Phần lớn hệ thống ngân hàng của các nước thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nói chung có khả năng vượt qua một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới kéo dài 3 năm, nếu nó xảy ra.
Đây là kết luận của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA) sau một cuộc sát hạch đối với 123 ngân hàng lớn nhất trong Eurozone trong năm 2014.
Bản báo cáo công bố ngày 26/10 ghi nhận trong số các ngân hàng được kiểm tra có 25 ngân hàng không đủ khả năng đối phó với khủng hoảng và suy thoái, với tổng số vốn thiếu là 25 tỉ euro (tương đương 31 tỉ USD), trong đó có 13 ngân hàng cần tăng khẩn cấp số vốn thêm 10 tỉ euro (khoảng 12,4 tỉ USD). Ngân hàng trung ương châu Âu cho 13 ngân hàng này thời hạn 2 tuần để đề ra và đệ trình kế hoạch tăng vốn cố định. Tuy nhiên, 12 ngân hàng khác đang trong quá trình giải quyết các khó khăn và tiếp tục tăng vốn, sau khi tổng số vốn của họ đã tăng thêm 15 tỉ euro.
Trong số các ngân hàng không vượt qua được kỳ sát hạch lần này, Italy có tới 9 ngân hàng, Hy Lạp và Síp mỗi nước có 3 ngân hàng, Bỉ và Slovenia mỗi nước có 2 ngân hàng, Đức, Pháp, Ai-len và Bồ Đào Nha mỗi nước có 1 ngân hàng. Đặc biệt, trong số đó, ngân hàng Monte dei Paschi của Italy đang thiếu tới 2,1 tỉ euro (2,8 tỉ USD) vốn cố định. .
Theo ECB, qua đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng - một phần của cuộc sát hạch - nói chung các ngân hàng khu vực Eurozone cần giảm 48 tỉ euro (59,5 tỉ USD) trong giá trị tài sản. Ngoài ra, báo cáo của ECB cũng chỉ rõ có tới 136 tỉ euro (168,6 tỉ USD), trong tổng số 879 tỉ euro giá trị tài sản của các ngân hàng này, có nhiều rủi ro - hay là những khoản vay khó đòi.
Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio tuyên bố việc tiến hành kỳ kiểm tra "kỹ chưa từng có" này đối với các ngân hàng quan trọng nhất của khu vực sẽ làm tăng lòng tin vào lĩnh vực ngân hàng, đồng thời giúp các ngân hàng thêm vững chắc và có sức kháng cự mạnh hơn với khủng hoảng.
Cuộc sát hạch này - nhằm ngăn ngăn sự tái diễn cuộc khủng hoảng tài chính làm suy yếu của khu vực đồng tiền chung - bao gồm 2 giai đoạn. ECB đánh giá chất lượng tài sản, bao gồm tài sản và tín dụng, của các ngân hàng; còn EBA tiến hành các trắc nghiệm về khả năng tài chính của các ngân hàng đối phó với các kịch bản rủi ro.
Đây là cuộc kiểm tra lần thứ 3 kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, bao gồm các kịch bản như khả năng sụt giá mạnh trên thị trường bất động sản EU, nền kinh tế EU rơi vào giai đoạn suy thoái 3 năm và lãi suất tín dụng tăng mạnh.
TTXVN/Tin Tức