Chiến dịch không kích mà Mỹ triển khai nhằm vào lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) đã làm "lộ sáng" những thất bại nặng nề trong quá trình tái thiết Iraq kể từ năm 2011, khi Washington quyết định rút toàn bộ quân.
Từng giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng nhờ cam kết rút quân khỏi Iraq, giờ đây ông Barack Obama đã ghi tên mình là vị tổng thống Mỹ thứ 4 liên tiếp ra lệnh không kích quốc gia Trung Đông này nhằm ngăn chặn làn sóng Hồi giáo cực đoan lan rộng.
Cộng đồng người Yazidi ở miền bắc Iraq ngày 11/8. Ảnh: AFP/TTXVN |
Gần một năm trước đây, ông Obama đã đe dọa tấn công Syria, nhưng thay đổi quyết định vào phút chót. Giờ đây, ông phải ra lệnh không kích để tiêu diệt IS - một trong những lực lượng từng chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al - Assad ở Syria. Ảnh hưởng của IS gia tăng nhanh chóng trong những tháng qua, buộc Washington phải quyết định hành động nhằm bảo vệ lợi ích của mình ở Trung Đông.
Không thể phủ nhận một thực tế rằng miền bắc Iraq đã đối mặt với nguy cơ xảy ra thảm họa nhân đạo. Phiến quân IS giết hại hàng trăm người, và khiến hàng nghìn người khác phải tỵ nạn. Tình trạng bạo lực với những vụ khủng bố ngày càng leo thang, đặc biệt trong các sắc tộc thiểu số ở Iraq. Có ý kiến cho rằng Mỹ đã không can thiệp vào Syria là bởi họ sợ sẽ châm ngòi cho một cuộc thánh chiến chống lại lợi ích của Washington ở vùng Vịnh và Trung Đông nói riêng, trên toàn thế giới nói chung.
Năm 2003, Mỹ đã phát động cuộc chiến mà họ gọi là "chống khủng bố" ở Iraq nhằm lật đổ chính quyền Saddam Hussein. Hơn 10 năm trôi qua, tình hình không mấy sáng sủa khi Iraq vẫn tiếp tục chìm trong bạo lực phe phái. Thực tế đã lý giải quyết định của ông Obama khi ra lệnh không kích nhằm vào lực lượng IS. Như vậy, Mỹ chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu chống khủng bố ở Trung Đông - nơi được coi là có vai trò sống còn đối với các lợi ích quốc gia của Washington.
Thời gian qua, sự nổi lên của IS chứng tỏ những yếu kém trong hệ thống chính quyền Iraq. Các nhà lãnh đạo chính trị đã thất bại trong nỗ lực tái thiết đất nước và hàn gắn xã hội sau thời gian dài chìm sâu vào bạo lực và xung đột. Nền chính trị Iraq hiện nay phản ánh đầy đủ những gì mà quốc gia Trung Đông này đã trải qua trong mấy chục năm trở lại đây. Đó là chiến tranh, chế độ độc tài, hậu quả của lệnh trừng phạt kinh tế, sự can thiệp từ bên ngoài...
Năm 2011, ông Obama đã thực hiện cam kết tranh cử của mình khi rút quân chiến đấu ra khỏi Iraq, chuyển giao nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho lực lượng nước này. Tuy nhiên, tình hình Iraq chưa thực sự được bình ổn và nguy cơ tái bùng phát xung đột vẫn luôn thường trực. Trong bối cảnh đó, các cuộc không kích của Mỹ dường như chỉ là giải pháp tình thế, làm chậm lại bước tiến của IS, chứ không thể tìm ra lối thoát lâu dài cho vấn đề Iraq.
Tiềm lực tài chính của IS không phải là nhỏ, nhờ vào nguồn thu từ những giếng dầu mà họ kiểm soát ở Syria. Một số người còn cho rằng IS là lực lượng phiến quân được tài trợ tốt nhất trên thế giới. Thế nhưng, nếu so với một đất nước giàu dầu lửa nhất nhì như Iraq, thì tiềm lực của IS chưa thấm vào đâu. Vậy tại sao quân đội Iraq lại "bốc hơi" nhanh chóng ở Mosul? Thậm chí họ không thể triển khai một chiến dịch phản công nhằm tái chiếm thành phố này.
Dường như tất cả những chỉ trích đang đổ dồn vào ông Nouri al - Maliki, người từng giữ chức Thủ tướng Iraq trong suốt 8 năm qua.
Tuy nhiên, ông al - Maliki cũng chỉ là một trong những chính trị gia Iraq chịu ảnh hưởng nặng nề từ phía các phe phái cũng như toan tính từ bên ngoài. Trong khi đó, nhiều người Iraq nhìn nhận các cuộc không kích của Mỹ như một bằng chứng mới nhất về tình trạng lệ thuộc vào bên ngoài của chính phủ nước này. Dù lý giải ở khía cạnh nào đi chăng nữa, chiến dịch không kích mà Mỹ triển khai nhằm vào IS cũng bộc lộ sự thất bại trong nỗ lực tái thiết Iraq sau nhiều năm xung đột và bạo lực.
Lê Phương