Khủng hoảng nợ công Hy Lạp: Thiếu dân chủ trong EU

Trên trang “Spectator” của CH Slovakia tác giả Benjamin Cunningham đã phân tích về một "góc khuất" đằng sau cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp.

Tổng giám đốc IMF Christine Lagarde (trái) và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Eurogroup ở Brussels, Bỉ. Ảnh: AFP/TTXVN.


Gần đây Liên minh châu Âu đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích về tình trạng thiếu dân chủ diễn ra trong nội bộ khối. Những người chỉ trích cho rằng, chính đội ngũ quan chức ở Brussles trong Ủy ban châu Âu (EC) và các cơ quan do EC lập ra (không thông qua bầu cử trực tiếp) đang chi phối các vấn đề của EU chứ không phải các cử tri. Các cơ quan này nắm quá nhiều quyền lực so với Nghị viện châu Âu được người dân trực tiếp bầu ra. Trong khi đó, chính phủ các nước thành viên do người dân trực tiếp bầu ra cũng đang buộc phải tuân theo các mệnh lệnh chung từ Brussels.


EU gồm 28 thành viên với cấu trúc đa dạng và phức tạp đang cần sự ổn định và thống nhất, nếu không sẽ nhanh chóng xảy ra xung đột và tan rã. Về lý thuyết, các nhà lãnh đạo châu Âu ở Brussels phải thực hiện nhiệm vụ của những người quản lý, đảm bảo sự đồng thuận trong việc ra các quyết định có lợi đối với toàn liên minh. Tuy nhiên, tiến trình này hoàn toàn không hề đơn giản. Ngày càng có nhiều người chỉ ra rằng các quyết định quản lý mà đội ngũ lãnh đạo ở Brussels chịu trách nhiệm ngày càng mang tính chính trị, thậm chí bỏ qua yêu cầu của các nhà kỹ trị về việc cần phải hạn chế quyền lực của các cơ quan này. Chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp, vấn đề nhập cư và quan hệ với Nga đã cho thấy rõ những tồn tại này.


Trong vấn đề nợ công Hy Lạp, “bộ ba” chủ nợ đàm phán với Athens gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Không tổ chức nào trong số này được lựa chọn một cách dân chủ, trong khi đó, về mặt lý thuyết việc giải quyết vấn đề nợ công Hy Lạp cần những nhà kỹ trị chứ không phải các chính trị gia. Và hậu quả là trong năm năm qua, tỉ lệ nợ công/GDP của Hy Lạp tăng lên so với thời điểm quá trình giải cứu nước này được bắt đầu. Theo các dự đoán gần đây, tỉ lệ nợ công sẽ còn tiếp tục tăng lên trong ít nhất hai năm nữa. Nguyên nhân của tình trạng này chính là sự can thiệp của đội ngũ lãnh đạo thiếu kinh nghiệm chuyên môn, đã khiến cho tình trạng nợ công của Hy Lạp trở nên tồi tệ hơn. Dù đánh giá dưới góc độ nào thì việc quản lý và giải quyết vấn đề nợ công Hy Lạp cũng vừa thiếu dân chủ lại kém hiệu quả. Các nhà lãnh đạo châu Âu cùng một lúc vừa không muốn đánh mất vai trò chi phối đối với việc hoạch định chính sách lại vừa muốn đảm bảo tính chuyên môn, hiệu quả.


Lãnh đạo các nước thành viên, được bầu lên một cách dân chủ, cũng đang cố gắng chứng minh rằng các chính sách đối với Hy Lạp là sự thành công của chế độ dân chủ. Họ nhấn mạnh đây cũng chính là dấu hiệu khẳng định họ thực sự chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của cử tri, đồng thời là những biện pháp giải quyết khủng hoảng một cách hợp lý, có trách nhiệm và hiệu quả về mặt quản lý. Mặc dù vậy, điều này cũng không thể giúp phủ nhận thực tế rằng sự thiếu dân chủ đã và đang là vấn đề thực sự đằng sau các khủng hoảng hiện nay ở châu Âu.


Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại Praha)
IMF tuyên bố chưa tham gia cứu trợ Hy Lạp
IMF tuyên bố chưa tham gia cứu trợ Hy Lạp

Quỹ Tiền tệ Quốc tế trước mắt sẽ chưa tham gia chương trình cứu trợ thứ 3 dành cho cho Hy Lạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN