Điều gì chờ đợi nền kinh tế Nga trong năm 2016?

Câu hỏi đặt ra hiện nay với nước Nga là những chính sách của chính phủ có đủ để vực dậy kinh tế gấu Nga và điều gì chờ đợi nền kinh tế này trong năm 2016.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukaye.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thường niên Gaidar vừa qua ở Moskva, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev thừa nhận những thách thức đối với kinh tế Nga hiện nay là nghiêm trọng nhất trong suốt một thập kỷ qua. Tuy nhiên, ông khẳng định có thể giảm thiểu tác động từ bên ngoài ở mức độ nào đó nhờ kế hoạch chống khủng hoảng. Câu hỏi đặt ra hiện nay là những chính sách đó có đủ để vực dậy kinh tế Nga và điều gì chờ đợi nền kinh tế Nga trong năm 2016.

Cần lưu ý rằng, liên tục trong thời gian gần đây, các nhà kinh tế đã đưa ra những dự báo giá dầu sẽ giảm xuống mức còn 20USD/thùng. Là nước xuất khẩu dầu mỏ, nước Nga chắc chắn sẽ không mong muốn kịch bản này xảy ra.

Dầu mỏ đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế Nga, đất nước với gần một nửa doanh thu đến từ xuất khẩu năng lượng, nên chúng ta hoàn toàn có thể hiểu được tâm lý lo ngại, thậm chí là hoảng loạn tại Nga khi những ngày qua, cả đồng ruble và dầu mỏ đều rớt giá. Thậm chí có những thời điểm giá dầu xuống tới mức 27 USD/thùng, điều chưa từng có trong suốt 13 năm qua. Đây thực sự là một tin không mấy tốt lành đối với nền kinh tế Nga.

Trong khi đó, dự thảo ngân sách Nga năm 2016 được xây dựng trên cơ sở giá dầu được dự báo đứng ở mức 50USD/thùng và thực tế những ngày qua đang khiến cho giới chức và các chuyên gia kinh tế nước này phải suy nghĩ lại. Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev trong một cuộc trả lời phỏng vấn giới báo chí đã phải thừa nhận rằng: "Chúng tôi hiện đang chuẩn bị các phương án nếu giá dầu giảm đến 25USD/thùng".

Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, kịch bản sốc là giá dầu rớt xuống 20USD/thùng. Khi đó Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2016 của Nga sẽ giảm 6%, thâm hụt ngân sách tăng đến 8% GDP, tỷ giá đồng ruble giảm xuống mức 90 ruble tương đương 1 USD và lạm phát cả năm sẽ tăng đến 12%. 

Điều đáng nói là nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại kịch bản gây sốc này hoàn toàn có thể xảy ra. Thậm chí xác suất của nó khá cao, do sự mất cân bằng giữa cung và cầu, nhất là trong bối cảnh Iran cũng đang ráo riết chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu dầu mỏ, sau một thời gian dài phải chịu lệnh cấm vận quốc tế.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn một tờ báo Đức mới đây, Tổng thống Nga Putin thừa nhận các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga. Theo ông thì những ảnh hưởng này trước hết "liên quan đến các khả năng của Nga trên thị trường tài chính quốc tế", điều đó đã và đang gây tổn hại nghiêm trọng đến Nga.

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, tổn hại lớn nhất hiện nay đối với Nga không đến từ những lệnh trừng phạt của phương Tây, mà bắt nguồn từ sự sụt giảm của giá dầu thế giới. Ông khẳng định, nước Nga đã phải chịu những mất mát lớn về doanh thu từ ngành năng lượng, trong khi đáng lẽ đây phải là nguồn thu chủ lực bù đắp phần nào cho những tổn thất ở các ngành kinh tế khác.

Về các lệnh trừng phạt của phương Tây, có thể thấy rõ người chịu thiệt hại không chỉ là một mình nước Nga, mà cả các quốc gia phương Tây cũng đều phải chịu chung tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt này. Trên thực tế, khi Mỹ và các nước phương Tây phát động cuộc chiến trừng phạt Nga, liên quan việc nước này sáp nhập Crimea (Crưm), cũng như tình trạng rối ren ở Ukraine, mà phương Tây cáo buộc Nga là người liên đới chính, thì Nga cũng đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối xứng. 

Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây, thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang "ngấm đòn đau" từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga, cũng như từ các đòn trả đũa của Moskva.

Kể từ năm 2014, đặc biệt là từ thời điểm cuối 2014 đến nay, nền kinh tế Nga trải qua bao nốt trầm. Từ việc giá dầu mỏ liên tục phá đáy mới, đồng nội tệ ngày càng mất giá, khiến cho đời sống của chính người dân Nga lâm vào khó khăn, nhiều nhu cầu, nhiều khoản chi tiêu buộc phải cắt giảm. 

Tuy vậy, dù bức tranh kinh tế Nga hiện chủ đạo là những mảng màu u ám, giới chức Nga tin rằng chính những khó khăn hiện nay là động thực thúc đẩy Moskva cải cách các chính sách và cấu trúc nền kinh tế. Và nếu triển khai được những chính sách hợp lý, nước Nga có thể vượt qua được những khó khăn kinh tế hiện tại và trụ vững trong năm 2016, được dự báo sẽ còn nhiều biến động.

Quế Anh (P/v TTXVN tại LB Nga)
Trung Quốc muốn vượt mặt Nga tại Iran
Trung Quốc muốn vượt mặt Nga tại Iran

Báo Độc lập (Nga) ngày 25/1 nhận định Trung Quốc đang cạnh tranh với Nga để tranh giành ảnh hưởng tại Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN