Kênh CNBC dẫn bình luận của Mark Zandi, kinh tế gia trưởng tại Moody’s Analytics, cho rằng việc các tiểu bang của Mỹ, quốc gia đang là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới, vội vàng mở cửa trở lại nền kinh tế khi đại dịch COVID-19 có tín hiệu thuyên giảm có thể sẽ “lợi bất cập hại”, nếu số ca lây nhiễm lại gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát làn sóng COVID-19 thứ hai.
Phát biểu trong chương trình “Thương mại quốc gia” của kênh CNBC, chuyên gia kinh tế hàng đầu này cảnh báo thống đốc các tiểu bang cần phải tính toán kỹ lưỡng cho nền kinh tế của bang. “Nếu bùng phát một đợt dịch bệnh thứ hai, suy thoái sẽ xảy ra. Chúng ta có thể không phải đóng cửa các hoạt động kinh tế một lần nữa, song chắc chắn nó sẽ khiến người dân hoang mang và đặt gánh nặng lên nền kinh tế”.
Một cuộc suy thoái, theo quan điểm của chuyên gia Mark Zandi, là giai đoạn 12 tháng, hoặc nhiều hơn, nước Mỹ chứng kiến tỷ lệ thất nghiệp ở mức hai con số.
Ông Mark Zandi đưa ra cảnh báo trên chỉ vài giờ sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố một báo cáo về thị trường việc làm và tỷ lệ thất nghiệp mới nhất của Mỹ. Báo cáo cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của nền kinh tế số 1 thế giới đã tăng vọt lên 14,7% trong tháng Tư vừa qua, mức tăng lên tới hơn 2 con số so với tỷ lệ chỉ 4,4% hồi tháng Ba.
Xét tới sự khó lường của đại dịch COVID-19, nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, lời cảnh báo trên được đánh giá là hết sức thực tế. Báo New York Times cho hay, tới đầu tháng 5, chỉ còn 15 bang của Mỹ tiếp tục áp đặt lệnh phong tỏa, hạn chế các hoạt động tiếp xúc xã hội và yêu cầu người dân ở trong nhà. Trong khi 35 tiểu bang đã nới lỏng phong tỏa một phần, một số bang tuyên bố mở cửa trợ lại và hầu hết các hoạt động kinh tế-xã hội sẽ trở lại trong những tuần tới.
Nhà Trắng đã ban hành “Hướng dẫn Mở cửa lại nước Mỹ”, trong đó yêu cầu những tiểu bang ghi nhận “quĩ đạo các ca ốm giống bệnh cúm đi xuống hoặc số trường hợp có triệu chứng giống nhiễm virus SARS-CoV-2 giảm”, cũng như các tiểu chuẩn khác, bắt đầu mở cửa trở lại.
Song giới chức y tế Mỹ dường như phản đối một cách tiếp cận đại trà và áp dụng trên phạm vi toàn liên bang trong vấn đề mở cửa trở lại nền kinh tế, với lập luận rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến khác nhau giữa các hạt và thành phố.
Ông Zandi nhận định, nếu kiểm soát tốt tình hình và không để xảy ra làn sóng COVID-19 thứ hai, việc làm có thể phục hồi từ ngày 23/5 tới. Ngay sau đó, các thị trường có thể tìm được lại đà trong mùa Hè và đầu mùa Thu năm nay. Ông cũng cho rằng điều hết sức quan trọng là việc phát triển thành công một loại vắc-xin và đây là điều kiện cần thiết trước khi hướng tới việc phục hồi kinh tế.
Nhiều chuyên gia cũng tỏ ý hoài nghi về mức độ chống chịu của nền kinh tế Mỹ nếu kịch bản xấu là một đợt bùng phát COVID-19 thứ hai xảy ra. Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy kể từ đầu đại dịch tới ngày 15/5, đã có trên 36 triệu người lao động Mỹ đệ đơn xin bảo trợ thất nghiệp, mức cao nhất kể từ thời Đại suy thoái (1929-1930). Hàng loạt doanh nghiệp của nước này đã đệ đơn xin phá sản, nhiều tập đoàn lớn lao đao, cắt giảm việc làm.
Trong báo cáo công bố ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ cho biết doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng Tư vừa qua đã giảm 16,4% do tác động của đại dịch COVID-19. Đây là mức sụt giảm mạnh nhất kể từ khi các dữ liệu thống kê được thu thập trong 28 năm qua và thậm chí thấp hơn cả dự báo của giới chuyên gia.
Chịu thiệt hại nặng nề nhất là các lĩnh vực như thời trang, nội thất, thiết bị điện tử, đồ gia dụng cũng như các cơ sở kinh doanh ăn uống, với mức giảm hai con số. Trong số này, doanh thu của các cửa hàng quần áo đã giảm tới 78,8% so với tháng trước.
Tháng Tư là tháng đầu tiên phản ánh trọn vẹn một tháng Mỹ áp dụng các biện pháp phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Doanh thu bán lẻ ở mức 403,9 tỷ USD đã đảo ngược đà tăng trưởng trong những năm trở lại đây, đẩy nền kinh tế Mỹ quý II/2020 vào nguy cơ suy giảm mạnh nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước.
Sự sụp đổ của ngành bán lẻ ở Mỹ cộng với con số kỷ lục người bị mất việc làm vì dịch COVID-19 là minh chứng sống động cho thấy tình trạng tê liệt của nền kinh tế hàng đầu thế giới mà giới phân tích cho rằng phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.
Cũng trong tháng vừa qua, sản lượng công nghiệp của Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 11,2%, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lĩnh vực ô tô và dầu mỏ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố cùng ngày, đây là mức giảm sản lượng công nghiệp theo tháng tồi tệ nhất trong 101 năm qua, do đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhà máy phải cắt giảm hoặc ngừng hoạt động trong tháng 4. Ô tô là lĩnh vực chịu nhiều tổn thất nhất, với mức giảm hơn 70%. Trong khi đó, các lĩnh vực khác như sản xuất kim loại, hàng không vũ trụ, đồ nội thất... ghi nhận mức giảm khoảng 20%.
Chủ tịch FED Jerome Powell đã cảnh báo về nguy cơ suy thoái kéo dài do dịch bệnh COVID-19. Ông kêu gọi chính phủ chuẩn bị các kế hoạch tài chính và tiền tệ bổ sung để ngăn chặn kịch bản xấu này. Chủ tịch Powell hoan nghênh các biện pháp đối phó kinh tế đã triển khai nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc đóng cửa nền kinh tế. Ông nhấn mạnh đây chưa thể là "giai đoạn kết" do nhiều yếu tố bất lợi vẫn tiềm ẩn như nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát trở lại khi các bang thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội.
Một đợt bùng phát virus SARS-CoV-2 nữa có thể là cú đòn “hạ đo ván” nền kinh tế Mỹ.