Diễn biến dịch COVID-19 tại Việt Nam: Thêm 4 ca mắc mới là người nhập cảnh; minh bạch chi trả tiền hỗ trợ

Đến 18 giờ ngày 16/5, Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc mới COVID-19, đều là người nhập cảnh. Trong đó có 1 trường hợp trở về từ Campuchia bằng xe khách và đã tiếp xúc với 17 người.

4 bệnh nhân mới được xác định là:

Ca bệnh 315 (BN315): Bệnh nhân nam, 39 tuổi, từ Campuchia về nước và nhập cảnh trái phép qua đường mòn vào lúc 15 giờ 30 phút ngày 2/5, đến nhà người dì ruột tại ấp Tân Đông, xã Tân Thành, huyện Tân Châu (Tây Ninh). Theo yêu cầu của người dì, người đàn ông này đã tới ngay công an xã trình báo, được giữ cách ly tại xã tới sáng 3/5. Sáng 3/5, bệnh nhân được đưa đi cách ly tập trung tại K71. Ngày 5/5, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2. Tối 15/5, mẫu xét nghiệm lần 2 của bệnh nhân tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Bệnh nhân được điều trị cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh. 17 người tiếp xúc gần với bệnh nhân này đã được cách ly theo dõi tại Trung tâm Y tế huyện Tân Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

Chú thích ảnh
Cách ly các hành khách nhập cảnh. Ảnh: TTXVN.

BN316: Bệnh nhân nam, 19 tuổi, có địa chỉ tại TP. Đà Nẵng. Ngày 14/5 từ Philippines về nước trên chuyến bay số hiệu QH9352, ngay sau khi nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Cần Thơ, được đưa đi cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp. Ngày 15/5 có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, Đồng Tháp.

BN317: Bệnh nhân nam, 29 tuổi, có địa chỉ tại Diên Khánh, Khánh Hoà. Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, sau khi nhập cảnh tại Sân bay Vân Đồn được đưa đi cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1. Ngày 13/5 được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 16/5/2020 có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

BN318: Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, có địa chỉ tại TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Ngày 13/5, từ Liên bang Nga về nước trên chuyến bay VN0062, sau khi nhập cảnh sân bay Vân Đồn được đưa đi cách ly tập trung ngay tại Trường Quân sự tỉnh Thái Bình cơ sở 1. Ngày 13/5 được lấy mẫu xét nghiệm, ngày 16/5 có kết quả dương tính SARS-CoV-2. Bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.Như vậy tới thời điểm này, trên chuyến bay VN0062 từ Liên bang Nga về Việt Nam ngày 13/5 đã có 27 hành khách dương tính với virus SARS-CoV-2, tất cả đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh, không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng.

Tổng số ca mắc COVID-19 của Việt Nam là 318 trường hợp. Tính đến 18 giờ ngày 16/5, đã 30 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 9.161 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 302; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 7.179; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 1.680 trường hợp.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong các ca đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 4 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 12 ca.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đánh giá, rất khó kiểm soát triệt để được người dân qua lại biên giới đường bộ thông qua đường mòn, lối mở nên luôn thường trực nguy cơ dịch bệnh xâm nhập và lây nhiễm cho cộng đồng trong thời gian tới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng nhận định, dịch bệnh COVID-19 sẽ kéo dài nhiều tháng thậm chí là nhiều năm. Do đó, WHO khuyến nghị, Việt Nam tăng cường hơn các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh dài hạn, như tăng cường giám sát nhóm nguy cơ, thường xuyên rà soát các biện pháp hiện có và đánh giá tình hình mới để có khuyến nghị kịp thời về giao thương...

Hơn 100 tỷ đồng đã đến tay người dân Ninh Bình gặp khó khăn do dịch COVID-19

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, đến ngày 16/5, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc chi trả tiền đợt 1 từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng tới hơn hơn 94.000 đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Qua quá trình rà soát 4 nhóm đối tượng được nhận hỗ trợ, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có 100.209 đối tượng với tổng kinh phí hỗ trợ gần 104 tỷ đồng. Trong đó có 19.581 người có công, 38.605 đối tượng bảo trợ xã hội và 42.023 người nghèo, cận nghèo. Đến ngày 16/5, 8/8 huyện, thành phố về cơ bản đã hoàn thành chi trả hỗ trợ cho 94.538 đối tượng, với kinh phí hỗ trợ hơn 100 tỷ đồng. 

Bà Lê Thị Lựu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình cho biết, từ ngày 1/5, tỉnh Ninh Bình đã tiến hành việc chi trả tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 từ gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ cho đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Đến nay, việc chi trả cơ bản hoàn thành. Việc chi trả được tiến hành khẩn trương, kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19. Hiện, các địa phương đang tiếp tục rà soát danh sách người lao động tự do, hộ kinh doanh trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để lập kế hoạch tổ chức chi trả trong đợt tiếp theo.

Trong ngày, Trường Quân sự, Quân đoàn I (TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) đã phối hợp với Sở Y tế tỉnh và các đơn vị liên quan tổ chức buổi bàn giao 268 công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước hoàn thành thời gian cách ly tập trung tại đơn vị trở về địa phương.

Chú thích ảnh
Các công dân hoàn thành thời gian cách ly chuẩn bị trở về địa phương. Ảnh: Hải Yến/TTXVN.

Tại buổi bàn giao, Trường Quân sự, Quân đoàn I đã tổ chức công bố quyết định phê duyệt danh sách kết thúc việc cách ly tập trung và cấp giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly tập trung 14 ngày (tính từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam) cho các công dân trở về địa phương.

