Không phải Mỹ, đây mới là lý do đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào khủng hoảng

Ankara đổ lỗi cho Washington vì những khó khăn tài chính mà họ đang đối mặt, nhưng họ đang chiến đấu nhầm kẻ thù.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và người đồng cấpThổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, tại thượng đỉnh Nato, Bruxelles ngày 11/7/2018. Ảnh: Reuters

Harun Macit là một trong số ít người may mắn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông xây dựng các cơ sở thể thao và xuất khẩu thiết bị ra nước ngoài, kiếm được nhiều tiền để thoải mái trả các khoản vay nước ngoài của mình. Trong khi đó, nhiều công ty khác, với doanh thu và tài sản được nắm giữ chủ yếu bằng đồng nội tệ, đang tuyệt vọng chứng kiến những khoản nợ của họ nở ra như nấm khi giá trị của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ sụt giảm 1/3 chỉ trong tháng này.

Theo tờ Foreign Policy, cuộc khủng hoảng đồng lira đã làm xói mòn vốn của các ngân hàng và đe dọa một làn sóng phá sản. Cuộc khủng hoảng đã lan rộng ra ngoài Thổ Nhĩ Kỳ, lây nhiễm sang các thị trường mới nổi khác và kéo giá cổ phiếu đi xuống ở London và New York. Nó cũng đã "đầu độc" mối quan hệ giữa Ankara với Washington, vốn bị Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc là một âm mưu của Mỹ để khiến đất nước ông phải quy phục.

Bong bóng bất động sản

Tuy nhiên, theo giới phân tích, gốc rễ sự sụp đổ của đồng lira lại nằm trong chính chính sách của vị Tổng thống quyền lực Erdogan, người đã điều hành nền kinh tế phát triển nóng để giành được lá phiếu ủng hộ và "thống trị" chính trường Thổ Nhĩ Kỳ suốt 16 năm qua.

Do hoạt động xây dựng "điên cuồng" của các công ty xây dựng thân với chính phủ, nền kinh tế quy mô 880 tỷ đô la của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở rộng với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 6,8 % trong thập niên này.

“Rõ ràng tình trạng này sẽ nổ tung. Tôi đã nói với bạn bè của tôi trong ngành xây dựng suốt nhiều năm là hãy ngừng cạnh tranh với nhau, rằng có một thế giới bên ngoài để xây dựng,” ông Harun Macit, 53 tuổi, chủ một công ty gia đình ở vùng ngoại ô Bagcilar của Istanbul, tỏ ra lo ngại. "Bagcilar" có nghĩa là "người trồng nho", để chỉ một vùng đất nông nghiệp trù phú mà ngày nay đã biến thành những khối căn hộ che kín tầm nhìn của ông Macit từ phòng họp. Trong số đó có khoảng 800.000 căn hộ chưa bán được đang tràn ngập thị trường bất động sản Istanbul.

Cuộc bùng nổ xây dựng đã biến đổi đường chân trời lịch sử của Istanbul thành một công trường xây dựng ngổn ngang. Các nhà thờ Hồi giáo, cầu đường và trung tâm mua sắm mới đang tiếp sức cho một ngành công nghiệp xây dựng chiếm gần 10% tổng sản phẩm quốc nội.

Kể từ năm 2001, nhập khẩu vật liệu xây dựng và hàng hóa khác đã vượt xa kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, và thâm hụt tài khoản vãng lai lên tới 50,2 tỷ USD. Nợ cũng chồng chất lên các lĩnh vực khác trong nền kinh tế, lên tới 460 tỷ đô la, tương đương hơn 50% GDP của Thổ Nhĩ Kỳ.

Vào thời điểm này, một số chủ nợ đã cam chịu thất bại. "Chúng tôi biết một số công ty đang mất khả năng thanh toán và một số công ty không có sức thanh khoản, nhưng chúng tôi không biết công ty nào, và cho đến khi chúng tôi biết thì tất cả sẽ bùng cháy cả", Refet Gurkaynak, một nhà kinh tế tại Đại học Bilkent ở Ankara, nói. Ông nhìn thấy tình cảnh hiện tại tại Thổ Nhĩ Kỳ giống với cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn ở Mỹ vào năm 2007.

