Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang hy vọng về một cú 'hạ cánh mềm' thông qua việc tăng lãi suất nhưng lịch sử cho thấy điều đó sẽ khó thành công
Theo tờ Conversation, trước tình trạng lạm phát tăng lên mức cao kỷ lục mới trong 40 năm và còn tiếp tục tăng, FED dự kiến sẽ nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm tại cuộc họp vào ngày 4/5 (theo giờ địa phương). Đây sẽ là lần thứ hai trong số 7 lần tăng lãi suất theo kế hoạch trong năm nay, sau khi đã tăng 0,25 điểm hồi tháng 3 – thời điểm FED cố gắng hạ nhiệt nhu cầu tiêu dùng và làm chậm tốc độ tăng giá cả.
Bằng cách tăng lãi suất, FED hy vọng sẽ giúp tạo cho nền kinh tế nước này một cú “hạ cánh mềm”, một khái niệm để chỉ khả năng chế ngự lạm phát nhanh chóng mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng hoặc gây ra suy thoái. Ngân hàng này và các nhà dự báo chuyên nghiệp dự đoán lạm phát sẽ giảm xuống dưới 3% và tỷ lệ thất nghiệp sẽ duy trì dưới 4% vào năm 2023.
Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của nhóm chuyên gia do ông Alex Domash và Lawrence H. Summers tại trường Harvard Kennedy dẫn đầu, cho thấy rằng việc đảm bảo “hạ cánh mềm” là rất khó xảy ra và kinh tế Mỹ có khả năng xảy ra suy thoái đáng kể trong tương lai không xa.
Lý do là bởi lạm phát cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp đều là những yếu tố dự báo mạnh mẽ về các cuộc suy thoái trong tương lai. Trên thực tế, kể từ những năm 1950, mỗi khi lạm phát vượt quá 4% và tỷ lệ thất nghiệp dưới 5%, nền kinh tế Mỹ đã đi vào suy thoái trong vòng 2 năm.
Hiện tại, lạm phát tại Mỹ đang ở mức 8,5% và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6% - cho thấy sẽ rất khó ngăn chặn một cuộc suy thoái.
Đi sau đường cong lạm phát
Lạm phát về cơ bản là do quá nhiều tiền lưu thông để mua quá ít hàng hóa. Trong ngắn hạn, cung hàng hóa trong nền kinh tế ít nhiều cố định, chính sách tài khóa hoặc tiền tệ không thể làm gì để thay đổi nó. Vì vậy nhiệm vụ của FED là quản lý tổng cầu trong nền kinh tế để nó cân bằng với nguồn cung cấp sẵn có.
Khi cầu vượt quá cung, nền kinh tế bắt đầu quá nóng và giá cả tăng mạnh. Các biện pháp tăng quá nóng - như tăng nhu cầu mạnh mẽ, giảm hàng tồn kho và tăng lương - bắt đầu xuất hiện trong nền kinh tế Mỹ trong suốt năm 2021. Nhưng một khuôn khổ điều hành mới mà FED thông qua vào tháng 8/2020 đã ngăn cơ quan này hành động cho đến khi tình trạng lạm phát liên tục đã rõ ràng.
Kết quả là, FED đang đi sau đường cong lạm phát hiện tại trong việc phản ứng với nền kinh tế phát triển quá nóng.
Rất khó đảm bảo “hạ cánh mềm”
Để giảm lạm phát đang gia tăng, FED lúc này sẽ cố gắng tăng lãi suất để hạn chế nhu cầu tiêu dùng.
Việc tăng chi phí đi vay có thể giúp làm chậm hoạt động kinh tế do không khuyến khích người tiêu dùng mua sắm và doanh nghiệp đầu tư mới. Nhưng nó sẽ có nguy cơ gây ra những gián đoạn kinh tế lớn và đẩy nền kinh tế vào suy thoái. Còn đây mới là hạ cánh mềm: Lãi suất tăng và nhu cầu tiêu dùng giảm đủ để giảm lạm phát, nhưng nền kinh tế vẫn tiếp tục phát triển.
Tuy nhiên, lịch sử kết quả của các nỗ lực “hạ cánh mềm” thường không truyền cảm hứng. Mỗi khi FED hãm phanh đủ mạnh để làm giảm lạm phát một cách đáng kể, thì nền kinh tế đi vào suy thoái.
Một số người lập luận rằng đã có một số ví dụ “hạ cánh mềm” thành công trong 60 năm qua, như vào các năm 1965, 1984 và 1994, nhưng phân tích của tác giả Domash và Summers cho thấy những giai đoạn này không giống với thời điểm hiện tại.
Trong cả ba giai đoạn trên, FED đã hoạt động trong một nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn đáng kể, lạm phát thấp hơn và tăng trưởng tiền lương thấp hơn. Trong những ví dụ lịch sử này, FED cũng đã tăng lãi suất cao hơn tỷ lệ lạm phát - không giống như hiện nay, khi lạm phát ở mức 8,5% và lãi suất được dự báo sẽ duy trì dưới 3% đến năm 2023 - và rõ ràng đã hành động sớm để ngăn chặn lạm phát tăng lên, thay vì chờ đợi đến lúc lạm phát đã quá mức.
Thách thức từ thị trường lao động
Một lý do khiến thách thức của FED ngày nay đặc biệt khó khăn là thị trường lao động thắt chặt chưa từng thấy, có nghĩa là nhu cầu về người lao động đang vượt xa nguồn cung hiện có. Thị trường lao động thắt chặt cho thấy các công ty cần tăng lương để thu hút lao động mới.
Thông thường, tỷ lệ thất nghiệp được sử dụng như một chỉ báo về mức độ thắt chặt của thị trường lao động. Tỷ lệ thất nghiệp hiện tại ở Mỹ rất thấp và FED dự kiến tỷ lệ này sẽ còn thấp hơn nữa. Nhưng nghiên cứu cho thấy áp lực tăng lương thậm chí còn cao hơn so với tỷ lệ thất nghiệp. Số lượng việc làm luôn ở mức cao nhất mọi thời đại và công nhân bỏ việc ở mức kỷ lục - cả hai đều có ý nghĩa quan trọng, gây áp lực tăng lương.
Theo một nghĩa nào đó, tiền lương là thước đo cuối cùng của lạm phát lõi - hơn 2/3 chi phí kinh doanh quay trở lại lao động - vì vậy tiền lương tăng gây áp lực tăng đáng kể lên lạm phát. Tăng trưởng tiền lương ở Mỹ hiện đang ở mức lịch sử là 6,6% và còn tiếp tục tăng nhanh. Với mức lương tăng quá nhanh, có rất ít cơ sở để lạc quan rằng lạm phát có thể giảm xuống mức 2% mà FED nhắm mục tiêu.
Nền kinh tế Mỹ ngày nay đang phải đối mặt với áp lực lạm phát bổ sung từ giá ngũ cốc và năng lượng cao hơn do chiến sự tại Ukraine và sự gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều hơn khi dịch COVID-19 dẫn đến những lệnh đóng cửa mới ở Trung Quốc. Những yếu tố này có nguy cơ làm trầm trọng thêm lạm phát trong năm tới.
Sự kết hợp của nền kinh tế phát triển quá nóng, tiền lương tăng mạnh, sự trì hoãn chính sách của FED và các cú sốc nguồn cung gần đây đồng nghĩa với viễn cảnh về một cuộc suy thoái kinh tế Mỹ trong vài năm tới.