Trong thời gian thực hiện cách ly tập trung, Trường Quân sự, Quân đoàn I đã phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Bình và các đơn vị liên quan tổ chức điều tra dịch tế và lấy mẫu xét nghiệm 3 lần đối với các công dân, các lần lấy mẫu đều cho kết quả 100% đều âm tính. Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch COVID -19, các công dân được khuyến cáo sau khi trở về địa phương có trách nhiệm thông báo với chính quyền sở tại, tiếp tục tuân thủ thực hiện theo dõi, giám sát sức khoẻ 14 ngày tiếp theo và thực hiện tốt các khuyến cáo do Bộ Y tế đưa ra.

Đây là lần thứ hai, Trường Quân sự, Quân đoàn I tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước thực hiện cách ly y tế tập trung theo quy định. Toàn bộ các công dân được tiếp nhận lần này đều là học sinh, sinh viên, người lao động sinh sống và làm việc tại Canada. Trước đó, tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 2.748 trường hợp cách ly tập trung, trong đó 2.399 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đủ hai lần và phát hiện 12 trường hợp mắc COVID-19, tất cả các trường hợp này đều đã được chữa khỏi.

Làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị chậm trễ chi tiền hỗ trợ cho dân bị ảnh hưởng dịch ở Đồng Nai

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai vừa có công văn yêu cầu giám đốc các sở, chủ tịch UBND các huyện và đơn vị liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm việc chậm trễ trong thực hiện chi tiền hỗ trợ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kế hoạch 4979/KH-UBND ngày 5/5/2020 về thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong đó giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các huyện rà soát, tổng hợp danh sách và kinh phí hỗ trợ trình Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 15/5. 

Tuy nhiên, đến nay việc thống kê của các huyện và các sở, ngành vẫn chưa hoàn thành gây chậm trễ trong việc hỗ trợ cho các hộ khó khăn, gia đình chính sách. 

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã phê bình và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch 4979, dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung làm cho tiến độ thực hiện bị gián đoạn; phê bình và yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong việc chậm tham mưu UBND tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu, Chủ tịch UBND huyện, thành phố phải kiểm điểm trách nhiệm đến từng cá nhân, phòng, ban về việc chậm thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và báo cáo kết quả trước ngày 20/6; đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố khẩn trương rà soát, tổng hợp danh sách và kinh phí để chi hỗ trợ các đối tượng trước ngày 20/5.

Cuộc sống đã bắt đầu trở về guồng quay thường nhật ở Việt Nam

Chuyên mục Du lịch của hãng tin CNN (Mỹ) đăng tải bài viết của tác giả Katie Lockhart, là khách du lịch tới Việt Nam từ tháng 1 vừa qua, trong đó mô tả cuộc sống tại Việt Nam hậu giai đoạn cách ly xã hội do dịch COVID-19, cũng như cách thức chống dịch hiệu quả của Chính phủ Việt Nam.

Chú thích ảnh
Sau cách ly xã hội, cuộc sống của người dân đã quay trở lại thường nhật. Ảnh minh hoạ: Thành Đạt/TTXVN.

Theo bài viết, sau một tuần không ghi nhận thêm ca mắc COVID-19, Chính phủ Việt Nam dỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép các cửa hàng mở cửa trở lại từ ngày 23/4. Cuộc sống đã bắt đầu trở về guồng quay thường nhật và đường phố tấp nập trở lại là những dấu hiệu tốt cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng mở cửa trở lại theo kế hoạch.

Tác giả Lockhart cho biết TP Hồ Chí Minh đã cho phép các quán bar, rạp chiếu phim và cơ sở thẩm mỹ nối lại hoạt động, trong khi Hà Nội cũng mở cửa trở lại các di tích, danh thắng và bảo tàng. Cùng với đó là sự khởi động của du lịch nội địa, với việc các hãng hàng không tăng lịch trình chuyến bay tới cả điểm đến ở châu Á và khách sạn mở cửa trở lại trên cả nước. Ngày 23/4, Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam cho phép tăng tần suất các chuyến bay và tàu hỏa trong nước nhưng yêu cầu giới hạn số hành khách trên mỗi chuyến. 

Tác giả Lockhart cho biết Việt Nam chỉ ghi nhận 288 trường hợp mắc COVID-19 (tính đến thời điểm 7/5) và chưa có trường hợp tử vong. Kết quả này có được là nhờ Việt Nam đã phản ứng nhanh hơn các quốc gia khác, theo đó đóng cửa biên giới với Trung Quốc vào cuối tháng 1 và đình chỉ thị thực đối với người nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện mô hình chống dịch gồm các biện pháp cách ly các cộng đồng dân cư có nguy cơ lây nhiễm, theo dõi những trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh và thực hiện cách ly tất cả các trường hợp nhập cảnh.

Theo tác giả, Việt Nam cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về dịch bệnh bằng hình thức cho chạy xe loa lưu động trên các tuyến phố. Các biện pháp ứng phó với dịch COVID-19 nhanh và hiệu quả, cùng với các chính sách của Chính phủ Việt Nam, đã giúp Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt hơn so với nhiều quốc gia khác. Nhờ đó, Việt Nam có thể từng bước dỡ bỏ các hạn chế do dịch COVID-19 một cách an toàn.

Vân Sơn/Báo Tin tức
Hơn 100 tỷ đồng đã đến tay người dân Ninh Bình gặp khó khăn do dịch COVID-19
Hơn 100 tỷ đồng đã đến tay người dân Ninh Bình gặp khó khăn do dịch COVID-19

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình, đến ngày 16/5, tỉnh Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành việc chi trả tiền đợt 1 từ gói an sinh 62.000 tỷ đồng tới hơn hơn 94 nghìn đối tượng chính sách, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN