Trong bài phát biểu được thu âm sẵn trước thềm dịp lễ Eid al-Adha kéo dài 4 ngày của người Hồi giáo, bắt đầu từ ngày 21/8, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh mục tiêu của cuộc khủng hoảng tiền tệ hiện nay là khiến “Thổ Nhĩ Kỳ và người dân nước này phải đầu hàng”.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc việc đồng lira giảm giá là do các tổ chức tài chính và xếp hạng tín nhiệm phương Tây. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh và năng lực để vượt qua cuộc khủng hoảng này.
Trong khi đó, phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert cho biết hiện Đức không xem xét viện trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ nước này vượt qua cuộc khủng hoảng tiền tệ. Vấn đề này không phải là trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa giới lãnh đạo Đức và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng theo người phát ngôn trên, việc quyết định liệu có yêu cầu Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ hay không là tùy thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ.
Giá đồng lira đã suy yếu xuống mức 6,1100 lira đổi 1 USD trong phiên giao dịch chiều 20/8 sau khi rớt xuống mức 6,0100 lira đổi 1 USD chốt phiên ngày 17/8. Hai hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's và Standard & Poor's đã hạ bậc tín nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ xuống mức thấp, không đáng đầu tư.
Từ đầu năm đến nay, giá đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ so với đồng USD đã giảm khoảng 40% do căng thẳng ngoại giao giữa Washington và Ankara. Quan hệ giữa hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang xấu đi nghiêm trọng kể từ sau những tranh cãi liên quan vụ mục sư Andrew Brunson người Mỹ bị bắt tại Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc khủng bố và gián điệp.
Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ thả mục sư Brunson, đồng thời ra lệnh áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu nhằm trả đũa Ankara, một động thái khiến đồng lira "rơi tự do".
Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáp trả thông qua các lệnh trừng phạt đối với các hàng hóa của Mỹ. Hiện căng thẳng giữa hai bên chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.