Ngày 28/10, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo không phát hiện vi phạm nghiêm trọng nào trong dự thảo ngân sách năm 2015 của các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sau khi Pháp và Italy đưa ra những thay đổi vào phút chót để đáp ứng các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) về thâm hụt ngân sách quốc gia và nợ công. EC không phát hiện được vi phạm nghiêm trọng nào trong dự thảo ngân sách năm 2015 của các nước thành viên Eurozone.
|
Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế Jyrki Katainen cho biết trong 2 tuần qua, EC đã yêu cầu một số nước thành viên Eurozone cung cấp thêm thông tin hoặc giải tỏa một số quan ngại và đã nhận được phản ứng mang tính xây dựng từ những nước này. Ông Katianen khẳng định quá trình xem xét các thông tin và điều chỉnh mới không phát hiện trường hợp nào bất tuân thủ các quy định của EU, vì thế, EC không thể bác bỏ kế hoạch ngân sách của bất kỳ nước nào.
Sau khi khủng hoảng nợ công bùng nổ trong Eurozone, EC được trao thêm quyền hạn để xem xét các kế hoạch ngân sách trong khu vực nhằm đảm bảo mọi nước thành viên không vi phạm mức trần thâm hụt ngân sách 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do EU đặt ra. Đợt xem xét này tập trung vào Pháp và Italy do dự thảo ngân sách ban đầu của 2 nước này không đáp ứng các quy định của EU.
Mặc dù vẫn dự báo mức thâm hụt ngân sách 4,3% trong năm 2015, nhưng Chính phủ Pháp đã cam kết sẽ không vi phạm mức trần 3% đến năm 2017. Bộ trưởng Kinh tế nước này Michael Sapin khẳng định đã tìm được thêm 3,6 tỷ euro (4,6 tỷ USD) để giảm thâm hụt ngân sách.
Đối với Italy, Bộ trưởng Kinh tế Pier Carlo Padoan cũng đã giải tỏa mối lo ngại về thâm hụt ngân sách sau khi tuyên bố giảm 0,3% mức thâm hụt này so với mục tiêu 0,1% ban đầu. Italy cũng cam kết hành động quyết liệt hơn để giảm mức nợ công được dự báo lên đến 133,4% trong năm 2015, cao hơn gấp đôi mức trần cho phép của EU.
Theo các nhà phân tích, thông báo của EC đã xua tan mối lo nổi lên trong nhiều tuần qua về một sự ngừng trệ trong tiến trình thông qua ngân sách năm tới của 2 trong số những nền kinh tế lớn nhất khu vực là Pháp và Italy. Tuy nhiên, các chính phủ 2 nước sẽ phải thường xuyên báo cáo các chương trình cải cách cơ cấu để chứng minh vẫn tuân thủ các quy định của EU.
TTXVN/Tin Tức