Khủng hoảng di cư đè nặng kinh tế châu Âu

Cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu đang đặt ra nhiều bài toán về kinh tế đối với các nước khu vực này, khi dòng người di cư lên tới hàng triệu người, kéo theo các khoản chi ngân sách lên tới hàng tỷ USD mà chính phủ các nước khu vực phải bỏ ra.


Về ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách Đức cho rằng kinh tế các nước châu Âu sẽ chịu những tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng di cư, khi ngân sách nhà nước phải bỏ ra các khoản lớn chi phát sinh để cung cấp nhu yếu phẩm và nơi ở cho những người mới đến cũng như xử lý đơn xin nhập cư. Hầu hết các quốc gia chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) được xem là tương đối dễ dàng trong việc đáp ứng các khoản chi phí, ví dụ Pháp tính toán rằng sẽ phải chi tiêu một khoản bổ sung ngay 300 triệu euro cho người di cư, trong lúc dự trữ khẩn cấp của nước này khá lớn là 8 tỷ euro. Trong khi đó, đối với một số quốc gia khác, các chi phí này có thể là tương đối đáng kể, như với Đức. Đức đã dành 6 tỷ euro để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trong năm 2015 và theo ước tính của hãng Standard & Poors, khoản chi ngân sách mà Đức phải bỏ ra cho người di cư trong hai năm tiếp theo sẽ lần lượt lên tới 10 tỷ euro và 12 tỷ euro.

Binh sĩ và cảnh sát Slovenia đưa người di cư tới trại tị nạn ở Rigonce, gần biên giới với Croatia ngày 26/10. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng theo Standard & Poors, những khoản chi ngân sách đột xuất và lớn có thể làm ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế và ngân sách của một số nước EU, hoặc đến mức xếp hạng tín nhiệm của các nước này. Bên cạnh đó, việc hàng triệu người di cư đổ về “lục địa già” này sẽ “bào mòn“ hệ thống an sinh xã hội vốn được đóng góp bởi người dân bản địa để dành cho y tế, hỗ trợ thất nghiệp, lương hưu và giáo dục.

Về mặt trung hạn, hiện chưa có đủ dữ liệu để đưa ra những kết luận hợp lý về việc cuộc khủng hoảng di cư có thể tác động cụ thể đến mức nào vì không ai biết chắc chắn những người đến châu Âu từ các nước ở Trung Đông, châu Phi và những nước Balkan có những kỹ năng gì, bao nhiêu người di cư sẽ được phép ở lại và làm thế nào họ có thể sớm được tham gia vào lực lượng lao động sở tại. Những người di cư đến châu Âu được cho là sẽ cần ít nhất từ 5 đến 6 năm để có thể hòa nhập vào xã hội sở tại và đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ ở mặt bằng chung, còn nếu muốn ngang bằng với người bản xứ quá trình này sẽ mất 15 năm, tương đương gần 1 thế hệ.

Về dài hạn, hầu hết các nhà kinh tế đồng ý cuộc khủng hoảng di cư trong tương lai xa sẽ có tác động tích cực cho nền kinh tế châu Âu. Theo thời gian, những người mới đến sẽ thể hiện một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xu hướng nhân khẩu học đáng báo động của châu Âu cũng như nâng cao tỷ lệ lao động ở nhiều nước. Tính toán của Ủy ban châu Âu (EC) cho thấy, hiện 1/5 dân số Đức, Italy trên tuổi 65 và đến năm 2060, cứ hai người ở tuổi lao động hiện nay sẽ có 1 người đến tuổi nghỉ hưu vào thời điểm đó. Đây được xem là con số đáng báo động, khi tỷ lệ này hiện tại là 4:1. Còn theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2014, người nhập cư chiếm tới 70% lực lượng lao động tăng thêm ở châu Âu trong 10 năm qua và giúp tăng độ tuổi lao động, lấp đầy các ngành đang sụt giảm lao động và góp phần tăng tính linh hoạt cho thị trường lao động - từ đó tăng khả năng thích nghi nhanh hơn của thị trường lao động đối với các thay đổi trong xã hội.

Tuy nhiên, những người di cư mới đến các nước châu Âu cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc hội nhập, bao gồm từ vấn đề ngôn ngữ và rào cản văn hóa, cho đến việc phải đối mặt với làn sóng thù ghét và bạo lực nhằm vào người nước ngoài đang gia tăng tại nhiều nước châu Âu, nhất là tại Đức.

Đức Chung
Nhiều người di cư thiệt mạng và mất tích trên vùng biển Hy Lạp
Nhiều người di cư thiệt mạng và mất tích trên vùng biển Hy Lạp

Ít nhất 7 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em, và hàng chục người khác mất tích sau khi 4 chiếc thuyền chở người di cư bị chìm ở ngoài khơi vùng biển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp ngày 28/10.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN