Tàu chiến Trung Quốc tiến hành diễn tập ở Biển Đông trước thềm phán quyết của PCA. Ảnh: AP |
PCA hôm 12/7 đã ra phán quyết rằng yêu sách của Trung Quốc “về các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) mà Bắc Kinh phê chuẩn vào năm 1996. Trung Quốc nói rằng họ không công nhận tính hợp pháp của phán quyết trên. Trong trường hợp này, Giáo sư Peter Dutton cảnh báo rằng nguy cơ thực sự của việc Trung Quốc bác bỏ quyết định này là sự tổn hại đối với danh tiếng của Bắc Kinh. Ông Dutton nói: "Có thể phải mất một thế hệ hoặc nhiều hơn để hàn gắn mối bất hòa giữa Trung Quốc và phần lớn vùng Đông Nam Á".
Nhưng, sự phản đối của Trung Quốc, và các nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm thu hút sự ủng hộ cho lập trường của mình, nhấn mạnh tiềm năng rằng phán quyết của PCA có thể định hình xu hướng phát triển ở Biển Đông trong nhiều năm tới - cả về việc các nước khác khó khăn thế nào trong việc thúc đẩy tuyên bố của họ, cũng như việc Mỹ và Trung Quốc sẽ tương tác thế nào trong một khu vực được coi là quan trọng đối với tuyến đường vận chuyển hàng hải quốc tế này.
Theo Giáo sư Fravel, phán quyết của PCA là "một chiến thắng lớn" đối với Philippines, và có thể gây áp lực đáng kể lên Trung Quốc. Ông nhấn mạnh rằng "phản ứng tức thời của Trung Quốc là lên án phán quyết. Nhưng Bắc Kinh có thể sẽ quan sát Philippines, và đặc biệt là Mỹ, để xem họ có những hành động gì nhằm thực thi phán quyết, và điều chỉnh phản ứng của mình cho phù hợp".
Rõ ràng, Trung Quốc khẳng định là phán quyết là không có hiệu lực và không mang tính ràng buộc, nhưng phán quyết có ảnh hưởng sâu sắc đối với các nước láng giềng của Trung Quốc và đối với hình ảnh của Bắc Kinh ở bên ngoài. “Nếu nó không quan trọng, Trung Quốc đã không dành rất nhiều thời gian và công sức trong một nỗ lực nhằm ép Philippines từ bỏ vụ kiện. Nhưng trong khi PCA không có lực lượng giám sát để thực thi phán quyết của mình, phán quyết có thể hướng Trung Quốc đến một giải pháp chính trị", Greg Poling, người điều hành Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nói.
Có thể điều đó sẽ mất nhiều thời gian, và trong khi các chuyên gia cảnh báo về nguy cơ của sự leo thang căng thẳng, hầu hết trong số họ đều đồng ý rằng việc phát triển thành một cuộc đối đầu trực tiếp là khó xảy ra. "Không bên nào muốn một cuộc xung đột toàn diện. Tôi cho rằng với bức tranh lâu dài ở Biển Đông, phán quyết này của PCA không có tác động mang tính quyết định", David Firestein, người đứng đầu Chương trình Mỹ, Đông Á và Trung Quốc tại Viện Đông-Tây bình luận.
Thật vậy, trong tuần qua, cựu Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốcđã phát biểu tại Washington về sự cần thiết để "tìm ra những biện pháp nhằm làm ‘hạ nhiệt’ vấn đề này và khôi phục sự ổn định tại Biển Đông". Thậm chí, ngay sau phán quyết của PCA ngày 12/7, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cho biết Bắc Kinh để ngỏ cánh cửa đàm phán với Philippines về vấn đề Biển Đông. "Đây chính là kiểu giữ thể diện chính trị mà chúng ta có thể nhìn thấy từ Trung Quốc", ông Poling nhận xét.