Liệu Hamas có đạt được mục tiêu chính khi tấn công Israel?

Khi Hamas tấn công Israel vào tháng 10/2023, một trong những mục tiêu chính của họ là làm chệch hướng các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Israel và Saudi Arabia.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại Tel Aviv, ngày 9/1/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Theo tờ Business Insider ngày 9/1, hiện nay, Saudi Arabia cho biết họ vẫn muốn bình thường hóa quan hệ với Israel. Điều đó có nghĩa là một trong những mục tiêu lớn nhất của Hamas trong cuộc chiến với Israel có thể thất bại.

Đại sứ Saudi Arabia tại Anh, Hoàng tử Khalid bin Bandar, nói rằng các nhà lãnh đạo Saudi Arabia hoàn toàn muốn đạt được một thỏa thuận với Israel.

Hoàng tử Khalid cũng cho biết rằng trước khi Hamas tiến hành cuộc tấn công ngày 7/10/2023 vào Israel, Saudi Arabia và Israel đã gần đạt thỏa thuận. Ông khẳng định bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ phải tính đến độc lập của người Palestine và điều đó không thay đổi.

Hoàng tử Khalid nói: “Sau ngày 7/10, mặc dù chúng tôi vẫn tin tưởng vào bình thường hóa quan hệ, nhưng điều đó phải diễn ra mà không khiến người dân Palestine phải trả giá”.

Đại sứ Saudi Arabia đưa ra bình luận trên sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp Thái tử Mohammed bin Salman ngày 8/1 trong chuyến công du Trung Đông.

Sau cuộc họp báo, ông Blinken nói với các phóng viên rằng các bên quan tâm đến việc theo đuổi một thỏa thuận. Ông nói: “Nhưng thỏa thuận sẽ yêu cầu xung đột ở Gaza phải chấm dứt và cũng sẽ yêu cầu rõ ràng rằng phải có một con đường thực tế để hướng tới một nhà nước Palestine”.

Israel và Saudi Arabia đã có mối quan hệ căng thẳng kể từ khi thành lập nhà nước Israel vào năm 1948. Thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai nước sẽ là thay đổi lớn đối với quyền lực trong khu vực.

Tuy nhiên, Hamas phản đối mối quan hệ đang phát triển giữa Saudi Arabia và Israel. Nếu có thỏa thuận giữa Israel và Saudi Arabia, quyền lực của Iran trong khu vực sẽ suy giảm, trong khi Iran được cho là nước ủng hộ chính cho Hamas.

Về phần mình, khi đánh giá về nội dung các cuộc thảo luận tại các nước Arab, ông Blinken khẳng định ông nhìn thấy cơ hội để Israel xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn trong khu vực sau cuộc khủng hoảng tại Dải Gaza. Theo ông Blinken, các quốc gia trong khu vực mong muốn hội nhập với Israel nhưng chỉ khi kế hoạch bình thường hóa quan hệ bao gồm lộ trình thực tiễn hướng tới một Nhà nước Palestine trong tương lai.

Ngày 9/1, trong cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại một căn cứ quân sự ở Tel Aviv, Ngoại trưởng Blinken đã kêu gọi Israel tránh gây thương vong cho dân thường và duy trì lộ trình hướng tới thành lập Nhà nước Palestine.

Ngoài nỗ lực giảm căng thẳng trong khu vực, ông Blinken cũng đề cập tới kế hoạch quản trị tương lai đối với Gaza. Ông Blinken tái khẳng định cần thiết đảm bảo hòa bình lâu dài và bền vững cho Israel và khu vực, trong đó có việc thành lập Nhà nước Palestine.

Trước đó, ngày 5/1, Thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh ra tuyên bố kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Blinken tập trung vào mục tiêu chấm dứt những cuộc tấn công của Israel nhằm vào Dải Gaza. Trong tuyên bố, ông Haniyeh bày tỏ kỳ vọng Ngoại trưởng Blinken sẽ rút ra những bài học từ 3 tháng qua và nhận ra những sai lầm của Mỹ trong chính sách ủng hộ Israel.

Thủ lĩnh Hamas cũng hối thúc các quốc gia Arab và Hồi giáo nhấn mạnh với Mỹ rằng ổn định ở Trung Đông gắn liền với sự cần thiết phải giải quyết vấn đề Palestine.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Israel và Mỹ đối mặt với thách thức lớn sau 3 tháng giao tranh với Hamas
Israel và Mỹ đối mặt với thách thức lớn sau 3 tháng giao tranh với Hamas

Cả Israel và Mỹ đang phải đối mặt với phản ứng của cộng đồng quốc tế, vốn ngày càng phẫn nộ khi quá nhiều người thiệt mạng ở Gaza. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN