Tuy nhiên, “bộ mặt” khủng bố đã mang nhiều đặc điểm mới: thay đổi địa bàn hoạt động, thay đổi phương thức tuyển dụng các tay súng, cũng như phương tiện và cách thức thực hiện các vụ tấn công. Ngoài ra, một số thay đổi trong chính sách của các chính phủ trong năm qua đặt ra những nguy cơ trỗi dậy và lan rộng của các tay súng thánh chiến trong năm 2020.
Theo Chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) năm 2019, do Viện nghiên cứu kinh tế và hòa bình (IEP) công bố cuối tháng 11, số vụ tấn công khủng bố và mức độ thương vong đã giảm đáng kể, nằm trong xu hướng giảm chung từ năm 2015 đến nay. Trong năm 2019, đã xảy ra 780 vụ tấn công, làm 3.488 người thiệt mạng. Con số này trong năm 2017 là 10.900 vụ tấn công và 26.445 người thiệt mạng, và trong năm 2014 là 17.000 vụ làm 45.000 người thiệt mạng.
Dù khủng bố vẫn diễn ra trên diện rộng về địa lý, song hầu hết tập trung ở Trung Đông, Bắc Phi, Tây Phi và Nam Á, do một số ít các nhóm thánh chiến thực hiện (như tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, Boko Haram, Taliban, al-Shabaab) và chủ yếu ảnh hưởng đến cộng đồng người Hồi giáo. Tại phương Tây, dù khủng bố Hồi giáo đã giảm đáng kể, nhưng châu Âu, đặc biệt là Mỹ, đang chứng kiếnsự gia tăng nguy hiểm của khủng bố cực hữu – chủ nghĩa thượng đẳng da trắng.
Các vụ tấn công nhằm vào những người không phải da trắng, không theo Cơ đốc giáo và chủ yếu là người Hồi giáo nhập cư, đã xảy ra ở nhiều nơi: Người Hồi giáo là mục tiêu tấn công chủ yếu ở châu Âu và Bắc Mỹ, trong khi các nhóm thiểu số thường bị tấn công tại Mỹ Latinh. Vụ tấn công của các đối tượng cực hữu vào hai đền thờ ở Christchurch (New Zealand) tháng 3/2019 làm hơn 50 người thiệt mạng là bằng chứng cho thấy chủ nghĩa khủng bố đang “nhiễm” sang cả các nước bấy lâu nay hầu như không có khủng bố, hậu quả của tư tưởng cực hữu.
Một điểm mới cần ghi nhận là cách thức tấn công của các phần tử khủng bố đang thay đổi và ngày càng thích nghi với bối cảnh mới. Trong năm qua, nhiều vụ tấn công dù không được lên kế hoạch bài bản nhưng đã gây thương vong lớn hơn. Trong khi các vũ khí nóng, dao và nhiều vũ khí khác vẫn được các phần tử khủng bố sử dụng nhiều, ô tô, xe tải và thậm chí cả máy bay không người lái đã bắt đầu trở thành phương tiện tấn công phổ biến hơn. Mục tiêu tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng giao thông như các sân bay và ga tàu điện ngầm, nơi có đông người hơn và vì vậy gây thương vong lớn hơn.
Đáng chú ý là năm 2019, truyền thông xã hội đã vô tình tạo điều kiện cho các nhóm khủng bố tuyển dụng thành viên và tuyên truyền tư tưởng cực đoan tàn bạo. Một thực tế mới là các nhóm khủng bố có tổ chức cao nhất và các tay súng hành động đơn độc đều rất thạo kỹ thuật số. Một số nhóm và cá nhân đã đăng tải những “tuyên ngôn” của mình trên mạng, trong khi các tay súng khác sử dụng mạng xã hội để truyền trực tiếp toàn bộ hành động tấn công của mình. Mục đích là phóng đại thương vong, gây chia rẽ các cộng đồng, gia tăng sự mất lòng tin, và tất nhiên là tạo cảm hứng cho những tay súng khác, cũng như gây ra những phản ứng thái quá của các chính phủ.
Nguy hiểm hơn, khi bị chặn trên các mạng phổ biến, các nhóm khủng bố có thể nhanh chóng đăng lại nội dung khủng bố lên các nền tảng khác như jusstpaste.it, hay senvid.com và archive.org, đặt ra thách thức không nhỏ đối với các chính phủ và công ty kỹ thuật số. Các thách thức khác bao gồm các nền tảng được mã hóa như Telegram và WhatsApp, và các hệ kỹ thuật số khó kiểm soát hơn như Darknet. Khi thế giới đang tập trung quá nhiều vào IS và Al-Qaeda, cũng xuất hiện lo ngại rằng nhiều nhóm cực đoan bạo lực đang “nằm ngoài tầm ngắm” nhờ hoạt động “âm thầm” trên các mạng xã hội.
Những thay đổi trong hoạt động khủng bố toàn cầu năm vừa qua có thể được giải thích một phần là do sự đầu tư lớn vào hoạt động chống khủng bố. Việc hoạch định chính sách và hoạt động tình báo đã góp phần phá vỡ nhiều mạng lưới và âm mưu khủng bố tại Bắc Mỹ và Tây Âu. Liên hợp quốc (LHQ) và nhiều chính phủ đã tăng cường nỗ lực, như lập Diễn đàn Internet toàn cầu về chống khủng bố (GIFCT) và các sáng kiến chống khủng bố của hơn 100 doanh nghiệp công nghệ. Facebook đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng/dỡ bỏ những bức ảnh hoặc video có nội dung khủng bố, còn Youtube cho biết 98% trong số hàng nghìn video mà họ đã dỡ bỏ được xác định bằng thuật toán học máy. Twitter cũng đã hủy ít nhất 1 triệu tài khoản từ năm 2015 đến nay vì thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố. Trong khi đó, 9 công ty công nghệ lớn đã áp dụng thuật toán chuỗi để theo dấu vết của khủng bố thông qua nỗ lực tập thể được biết đến với cái tên GIFCT.
Nhưng ngược lại, sự thay đổi chính sách của các chính phủ đôi khi cũng đặt ra nguy cơ mới. Đó là trường hợp chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ quyết định rút quân khỏi miền Bắc Syria, mở đường cho chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, làm dấy lên mối lo ngại về một “khoảng trống an ninh” ở Đông Bắc Syria có thể giúp IS tái sinh. Lệnh rút quân của Tổng thống Trump được đưa ra chỉ chưa đầy một tháng sau khi thủ lĩnh IS phát một đoạn băng kêu gọi tấn công các nhà tù để giải cứu các chiến binh IS. Ngay sau đó, các báo cáo về việc những kẻ khủng bố trốn thoát khỏi nhà tù đã xuất hiện.
Các chuyên gia về khủng bố cảnh báo Đông Nam Á sẽ phải đối mặt với sự hồi sinh của IS và các cuộc tấn công khủng bố theo kiểu "con sói đơn độc", sau khi hàng trăm tù nhân người Indonesia và Malaysia có quan hệ với IS trốn khỏi một trại giam của người Kurd ở vùng Đông Bắc Syria trở về quê hương, trong khi chính phủ các nước này chưa có kế hoạch đối phó. Gần đây, cũng xuất hiện ngày càng nhiều báo cáo về các hoạt động khủng bố tại Nam Á và Đông Nam Á, nhất là tại Ấn Độ, Myanmar, Philippines, Sri Lanka và Thái Lan. Nhóm Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) tại Philippines, nhóm Jemaah Islamiya (JI) tại Indonesia, và các chi nhánh của IS tại Myanmar và Thái Lan đang nổi lên. Vụ tấn công kinh hoàng tại Sri Lanka trong năm 2019 đã cho thấy rõ khả năng vươn dài “chân rết” của IS và các nhóm khủng bố khác ra toàn thế giới.
Năm 2020, thế giới dự báo còn đối mặt nguy cơ nhiều tay súng nước ngoài và những kẻ truyền bá chủ nghĩa khủng bố, phải ngồi tù trong 10-20 năm qua, sẽ mãn hạn tù và sớm được trả tự do, đặc biệt tại châu Âu. Ngoài ra, mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố sinh học cũng đang lớn dần khi các tay súng khủng bố sử dụng ngày càng nhiều công nghệ mới, điển hình là các loại vũ khí hóa học và sinh học. Giữa tháng 10/2019, cảnh sát Indonesia đã phát hiện một nhóm thuộc tổ chức khủng bố JAD (nhóm thân IS lớn nhất tại nước này) âm mưu tiến hành một cuộc tấn công liều chết bằng bom chứa chất độc abrin tại Cirebon, Tây Java. Nhóm này đã từng tấn công một bốt cảnh sát và một đền thờ ở Cirebon. Cảnh sát đã thu giữ 310g hạt cây tương tư vốn là nguyên liệu chính để làm ra abrin. Đây là quả bom tự chế đầu tiên ở Indonesia sử dụng một chất sinh học trong thành phần. Tuy nhiên, đây là âm mưu khủng bố thứ hai trong vòng 8 năm qua sử dụng các chất sinh học.
Tám năm sau sự kiện trùm mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, Ossama Bin Laden bị tiêu diệt, năm 2019 thế giới đã chứng kiến thêm một dấu mốc mới là vụ tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi. Tuy nhiên, việc tiêu diệt cá nhân các trùm khủng bố rốt cuộc chỉ gây ra một bước lùi tạm thời của các nhóm thánh chiến. Cũng giống như al-Qaeda, tổ chức IS vẫn tồn tại và vẫn là một mối đe dọa treo lơ lửng. Một thế giới bình yên chỉ trở thành hiện thực khi mọi nguyên nhân gốc rễ khiến hệ tư tưởng khủng bố cực đoan lan rộng, được nhổ tận gốc.