Khi nào kinh tế Nga thoát khỏi khủng hoảng?

Nguồn “vàng đen” từng giúp Nga làm giàu nhanh chóng trong thập niên 2000 bắt đầu kiệt sức. Moskva đang tìm cách phục hồi nhờ đầu tư, như phát triển cơ sở hạ tầng, ủng hộ các doanh nghiệp xuất khẩu không nằm trong lĩnh vực dầu mỏ và ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ còn phải đau đầu vì giá dầu giảm.

Nước Nga đang trải qua một thời kỳ suy thoái kinh tế nghiêm trọng do giá dầu thế giới giảm mạnh và do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào nước này. Bắt đầu từ mùa Hè năm 2014, giá dầu thô trên thế giới rớt thảm hại đã khiến nền kinh tế Nga mất 5,5% tài sản. Tổng thống Vladimir Putin phải đối mặt với một thách thức lớn: phục hồi tăng trưởng kinh tế dựa trên mọi lĩnh vực khác, trừ xuất khẩu khí đốt.

Bài viết “Liệu nền kinh tế Nga chìm trong khủng hoảng có hồi phục được không?” đăng trên tờ “Le Figaro” đánh giá tăng trưởng kinh tế Nga phụ thuộc vào giá “vàng đen”. Thế nhưng, trong vòng hai năm trở lại đây, giá dầu thô giảm xuống hơn một nửa đã gây ra nhiều hệ quả xấu.

Trước hết, đồng ruble mất giá so với đồng USD. Thứ hai, đằng sau tỉ lệ thất nghiệp có vẻ vẫn hạn chế ở mức 6,3% (theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế-IMF) là hiệu suất lao động kém và tình trạng sa thải tại các doanh nghiệp lớn đang bị che giấu. Thứ ba, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga cũng liên tục tuột dốc: GDP giảm 3,7% vào năm 2015 và được dự báo hạn chế ở mức 1,2% vào năm 2016, trước khi có thể dần dần hồi phục từ các năm 2017 và 2018. Cuối cùng, cuộc khủng hoảng hiện nay còn kéo theo việc chảy máu nguồn vốn và giá dầu giảm cũng khiến nguồn vốn dự trữ giảm theo.

Trong khi đó, theo nhật báo công giáo “La Croix” tại Saint-Petersbourg, những người nghỉ hưu ở Nga cũng chịu tác động lớn của thời buổi suy thoái. Từ lâu được Tổng thống Nga chăm chút, những người hưu trí giờ buộc phải thích ứng tình hình một cách vất vả do sức mua của họ đã bị sụt giảm mạnh. Với đồng lương hưu ít ỏi (từ 150-200 euro), để có thể cầm cự đến cuối tháng, nhiều người già về hưu phải chấp nhận làm thêm những công việc trả lương thấp như bồi bàn, quản lý nhà người già. Họ tiết kiệm chi tiêu bằng cách hy sinh một phần khoản chăm sóc sức khỏe, như từ chối làm xét nghiệm, chữa bệnh khi không có tiền.

Thời kỳ vàng son của dầu mỏ từ năm 2000-2008 đã giúp Cục Dự trữ Nga, được thành lập vào năm 2008, trữ được 49 tỉ USD. Đến đầu tháng 6/2016, khoản dự trữ này còn 38,6 tỉ USD. Nếu giá dầu thô không ổn định ở mức 50 USD/thùng thì Cục Dự trữ Nga có thể sẽ bị “rỗng ruột” ngay trong năm 2017, vì gần một nửa ngân sách nhà nước Nga phụ thuộc vào thu nhập từ khí đốt và dầu mỏ. Dù Nga xuất khẩu loại chất đốt này nhiều hơn trong 6 tháng đầu năm 2016, nhưng doanh thu vẫn lần lượt giảm 29% và 36% vào các tháng 1 và tháng 4/2016 so với cùng thời điểm năm 2015.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cho biết nền kinh tế Nga vẫn có thể kiểm soát được. Ảnh: THX/TTXVN

Chính quyền Nga đang lên chương trình cổ phần hoá một phần tập đoàn dầu khí Rosneff và Alrosa- tập đoàn nhà nước hàng đầu về kinh doanh kim cương. Lĩnh vực ngân hàng Nga đang trên đà phục hồi. Từ hơn một năm nay, Ngân hàng Trung ương đã rút giấy phép kinh doanh của 137 ngân hàng hoạt động thiếu hiệu quả. Hoạt động vay tín dụng ngân hàng đang từng bước phục hồi nhưng vẫn còn rụt rè do lãi suất cao, thêm vào đó là những biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các hoạt động tài chính của các tập đoàn lớn của Nga.

Thế nhưng, theo thống kê của Viện nghiên cứu Rosstat, các lĩnh vực độc lập và ngành sản xuất không thuộc lĩnh vực dầu mỏ chỉ chiếm 10% GDP của Nga. Những lời kêu gọi hiện đại hoá và đa dạng hoá nền kinh tế từ thời Tổng thống Medvedev đã không được lắng nghe. Giới chuyên gia theo khuynh hướng tự do- những người được kêu gọi sát cánh cùng Tổng thống Vladimir Putin để lập kế hoạch kinh tế cho nhiệm kỳ thứ tư (2018-2024) của người đứng đầu Điện Kremlin- dự báo mức tăng trưởng 4% với điều kiện phải cải tổ cấu trúc. Tuy nhiên, tiếng nói của họ vẫn không có trọng lượng trước phe bảo thủ hiện nắm quyền trong các tổ chức an ninh có nhiệm vụ củng cố chế độ.

Theo phân tích của ông Vladislav Inozemtsev tại Quỹ Jamestown, việc các chuyên gia theo khuynh hướng tự do xuất hiện gần đây trong những cuộc tranh luận quần chúng “chỉ phản ánh nhu cầu của chính phủ sử dụng các chiến thuật tinh vi hơn nhằm bảo vệ toàn vẹn chế độ hiện nay”. Vì vậy, tác giả bài viết kết luận mối nghi ngờ về khả năng cải tổ và hồi phục của Nga vẫn còn đó.
TTXVN/Tin Tức
Kinh tế Nga thích ứng với giá dầu "nhảy múa"
Kinh tế Nga thích ứng với giá dầu "nhảy múa"

Quá trình thích ứng của nền kinh tế Nga với giá dầu biến động cách đây một năm rưỡi đã hoàn tất và thực tế, nền kinh tế Nga cần tìm ra mô hình tăng trưởng mới trong điều kiện giá dầu thay đổi đáng kể.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN