"Anh/chị nói là bao nhiêu tiền?" Đây là câu hỏi khi mua hàng thường gặp nhất ở Hy Lạp sau khi bản dự thảo một loạt mức thuế phải tăng cho thấy giá cả các mặt hàng tiêu dùng thường ngày như bánh mì và thịt ở Hy Lạp tăng mạnh. Tuần trước, Hy Lạp đã nhất trí về gói các biện pháp cải cách và khắc khổ theo yêu cầu của các nhà tài trợ để đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro (93 tỷ USD) trong ba năm và tiếp tục ở lại liên minh tiền tệ. Chính phủ của Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã quyết định thực hiện một loạt biện pháp xây dựng lòng tin như cải cách lương hưu, cam kết tư nhân hóa tài sản nhà nước và đáng chú ý nhất là việc tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một loạt hàng hóa (như đường, ca cao...) từ 13% lên 23%.
Người dân Hy Lạp xếp hàng đợi rút tiền từ ATM ở thủ đô Athens ngày 14/7. |
Kế hoạch trên sẽ tác động trước tiên tới các tầng lớp trung lưu và bình dân. Đối với các mặt hàng như nước uống, năng lượng, các mặt hàng thực phẩm chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống sẽ áp mức thuế VAT 13%. Các sản phẩm không thuộc loại hàng mau hỏng bị áp thuế ở mức 23%. Mức thuế tối đa này cũng áp dụng cho các dịch vụ phương tiện giao thông công cộng, taxi, nhà hàng và các dịch vụ khác.
Ngoài ra, Chính phủ Hy Lạp cũng sẽ từng bước loại bỏ những ưu đãi về thuế giá trị gia tăng đối với các đảo ở nước này. Trong khi đó, riêng các mặt hàng như dược phẩm, sách, vé nhà hát thì mức thuế này lại giảm từ 6,5% hiện nay xuống còn 6%.
Đối với một nền kinh tế lao đao trong bất ổn gần đây liên quan tới tương lai tư cách thành viên trong Khu vực đồng euro (Eurozone) và Chính phủ nước này quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo, đợt tăng thuế VAT đã gây ra những lo ngại cho các doanh nghiệp về nguy cơ mất khách, giảm doanh thu ở một quốc gia có tới 1/4 lực lượng lao động không có việc làm và nền kinh tế bị kiệt quệ sau nhiều năm khắc khổ.
Giorgos Kavvathas, người đứng đầu Hiệp hội Kinh doanh nhỏ Hy Lạp, thừa nhận việc tăng thuế sẽ “chất” thêm trung bình 60 euro/tháng đối với ngân sách của các hộ gia đình ở Hy Lạp.
Dưới đây là một vài ví dụ về số tiền mà người dân Hy Lạp phải trả để mua được một số mặt hàng thiết yếu.
Thịt: Đối với những “tín đồ” ưa thích các món ăn nhanh của Hy Lạp - souvlaki truyền thống - đợt tăng thuế vừa qua sẽ không khiến họ tốn thêm tiền khi mà mức thuế đối với thịt lợn vẫn được duy trì ở mức 13%.
Điều này hoàn toàn không đơn giản như suy nghĩ thông thường. Nếu bỏ thêm một ít muối, tiêu, một vài lát khoai tây và hành lên xiên thịt, thì mức thuế có thể tăng lên tới 23%. Điều này có nghĩa là thực khách sẽ phải trả 2,20 euro (2,4 USD) để có thể thưởng thức món souvlaki truyền thống với hành-khoai tây souvlaki tại các nhà hàng - tăng 20 xu. Điều tương tự cũng diễn ra với món gà. Thuế đối với một miếng lườn gà chưa chế biến đứng ở mức 13%. Nếu bỏ thêm một ít pho mát hoặc chuyển thành món cốt lết thì thực khách sẽ phải chịu mức thuế cao hơn.
Trong khi đó, giá thịt bò chịu mức thuế 23%, Stavros Perros, người đứng đầu Hiệp hội Thịt Hy Lạp, cho biết giá thịt bò hiện đã tăng thêm 1 euro lên 11,70 euro (12,7 USD)/kg.
Bánh mì: Một cái bánh mì truyền thống vẫn chịu mức thuế 13%, với giá dao động trong khoảng 40 - 70 xu euro/cái tùy thuộc từng cửa hàng bánh. Nếu thực khách chuộng bánh mì xắt lát với trứng để ăn sáng, hoặc bất kỳ bánh mì nhồi dầu oliu, pho mát hay nho khô. Điều này là do bánh mì “đã chế biến” hiện chịu mức thuế 23%.
Cước taxi: Mức cước của tất cả hãng taxi hiện cao hơn khi thuế giá trị gia tăng tăng từ mức 13% lên 23%. Điều này có nghĩa là giá cước taxi trên tuyến từ sân bay về trung tâm Athens tại quảng trường Syntagma Square sẽ là 38 euro, cao gấp 3 lần trước đó. Trong khi đó, cước phí tuyến từ sân bay đến Athens sẽ tăng từ 50 euro lên 54 euro.
Cước phà: Cước phà đến Santorini hoặc Mykonos hiện đắt hơn một chút từ cảng chính Piraeus. Cước phà đến hòn đảo nổi tiếng Paros từ 32,50 euro (35,39 USD) đến 36,5 euro. Giá cước phà trên tuyến Naxos-Mykonos cũng tăng 4 euro lên 37,5 euro và 38 euro.