Báo The Hill, báo chính thức của Quốc hội Mỹ, đưa tin bất chấp sự phản đối của các nghị sĩ Cộng hòa, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật liên quan tới gói cứu trợ thứ hai trị giá 3.000 tỷ USD nói trên với 208 phiếu thuận và 199 phiếu chống.
14 Hạ nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu phản đối dự luật và 1 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thuận. Đây cũng là cuộc bỏ phiếu chưa từng có tiền lệ, khi các nhà lập pháp Mỹ được phép ủy quyền bỏ phiếu, tức là các Hạ nghị sĩ không có mặt tại trụ sở Quốc hội tối 15/5 có thể ủy quyền cho người đại diện bỏ lá phiếu cùng các nghị sĩ khác.
Theo nguồn tin này, Dự luật có tên "Các giải pháp toàn diện phục hồi kinh tế và sức khỏe" (HEROES) này bao gồm hàng loạt điều khoản nhằm hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 như nông dân, chính quyền các địa phương, nhân viên chăm sóc y tế, các sinh viên đang phải vay tiền đi học. Các chương trình chăm sóc sức khỏe Medicare và Medicaid cũng nằm trong diện này.
Cụ thể, nếu được Quốc hội Mỹ thông qua và trở thành luật, gói cứu trợ này sẽ phân bổ gần 1.000 tỷ USD cho các tiểu bang và chính quyền địa phương; chi trả đợt hỗ trợ thứ hai tặng mỗi cá nhân khoản tiền 1.200 USD và 6.000 USD cho một hộ gia đình; 200 tỷ USD tiền trợ cấp thêm cho các lao động làm việc trong môi trường đặc biệt; 75 tỷ USD để triển khai các chương trình xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2); 10 tỷ USD USD hỗ trợ khẩn cấp cho các doanh nghiệp nhỏ đang điêu đứng vì đại dịch COVID-19; tăng 15% ngân sách chương trình hỗ trợ dinh dưỡng liên bang.
Dự luật trên cũng cấp tiền cho Dịch vụ Bưu chính Mỹ, trong bối cảnh đảng Dân chủ đang hối thúc mở rộng các lựa chọn bỏ phiếu qua bưu điện trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
Dự luật dài 1.800 trang này trên thực thế là một phần trong gói dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua hồi đầu năm nhằm giúp nước này ứng phó với các "vết thương" do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong gói này, dự luật HEROES là phần thứ hai và chủ yếu nhằm hỗ trợ các gia đình Mỹ. Gói thứ nhất có tên Dự luật Viện trợ Coronavirus, cứu trợ và an ninh kinh tế (CARES) trị giá hơn 2.000 tỷ USD đã được thông qua ngày 27/3.
Dự luật nay sẽ được chuyển lên Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát xem xét. Dư luận đánh giá, khả năng dự luật vượt qua được "ải" Thượng viện là khá hẹp bởi sự phản đối của các Thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, Thượng nghị sĩ Mitch McConnell trước đó tuyên bố ông không quan tâm tới việc xem xét dự luật do phe Dân chủ tại Hạ viện thông qua. Thượng nghị sĩ McConnell nói với kênh Fox News rằng các nhà lập pháp Cộng hòa tại Thượng viện sẽ chỉ nhất trí ủng hộ dự luật sau các cuộc thảo luận với Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, Nhà Trắng trước đó cũng tuyên bố ông Trump có thể sẽ phủ quyết dự luật này.
Theo một cuộc thăm dò công bố ngày 14/5, hơn 1/3 số lao động Mỹ đã mất việc làm hoặc bị giảm giờ làm do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ gặp khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn hằng tháng của mình và gần một nửa không có khoản tiền dự trữ 400 USD cho trường hợp khẩn cấp. Tới ngày 15/5, trên 36 triệu lao động tại Mỹ đã đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp.
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết nhiều hộ gia đình đã rơi vào cảnh tài chính bấp bênh từ trước khi xảy ra khủng hoảng COVID-19, và tình trạng này càng nghiêm trọng hơn khi các lệnh phong tỏa kinh tế được áp dụng nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Những người có thu nhập thấp hơn bị tác động nhiều nhất.
Báo cáo cho thấy 13% người lao động mất việc làm hoặc phải nghỉ phép trong tháng 2 trong khi 6% phải giảm giờ làm hoặc nghỉ không lương. Đối với những người có thu nhập dưới 40.000 USD/năm, có tới 39% cho biết đã mất việc, trong khi những người có ít nhất một bằng đại học có nhiều cơ hội giữ việc làm hơn - những công việc cho phép họ làm từ xa. Đáng chú ý là thời điểm thăm dò diễn ra trước khi thấy rõ toàn bộ các tác động của lệnh phong tỏa trong cả tháng 4.
Gần 2/3 những người đã phải thôi việc hoặc giảm giờ làm cho biết đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các hóa đơn trong tháng 4, trong khi 46% không có tiền mặt trong tay để trả 400 USD cho các chi tiêu khẩn cấp.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9 giờ ngày 16/5 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 4.628.356 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 308.645 ca tử vong và Mỹ vẫn là "tâm dịch" nghiêm trọng nhất toàn cầu. Tới nay, Mỹ đã có tổng cộng 1.484.285 người mắc COVID-19 và 88.507 trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, Giáo sư Y khoa và lão khoa Thomas Perls tại Đại học Y Boston nhận định, tổng số ca mắc COVID-19 ở Mỹ có thể tăng gấp đôi, đặc biệt là ở New York, nếu tính cả những ca tử vong trong các viện dưỡng lão. Ông cho rằng số bệnh nhân tử vong do COVID-19 sẽ tăng lên 60.000 người, so với con số thống kê 30.000 người ở thời điểm hiện tại, nếu bao gồm cả những ca đã tử vong trong các viện dưỡng lão.