những khu vực có tỉ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới, chỉ với 26 trường hợp tử vong.
Một điểm sáng khác trong cuộc chiến đối phó với làn sóng Delta đó là New Zealand đã đạt kỷ lục mới về tiêm chủng. Theo ông Hipkins, quốc gia này triển khai tiêm 80.000 mũi vaccine COVID-19 và gần 50.000 lượt xét nghiệm chỉ trong ngày 24/8.
Đợt bùng phát hiện tại của New Zealand cho đến nay chỉ giới hạn ở đảo Bắc, trong đó có 12 trường hợp ở thủ đô Wellington và còn lại ở thành phố Auckland. Ít nhất 20.383 người đã được truy vết tiếp xúc với chuỗi lây nhiễm này và các quan chức y tế đã liên hệ với 12.700 trường hợp trong số đó, theo cập nhật từ cơ quan y tế New Zealand ngày 25/8.
Quốc gia này đã ghi nhận 63 trường hợp mắc COVID-19 mới vào hôm 25/8, nâng tổng số ca mắc lên 3.159 trường hợp. Đây là mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi làn sóng Delta bùng phát vào tuần trước. Trong đó, 12 người phải nhập viện.
New Zealand vẫn đang trong tình trạng phong toả toàn quốc. Cuối tuần này, chính phủ sẽ đưa ra thông tin cập nhật về việc đất nước này có gia hạn lệnh phong toả cấp độ 4 hay không, hoặc có nới lỏng hạn chế đối với các thành phố khác ngoài Auckland và Wellington hay không.