Trong một năm qua, kinh tế Trung Quốc luôn phải đối mặt với áp lực giảm tốc rất lớn. Một mặt là do những "đau đớn" đến từ sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mặt khác cũng phản ánh thực trạng mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc đã đi tới đường cùng. Cho nên, Chính phủ Trung Quốc phải tăng tốc thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi cơ cấu kinh tế để kích thích tiêu dùng và mở rộng nhu cầu trong nước.
Nhà máy lắp ráp ô tô ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh:AFP/TTXVN |
Từ những số liệu kinh tế quý II/2015 vừa được Trung Quốc công bố có thể thấy các biện pháp ổn định tăng trưởng và thúc đẩy nâng cấp chuyển đổi cơ cấu kinh tế dường như đã mang lại kết quả nhất định, nhưng đằng sau nó có cả điều đáng vui mừng lẫn điều đáng lo ngại. Việc tiêu dùng đóng góp tới 60% GDP rõ ràng là bước tiến bộ. Nhưng trải qua thảm họa chứng khoán tháng 7, tài sản của rất nhiều người, nhất là của giới trung lưu, đã bị bốc hơi phần lớn, khó có thể tránh khỏi việc ảnh hưởng tới động lực tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm. Hơn nữa, trong mấy tháng qua, Bắc Kinh đã tung ra một lượng lớn dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng đóng góp của các ngành nghề liên quan tới xây dựng cơ sở hạ tầng vào tăng trưởng kinh tế vẫn rất hữu hạn. Thực trạng này khiến dư luận không khỏi lo lắng rằng hiệu quả của đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang trong xu hướng ngày một đi xuống.
Tăng trưởng kinh tế quý II/2015 của Trung Quốc đạt mức 7%, đã bảo vệ thành công mục tiêu tăng trưởng đề ra. Động lực tăng trưởng kinh tế quý II chủ yếu đến từ ngành nghề thứ ba (dịch vụ), đã tăng từ mức 7,9% của quý I lên mức 8,4%, tương đương với quý IV/2014. Điều đó cho thấy việc Bắc Kinh thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng mạnh đã thu hút một lượng lớn dòng tiền tham gia thị trường và dòng tiền này sau đó đã trở lại hỗ trợ nền kinh tế, nó đồng thời giúp thu nhập của ngành tài chính tăng lên, tạo ra hiệu ứng giàu có, giúp thị trường bất động sản ấm lên.
Điều đáng tiếc là vào trung tuần tháng 6 vừa qua, sau khi đạt đỉnh, Chỉ số Shanghai đã lâm vào thảm họa. Nhờ các biện pháp cứu thị trường mạnh mẽ của Chính phủ Trung Quốc, đà sụt giảm mạnh của chứng khoán Trung Quốc tuy đã chững, nhưng thị trường đã bị tổn thương. Bắc Kinh mong muốn thông qua thị trường chứng khoán để huy động vốn, giải quyết vấn đề nảy sinh từ dòng tiền bị thắt chặt. Tuy nhiên, tính toán này đã không thành hiện thực, càng khiến giá trị giao dịch trên thị trường bị thu hẹp, ngay cả hoạt động phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) cũng phải tạm dừng. Hệ quả tin rằng đóng góp của ngành tài chính và tiêu dùng đến từ hiệu ứng giàu có sẽ giảm xuống, áp lực tăng trưởng kinh tế tụt dốc một lần nữa sẽ tăng lên.
Trên thực tế, trong quý II/2015, tăng trưởng của ngành nghề thứ hai (do công nghiệp và chế tạo làm hạt nhân) chỉ đạt 6,1%, giảm mạnh so với quý I, cho thấy áp lực giảm sản lượng của các ngành nghề truyền thống vẫn rất lớn. Đầu tư tài sản cố định trong quý II/2015 cũng giảm xuống, khiến dư luận không khỏi lo lắng về hiệu quả của đầu tư tài sản cố định. Bởi hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã được đưa ra để ổn định tăng trưởng, nhưng kết quả mang lại vẫn không được như mong muốn. Ngay cả Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, Ngân hàng Trung ương) giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng chỉ mang lại hiệu quả hữu hạn trong việc kích thích kinh tế.
Có thể nói, thời gian qua, chính phủ Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt chính sách nới lỏng tiền tệ, nhưng biểu hiện của nền kinh tế thực thể vẫn rất yếu ớt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cho thấy áp lực giảm phát vẫn tiếp tục kéo dài, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng bước sang tháng thứ 40 liên tiếp tăng trưởng âm. Từ đó có thể khẳng định chính sách tiền tệ sẽ phải tiếp tục nới lỏng, nhưng hiệu quả của giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc cũng dần giảm xuống. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán lại mất đi vai trò tạo hiệu ứng giàu có, cho nên, có thể tin rằng Bắc Kinh sẽ phải tiếp tục tung ra thêm nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nữa và coi đây là biện pháp cuối cùng để kích thích kinh tế.