Theo tờ New York Times, ở châu Âu, nơi từ lâu là nguồn hỗ trợ quan trọng cho Israel, trọng tâm chính trị đang rời xa chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy ngày 22/5 đã công nhận tư cách nhà nước của Palestine, bất chấp sự phản đối kịch liệt của Israel và Mỹ. Và hầu hết các chính phủ châu Âu đều đưa ra sự ủng hộ rõ ràng đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) trong tuần này, sau khi tòa yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cùng với ba nhà lãnh đạo của Hamas.
Israel vẫn có các đồng minh trung thành trong Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là Hungary và Cộng hòa Séc, và những nước đóng vai trò chủ chốt như Đức. Những nước này mặc dù ngày càng khó chịu với cách hành xử của Israel nhưng vẫn không thể hiện bất kỳ xu hướng thay đổi lập trường nào. Những rạn nứt ngày càng gia tăng ở châu Âu cũng đồng nghĩa một EU theo nguyên tắc đồng thuận sẽ không sớm thay đổi quan điểm của mình.
Nhưng các nước châu Âu phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong nước và quốc tế yêu cầu một lập trường vững chắc hơn chống lại cách xử lý của Israel tại các vùng lãnh thổ của người Palestine, đặc biệt là cuộc chiến tàn khốc ở Gaza.
Trong số các thành viên EU, Thụy Điển trong suốt một thập kỷ qua đã một mình công nhận tư cách nhà nước của Palestine. Châu Âu từ lâu vốn ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine - theo "giải pháp hai Nhà nước" mà chính phủ Israel kiên quyết phản đối - và bày tỏ sự thất vọng với cách Israel xử lý Dải Gaza và Bờ Tây, nhưng hầu hết các quốc gia đều không sẵn sàng tiến xa hơn. Thay vào đó, trước khi chiến sự Gaza bùng phát, EU còn tiến gần hơn đến Israel, bao gồm cả thông qua các mối quan hệ đối tác quan trọng về mặt tài chính và chính trị trong các lĩnh vực thương mại và khoa học.
Nhưng cuộc chiến Gaza và diễn biến leo thang của nó đang thay đổi điều đó. Những quan điểm thông cảm, thể hiện sự ủng hộ của châu Âu dành cho Israel sau vụ thảm sát ngày 7/10/2023 đang suy yếu khi chiến sự tiếp diễn, tình hình nhân đạo ở Gaza trở nên tồi tệ hơn và Israel ngày càng không còn là nạn nhân.
Ireland và Tây Ban Nha - hai thành viên EU, và Na Uy, một quốc gia liên kết chặt chẽ với khối, đã thực hiện bước tiếp theo vào ngày 22/5, công nhận tư cách nhà nước của Palestine. Đó giống như một lời khiển trách gay gắt đối với Israel, ngay cả khi nó có ít tác dụng thực tế và ít gây ngạc nhiên. Ba quốc gia châu Âu này đã lên tiếng chỉ trích Israel và ủng hộ chính nghĩa của người Palestine, ngay cả khi họ cũng đã lên án Hamas và cuộc tấn công tàn bạo mà nhóm này gây ra nhằm vào Israel vào ngày 7/10/2023.
Nếu nhiều nước láng giềng theo chân ba nước trên, Liên minh châu Âu có thể trở thành một đối trọng lớn đối với lập trường của Mỹ rằng tư cách nhà nước của Palestine chỉ có thể là kết quả của một thỏa thuận thương lượng với Israel. Điều đó sẽ làm sâu sắc thêm sự rạn nứt giữa châu Âu và Israel.
Đã có những cảnh báo và lo ngại từ châu Âu và các nơi khác trên thế giới về chiến dịch của Israel ở Gaza. Sự chú ý đặc biệt lúc này chuyển sang Bỉ, một thành viên EU đã tăng cường chỉ trích cách Israel xử lý cuộc chiến.
Jake Sullivan, Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống Biden, cho biết trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi chắc chắn đã chứng kiến một loạt tiếng nói ngày càng gia tăng, bao gồm cả những tiếng nói trước đây ủng hộ Israel giờ đang chuyển sang hướng khác. Điều đó khiến chúng tôi lo ngại vì chúng tôi không tin rằng điều đó góp phần vào an ninh hoặc sự tồn tại lâu dài của Israel”.
Hiện tại, EU với tư cách là một khối vẫn duy trì thương mại và các thỏa thuận khác với Israel, dù ngày càng có nhiều lời kêu gọi cắt đứt hoặc hạn chế đáng kể những thỏa thuận đó.
Trong khi đó, đứng về phía Israel, các quốc gia như Hungary, Áo và Cộng hòa Séc có thể đóng vai trò quyết định trong việc xác định những gì EU có thể và không thể làm ở Trung Đông.
Chính sách đối ngoại là đặc quyền quốc gia của các thành viên EU, trong khi nhiều quyền lực khác thuộc về khối chung. Tuy nhiên, quan điểm của khối trong các vấn đề quốc tế chỉ có thể đạt được bằng sự đồng thuận nhất trí, khiến EU khó có thể sớm đưa ra quan điểm rõ ràng về Israel và Palestine.
Khi công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế hôm 20/5 yêu cầu lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, hầu hết các nước châu Âu và EU đã không đưa ra quan điểm công khai về hành động này mà nói rằng họ tôn trọng sự độc lập của tòa án.
Thủ tướng Séc Petr Fiala cho biết trên mạng xã hội rằng việc tìm cách bắt giữ “các đại diện của một chính phủ được bầu cử dân chủ cùng với các thủ lĩnh của một tổ chức khủng bố Hồi giáo là điều kinh khủng và hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Thủ tướng Viktor Orban của Hungary gọi đó là điều “vô lý và đáng xấu hổ”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Bỉ Hadja Lahbib lại nói rằng: “Những tội ác xảy ra ở Gaza phải bị truy tố ở mức cao nhất, bất kể thủ phạm là ai”.
Bộ Ngoại giao Pháp, quốc gia lớn thứ hai trong khối, cho biết: “Pháp ủng hộ Tòa án Hình sự Quốc tế, sự độc lập của tổ chức này và cuộc chiến chống lại sự miễn tội trong mọi tình huống”.
Ngoại trưởng Pháp hôm 21/5 cho biết việc công nhận một Nhà nước Palestine “không phải là điều cấm kỵ” đối với Pháp nhưng thời điểm thích hợp vẫn chưa đến. Ngoại trưởng Stéphane Séjourné tuyên bố: “Quyết định này phải hữu ích”.
Sự chú ý hiện nay đang hướng về Đức, bởi một sự thay đổi lập trường của Berlin sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi trong quan hệ giữa EU với Israel. Đức là thành viên lớn nhất của khối và từ lâu đã bày tỏ cam kết đặc biệt với Israel sau giai đoạn lịch sử Đức Quốc xã và thảm họa Holocaust.