Khủng hoảng Eurozone củng cố vị thế 'cỗ xe tăng'

Tròn 25 năm sau ngày bức tường Berlin - biểu tượng lịch sử của sự chia cắt giữa hai miền Đông Đức và Tây Đức - sụp đổ, Đức đã trở thành một cường quốc kinh tế của Liên minh châu Âu (EU), chiếm trên 27% tổng sản lượng của Khu vực đồng euro (Eurozone).

Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ 3 trái) và các quan chức tham dự lễ kỷ niệm 25 năm ngày Bức tường Berlin sụp đổ.


Trong bối cảnh Eurozone đang phải “vật lộn” với cuộc khủng hoảng nợ công và ở bên bờ vực của một cuộc suy thoái, là một “đầu tàu” về kinh tế, Đức luôn phải đối diện với nhiều sức ép hơn so với các quốc gia khác trong việc phải trợ giúp những nước gặp khó khăn về tài chính, để tránh nguy cơ Eurozone sụp đổ và vực dậy nền kinh tế.

Ban đầu, Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra miễn cưỡng trong việc sử dụng tiền thu thuế của người dân để chi cấp cho quỹ cứu trợ Eurozone. Tuy nhiên sau đó, bà đã nhượng bộ và cam kết sẽ tạo ra một “bức tường lửa về tài chính” để giúp các quốc gia yếu trong khu vực này. Đổi lại, Đức cùng với một vài quốc gia nhỏ hơn, chủ yếu là các nước Bắc Âu, đòi hỏi thực hiện một sự giám sát ngân sách chặt chẽ hơn cùng các biện pháp thắt lưng buộc bụng trong khối.

25 năm sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các nhà phân tích đã hầu như tin rằng sức mạnh của châu Âu đang nằm trong tay Berlin, chứ không phải Brussels, Paris hay London. Ông Karel Lannoo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu ở Brussels, cho biết nước Đức giờ đây đã vươn lên từ một “nhân tố phụ” ngoài lề của châu Âu vào thời điểm trước khi bức tường Berlin sụp đổ để trở thành một “trung tâm của châu lục về mặt địa lý, kinh tế và chính trị”.    

Theo chia sẻ của ông Lannoo, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã cho thấy rõ nhất vị thế của Berlin tại châu Âu, khi “mặc dù lãnh đạo các quốc gia thành viên trong khối thường nhóm họp tại Brussels để tìm sự đồng thuận và tiếng nói chung, nhưng quyết định cuối cùng là được đưa ra tại Berlin”. Cuộc khủng hoảng nợ công tại Eurozone, kéo theo những cuộc tranh cãi về vị thế của nước Đức tại châu Âu, đã khiến thực trạng của nước này bây giờ trở nên khác xa so với thời điểm kỷ niệm lần thứ 20 sự kiện bức tường Berlin sụp đổ vào năm 2009.   

Tuy nhiên, ông Lannoo cho rằng sự thống lĩnh của Berlin ở châu Âu chỉ là "tạm thời" do quốc gia này đang phải đối mặt với nhiều “vấn đề kinh tế dài hạn”, nhất là sự suy giảm dân số nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp. Bên cạnh đó, ông Lannoo cũng cho rằng sự trì trệ của kinh tế Pháp (với nhịp độ tăng trưởng ì ạch và tỷ lệ thất nghiệp cao “ngất ngưởng”) đã tác động mạnh đến “động cơ” Đức - Pháp, lâu nay là một đầu tầu kinh tế mạnh của châu Âu.   

Là điểm sáng duy nhất trên bầu trời kinh tế “u ám” của Eurozone và được kỳ vọng sẽ gánh vác sứ mệnh cứu vớt nền kinh tế khu vực, nhưng Đức đang vấp phải chỉ trích về sự “thờ ơ thụ động” của họ. Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói rằng ông “lo ngại về sự thụ động của Đức hơn là sức mạnh của quốc gia này”.   

Về mặt đối ngoại, nếu nhìn từ bên ngoài châu Âu thì Đức là quốc gia có ưu thế nhất. Bằng chứng là xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine, Thủ tướng Đức Merkel đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều hơn bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác. Tuy nhiên trong nội bộ khối, quốc gia này lại bị chỉ trích là chưa hoàn thành tốt nhiệm vụ “đầu tàu” của mình. Cụ thể, trong khi Pháp trở thành một trong những quốc gia đầu tiên tham gia liên minh chống lại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thì Đức lại tỏ ra “rụt rè”.   

Tuy nhiên, chuyên gia người Đức Constanze Stelzenmueller, thuộc Viện Brookings có trụ sở tại Washington, cho biết lập trường của Berlin đang dần thay đổi, qua việc nước này vừa đưa ra quyết định (áp đặt các biện pháp trừng phạt) đối với người Nga và cung cấp vũ khí cho người Kurd, điều mà chỉ nửa năm trước thôi được cho là “hoàn toàn không tưởng”.   


Phương Nga

EC giải tỏa nguy cơ bế tắc về ngân sách các nước Eurozone
EC giải tỏa nguy cơ bế tắc về ngân sách các nước Eurozone

EC thông báo không phát hiện vi phạm nghiêm trọng nào trong dự thảo ngân sách năm 2015 của các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN