Lý do khiến EU vẫn phụ thuộc vào việc mua vũ khí Mỹ

Mỹ muốn ngân sách quốc phòng của châu Âu đến tay các công ty Mỹ, nhưng các nhà lãnh đạo EU hy vọng sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng của chính họ.

Chú thích ảnh
Ủy viên thị trường nội bộ Thierry Breton muốn chính sách phòng thủ mới trên toàn EU chỉ giới hạn ở các công ty EU. Ảnh: AFP

Tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần gần đây nhất, các nhà lãnh đạo EU đã nhận được một thông điệp công khai rõ ràng từ Washington - tăng chi tiêu cho quốc phòng. Về mặt riêng tư, có một thông điệp khác cũng rõ ràng như vậy - hãy đảm bảo phần lớn nguồn chi tiêu đó dành cho vũ khí của Mỹ.

Hàng chục năm thuyết phục từ Washington đang có kết quả. Mặc dù hầu hết các nước EU vẫn chưa đạt được mục tiêu của NATO là chi 2% GDP cho quốc phòng, liên minh này đã chứng kiến ​​mức tăng chi tiêu đều đặn trong 8 năm qua. Vào năm 2022, chi tiêu quốc phòng của các nước châu Âu đã tăng 13%, lên 345 tỷ USD - cao hơn gần một phần ba so với một thập kỷ trước - phần lớn là do phản ứng trước cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Bây giờ câu hỏi đặt ra là số tiền đó sẽ được chi tiêu như thế nào. Mỹ muốn đảm bảo rằng các quốc gia châu Âu - vốn đã chi khoảng một nửa ngân sách quốc phòng của họ cho vũ khí của Mỹ - không chuyển sang chi tiêu nhiều hơn từ số tiền đó ở nội bộ châu Âu. 

Nhưng vào tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết tại hội nghị an ninh GLOBSEC ở Bratislava: “Chúng ta phải phát triển một cơ sở công nghệ và công nghiệp quốc phòng thực sự của châu Âu ở tất cả các quốc gia liên quan và triển khai đầy đủ các trang thiết bị có chủ quyền ở cấp độ châu Âu”.

Một số nhà lãnh đạo châu Âu đang hy vọng đó chính xác là điều sẽ xảy ra, nhưng liệu ngành công nghiệp quốc phòng của châu lục này có thể biến điều đó thành hiện thực hay không vẫn là một câu hỏi mở. 

Max Bergmann, Giám đốc Chương trình châu Âu, Nga, Á-Âu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, nói: “Theo truyền thống, mọi người nghi ngờ về sự thay đổi trong khả năng phòng thủ của châu Âu từ hơn 25 năm trước: EU sẽ đi theo hướng nào? liệu họ sẽ tách khỏi NATO và điều đó sẽ tác động sẽ như thế nào đối với chính sách công nghiệp quốc phòng của Mỹ?”. 

Những tranh luận hiện tại ở Brussels xoay quanh việc liệu chính sách quốc phòng mới trên toàn EU có nên chỉ giành cho các công ty EU hay không - một lập trường được thúc đẩy bởi Tổng thống Macron và Ủy viên Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton, cũng là một người Pháp. Điều đó xác nhận những nghi ngờ về chủ nghĩa bảo hộ của châu Âu liên quan đến các công ty Mỹ trong cạnh tranh để giành được các hợp đồng của EU. 

“Kế hoạch của chúng tôi là hỗ trợ trực tiếp, bằng tiền của EU, nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi, và điều này là vì Ukraine và vì an ninh của chính chúng tôi”, ông Breton cho biết vào tháng trước. 

Nhưng có một thực tế khó chịu đối với những người ủng hộ quyền tự chủ chiến lược của châu Âu: Khi nói đến vũ khí, châu Âu vẫn phụ thuộc vào Mỹ.

Trong khi các công ty châu Âu có chuyên môn sâu về quốc phòng - chế tạo mọi thứ, từ máy bay chiến đấu Rafale của Pháp đến xe tăng Leopard của Đức và hệ thống phòng không Piorun cơ động của Ba Lan - quy mô của ngành công nghiệp vũ khí Mỹ, cũng như sự đổi mới công nghệ của nước này, khiến Washington vẫn hấp dẫn đối với các khách hàng mua vũ khí ở châu Âu. 

Mặt hàng đắt giá phổ biến nhất là máy bay chiến đấu F-35 của Lockheed Martin, với chi phí 80 triệu USD/chiếc. Ngoài ra còn có sự gia tăng nhu cầu ngay lập tức đối với các mặt hàng có sẵn như tên lửa vác vai và đạn pháo.

Báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết: “Sau cuộc xung đột ở Ukraine, các quốc gia châu Âu muốn nhập khẩu nhiều vũ khí hơn, nhanh hơn”.

Chú thích ảnh
Các nước châu Âu đang tăng cường mua vũ khí Mỹ kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Ảnh: AP

Cuộc xung đột Nga - Ukraine đã nhấn mạnh sự thống trị của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Hàng loạt nước châu Âu mua tên lửa chống tăng Javelin do Raytheon và Lockheed Martin sản xuất; Ba Lan năm nay đã ký một thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD để mua 116 xe tăng M1A1 Abrams, cũng như một thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD khác để mua hệ thống pháo hiện đại do Lockheed Martin sản xuất; Slovakia mua máy bay chiến đấu F-16, trong khi Romania đang đàm phán để mua F-35.

Những thỏa thuận đó đang làm dấy lên lo ngại ở châu Âu về việc liệu họ có thể từ bỏ các nhà cung cấp quốc phòng của Mỹ hay không. Trong một ví dụ, Pháp và Đức lo lắng về ý định của Tây Ban Nha khi nước này sử dụng F-35 trong khi cũng là đối tác phát triển máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của châu Âu.

Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung các kho vũ khí và tiếp tục vận chuyển thiết bị đến Ukraine là rất cấp thiết, và sau nhiều thập kỷ thu hẹp, ngành công nghiệp quốc phòng của châu Âu đang gặp khó khăn trong việc điều chỉnh.

“Các đồng minh và đối tác châu Âu của chúng tôi chưa bao giờ trải qua bất cứ điều gì như thế này. Họ chưa có cơ quan quản lý sản xuất quốc phòng mà họ cần [để thúc đẩy nhanh chóng] và họ thực sự muốn chúng tôi giúp họ có thể tăng sản lượng”, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, đề cập đến sự điều chỉnh chi tiêu do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra. 

Để giúp châu Âu đạt được điều đó, Mỹ đã mở rộng số lượng các thỏa thuận cung cấp an ninh song phương mà nước này có với các đối tác nước ngoài kể từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, ký các thỏa thuận mới với Latvia, Đan Mạch, Nhật Bản và Israel kể từ tháng 10 năm ngoái. Điều này cho phép các quốc gia bán và trao đổi trang thiết bị và dịch vụ liên quan đến quốc phòng một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn. 

Chính quyền Biden cũng đã ký một thỏa thuận hành chính với EU vào cuối tháng 4 vừa qua để thành lập các nhóm làm việc về các vấn đề chuỗi cung ứng, đồng thời cho họ tham dự các cuộc họp nội bộ tại Cơ quan Quốc phòng châu Âu và Lầu Năm Góc. 

Công Thuận/Báo Tin tức
Mỹ phản ứng về động thái Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus
Mỹ phản ứng về động thái Nga đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus

Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố không có dấu hiệu cho thấy Nga lên kế hoạch tấn công sau khi triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN