Truyền thông Đức đưa tin nữ nhà báo Mesale Tolu đã xác nhận trên tài khoản Twitter của mình rằng theo đề nghị từ phía luật sư, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã dỡ bỏ lệnh cấm rời khỏi nước này đối với cô.
Trước đó, Ankara đã áp đặt lệnh cấm đi lại này kể từ khi nhà báo Mesale Tolu được tại ngoại hồi tháng 12/2017 để chờ xét xử sau 8 tháng tạm giam. Theo dự kiến, phiên xét xử nữ nhà báo Đức này sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 16/10 tới. Nếu bị kết tội, nhà báo Tolu có thể phải đối mặt với mức án 15 năm tù giam.
Mesale Tolu, 34 tuổi, phóng viên và phiên dịch viên cho hãng tin ETHA của Đức, bị bắt giữ từ tháng 4/2017 với cáo buộc tham gia một đảng chính trị bị cấm hoạt động tại Thổ Nhĩ Kỳ do bị coi là tổ chức khủng bố. Nhà báo Tolu là một trong nhiều công dân Đức bị bắt giữ tại Thổ Nhĩ Kỳ theo sắc lệnh tình trạng khẩn cấp mà chính quyền nước này ban bố từ sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016, dẫn tới cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa Ankara và Berlin.
Quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, hai nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bắt đầu rạn nứt kể khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về các vụ bắt giữ các nhà báo và công dân Đức với cáo buộc cổ xúy khủng bố. Tuy nhiên, mối quan hệ này trong vài tháng gần đây đã được cải thiện, đặc biệt sau khi Thổ Nhĩ Kỳ trả tự do cho nhà báo Đức gốc Thổ Nhĩ Kỳ Deniz Yucel hồi tháng 2 vừa qua.
Hiện Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang giam giữ 8 công dân Đức vì lý do chính trị. Berlin đã nhiều lần yêu cầu Ankara thả tự do cho những công dân này, coi đây là một động thái cần thiết để cải thiện quan hệ hai nước.