Chú thích ảnh
Một nhân viên văn phòng trao đổi tính tiền giấy lira Thổ Nhĩ Kỳ ở Istanbul vào ngày 8 tháng 6 năm 2015. Ảnh: AFP / Getty Images

Hoạt động kinh doanh cũng đang chịu sức ép đến mức bị đình trệ. Một số chủ doanh nghiệp phàn nàn rằng nhiều loại thực phẩm đã bị ngừng giao hàng, và các nhà sản xuất đòi phải trả tiền mặt trước cho mỗi đơn hàng. Nhiều nhà máy điện đã ngừng cấp điện trong tuần trước vì đồng lira lao dốc đã khiến giá khí đốt tự nhiên, nhiền liệu của nhà máy, tăng vọt.

Căng thẳng Mỹ - Thổ

Sau bốn cuộc khủng hoảng tài chính kể từ những năm 1990, cộng đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã quen với trạng thái “co giật” như vậy, ông Macit nói. Có lẽ đó là lý do tại sao, lần này, ông đã có sự chuẩn bị. Macit luôn duy trì các khoản vay bằng ngoại tệ dưới 20% vốn của công ty mình mặc dù công ty của ông, Reform Group, với hoạt động xây dựng sân vận động, cung cấp sân cỏ nhân tạo và tạo bề mặt cho các sân tennis hay các đường chạy ở nước ngoài, sẽ rất dễ dàng tiếp cập nhiều nguồn tín dụng nước ngoài.

Không may cho Macit và những người khác, đây không phải là cuộc khủng hoảng thị trường mới nổi bình thường. Cuộc khủng hoảng này còn bị bủa vây bởi sự chia rẽ mạnh mẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh NATO của họ là Mỹ, từ chính sách về Syria đến việc Mỹ trì hoãn bán vũ khí cho Ankara để trừng phạt các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ giúp Iran né lệnh trừng phạt.

Căng thẳng giữa hai nước càng lên cao khi Thổ Nhĩ Kỳ từ chối yêu cầu của Tổng thống Donald Trump phóng thích mục sư Mỹ Andrew Brunson, người đã bị giam giữ gần hai năm vì tội khủng bố. Đáp lại, ông Trump đã áp dụng một số công cụ chính sách đối ngoại yêu thích của ông để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ: tăng thuế nhập khẩu kim loại và trừng phạt các thành viên trong nội các của ông Erdogan. Những lệnh trừng phạt này đã đẩy đồng lira lao dốc thêm. Đồng nội tệ sụt giảm 17% giá trị chỉ trong một ngày trong lúc giới đầu tư lo ngại cảnh báo của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin về các biện pháp trừng phạt tiếp theo.

"Loạt đạn" của Tổng thống Trump đã cho phép ông Erdogan gọi cuộc khủng hoảng tiền tệ là một "cuộc chiến kinh tế" do Washington phát động. Ông Erdogan đã kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ linh hoạt chyển "giỏ trứng" của họ từ đồng đôla Mỹ hoặc euro sang đồng lira để giúp nâng cao giá trị đồng nội tệ. Ông cũng đã áp dụng mức thuế trả đũa đối với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ và kêu gọi tẩy chay các sản phẩm của Apple.

Cả những người ủng hộ và chỉ trích Tổng thống dường như đều thấy một số bằng chứng về hành động của Mỹ. Có lẽ đó là lý do tại sao nhiều người đã đáp lại lời kêu gọi của ông Erdogan bằng cách tự cắt giảm các hóa đơn đô la, đổ Coca-Cola vào toilet, đập nát iPhone. Cực đoan hơn, hôm 20/8 vừa qua, các tay súng đã nổ súng tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Ankara. Không ai bị thương trong cuộc tấn công, và hai người đàn ông đã bị bắt giữ.

Thổ Nhĩ Kỳ tìm lối thoát

Để giảm thiểu "đòn đánh" của Mỹ, Tổng thống Erdogan đã tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Đức và Pháp, những nước đã bày tỏ tình đoàn kết chống lại chính sách thương mại và trừng phạt của chính quyền Trump. Qatar cam kết đầu tư 15 tỷ USD để giúp Thổ Nhĩ Kỳ vượt qua khủng hoảng.

Tuy vậy thị trường vẫn chưa được thuyết phục. Hôm 17/8, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody và S&P đã xếp hạng Thổ Nhĩ Kỳ ngang bằng với Argentina và Hy Lạp. "Sự thiếu vắng một phản ứng chính sách tiền tệ đối với sự sụp đổ của đồng lira và giọng điệu hùng biện của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã càng làm gia tăng khó khăn trong khôi phục ổn định kinh tế", cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch khẳng định.

Các nhà kinh tế hoài nghi về những tuyên bố của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ rằng những tai ương kinh tế của đất nước họ sẽ quay trở lại nước Mỹ. Nhà kinh tế Refet Gurkaynak, làm việc tại trường Đại học Bilkent ở Ankara, nói: “Khi bạn từ chối thừa nhận có những vấn đề thực sự… nếu chỉ nói về các thị trường tài chính hoặc chính quyền Trump 'chơi xấu', thì khó khăn sẽ không tự bay đi. Mọi người sẽ không còn tin rằng mọi thứ sẽ ổn khi các công ty xây dựng vẫn đang loay hoay không thể bán được nhà và các khoản nợ thì ghì chặt lấy họ."

Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2016, Tổng thống Erdogan đã tịch thu tài sản trị giá 11 tỷ USD thuộc các công ty liên kết với Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo sống ở Pennsylvania (Mỹ) mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là đứng sau cuộc đảo chính. Hơn 50.000 người đã bị bỏ tù, và đội ngũ các cơ quan dịch vụ dân sự và an ninh bị trống 150.000 người. Giới phân tích cho rằng, những cuộc thanh trừng này không có lợi cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, ông chủ công ty xây dựng Macit lại thấy cuộc khủng hoảng như là một cơ hội lâu dài để định hướng Thổ Nhĩ Kỳ rời xa Mỹ. “Mỹ là một mối đe dọa cho hòa bình thế giới, và chúng tôi sẽ được hưởng lợi từ việc cắt đứt quan hệ. Các thị trường quan trọng nhất của chúng tôi là ở châu Âu và Trung Đông, chứ không phải cách xa 10.000 km ở Mỹ", ông nói. “Từ ngân hàng, các doanh nghiệp cho đến công dân, đều thống nhất kháng cự. Chúng tôi biết sẽ có nhiều cuộc tấn công hơn, nhưng mọi người đều vào vị trí, họ sẽ không từ bỏ chiến hào, và đất nước này sẽ không đầu hàng", Harun Macit quả quyết.

Tờ Foreign Policy cho rằng, sự kháng cự đó sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải trả giá, dù dưới dạng các khoản thanh toán khổng lồ nợ công ty hay chỉ là giá cả hàng hóa tăng vọt trên thị trường. Nhưng đối với hầu hết người Thổ Nhĩ Kỳ, sự thách thức của Tổng thống Erdogan khi đối mặt với kiểu "bắt nạt" của Mỹ là anh hùng, và vì điều đó họ sẵn sàng trả giá.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nga giao gấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ giữa căng thẳng Ankara-Washington
Nga giao gấp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ giữa căng thẳng Ankara-Washington

Trong lúc căng thẳng Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cao, Nga tuyên bố đẩy nhanh tiến độ chuyển giao hệ thống tên lửa phòng thủ danh tiếng S-400 cho Ankara vào năm 2019, tức là sớm hơn 1 năm so với kế hoạch trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN